Đồng chí Nguyễn Văn Chính là thân phụ của Thiếu tướng Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM.
Đảng uỷ - Ban Biên tập Báo Công an TP.HCM xin chia buồn cùng đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Minh Hùng và tang quyến.
Báo Công an TP.HCM xin trân trọng giới thiệu bài viết rất chân thành và xúc động của ông Nguyễn Trọng Xuất, Nguyên P.Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy (Phân khu 6) Sài Gòn - Gia Định trong Mậu Thân 1968, là người có thời gian gắn bó, cùng công tác với đồng chí Nguyễn Văn Chính.
---------------------------------------
Anh Chín Cần, người “đổi mới thầm lặng” của đất Long An
Anh Chín Cần, tên thật là Nguyễn Văn Chính. Anh thuộc lớp đàn anh, hơn tôi gần một con giáp. Nhưng do có cơ hội cùng nhau công tác lúc anh là Ủy viên TW Đảng, Bí thư Phân khu 2 rồi PK 2+3 sát nhập. Còn tôi phụ trách P.trưởng Ban Tuyên huấn PK 6, nên được anh giúp xây dựng bàn đạp ven đô để tiến vào nội thành trong chiến dịch Mậu Thân 1968 nổi tiếng.
Anh Chín Cần nổi bật, theo tôi, ở mấy điểm chủ yếu sau:
Một là, xuất thân từ giai cấp nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng là người nông dân đã sớm “trí thức hóa”, trở thành người lãnh đạo một trong những tỉnh trung tâm của Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một vùng đất nổi tiếng với 10 chữ vàng: “Long An trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc”.
Hai là, sau ngày giải phóng 30-4-1975, anh 2 lần đảm nhận cương vị Bí thư Long an, là người tiên phong trong cuộc tiến công đột phá vào thành trì của cơ chế “quan liêu bao cấp”, một hành động mà thời bấy giờ dễ bị chụp mũ là “chống lại CNXH”.
Ba là, sáng kiến “bù giá vào lương” là một sáng tạo, xuất phát từ những con người không bao giờ chịu thúc thủ trước những bất hợp lý, dù với cách giải thích nào theo chủ nghĩa giáo điều. Và cái đáng quý ở anh là: công lao lớn với “Đổi Mới”, nhưng anh lại rất khiêm tốn.
Bốn là, từ khi làm Phó thủ tướng cho đến ngày nghỉ hưu, rời cương vị Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cái “Tâm” của anh Chín Cần vẫn mãi là cái “Tâm cộng sản đích thực, lo trước cái lo của mọi người, vui sau cái vui của mọi người” (Tiên ưu hậu lạc”. Là Chủ tịch Hội Nông dân VN, anh khẳng định một điều mà cho đến nay 40 năm rồi ta vẫn còn đang vướng mắc: “Hội Nông dân không phải là nơi “đánh trống, ghi tên”, “nói chính trị chung chung”, cái mà Anh Chín Cần lo là xu hướng hành chính hóa các Hội đoàn giai cấp cách mạng. Anh nói: “Trong sản xuất hội viên cần vốn - Hội phải lo vốn. Hội viên cần giống - Hội phải lo giống. Hội viên cần kiến thức - Hội phải lo truyền kiến thức. Nếu không làm được điều đó thì Hội không còn lý do gì để tồn tại!”.
Về chủ trương “bù giá vào lương” do Long An làm thí điểm, tôi nhớ lần gặp nhau giữa Anh Chín Cần với đồng chí Nguyễn Văn Linh, Anh Chín Cần đề nghị thành phố cùng làm. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đắn đo và đáp: “Đó là một chủ trương đúng. Nhưng thành phố với đội ngũ nhân sự lớn như vậy sẽ khó hơn Long An. Cho nên thành phố tán thành chủ trương của Long An, hết sức ủng hộ. Long An đi đầu rồi thành phố sẽ cùng Long An tiếp tục tháo gỡ cơ chế này”.
Khi Trung ương về Long An kiểm tra chủ trương “bù giá vào lương”, Báo Tuổi Trẻ (số 8-12-2005) đã thuật lại chuyện thí điểm trước hết ở mặt hàng xà bông: Tiền chi mua xà bông theo tiêu chuẩn bao cấp được tính lại, bù đủ vào lương, còn mặt hàng xà bông được đưa thẳng ra chợ bán tự do, không phân phối nữa; như vậy tiền lương cán bộ cũng tăng tương ứng, người mua thoải mái lựa chọn, không còn lo mua dự trữ... Thành công của mặt hàng xà bông giúp Long An chuyển sang một số mặt hàng cơ bản là thịt, rồi gạo... Toàn bộ số hiện vật (bao cấp) đều được quy ra tiền theo mức giá thị trường (thịt 3 đồng giá bao cấp = 300 đồng theo giá thị trường, được đưa vào lương).
Tại buổi làm việc chính thức với đoàn Long An, có các ông Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Trân, Lê Văn Lương, Lê Quang Đạo, Vũ Oanh và những người đứng đầu các bộ, ngành đến dự. Trong lúc ông Chín Cần trình bày đề án, một lãnh đạo đứng lên chất vấn: “Tại sao bí thư, chủ tịch tỉnh lại lĩnh lương tới hơn 600 đồng/tháng, Long An lấy tiền đâu để trả”. Khi ông Chín Cần được Tổng bí thư yêu cầu báo cáo lại thì Tổng bí thư rất vui mừng.
Kết thúc cuộc làm việc căng thẳng nhưng rất ấn tượng này, thay mặt Bộ Chính trị, ông Nguyễn Duy Trinh nói: “Long An đã làm được một việc lớn, kết quả rất lớn, cho phép Long An tiếp tục thực hiện làm thí điểm cho cả nước...”. Ông Trinh cũng giao cho các bộ ngành ở Trung ương tạo điều kiện giúp Long An thực hiện có hiệu quả và sớm tổng kết đề án giá - lương - tiền.
Có điều thú vị là khi một cán bộ hỏi: “Tại sao việc hệ trọng như vậy, trước khi làm Long An không báo cáo xin ý kiến Trung ương?”, ông Chín Cần nói: “Nếu tôi xin ý kiến thì bằng lý luận các anh sẽ bác; chúng tôi làm thử cho có kết quả rồi sẽ báo cáo”. Đúng như nhà báo Hoàng Trọng Thủy (Tạp chí Nông thôn mới) viết: “Chỉ có Chín Cần mới có được câu trả lời dũng cảm, trí tuệ, bản lĩnh như vậy!”.
Một người cộng sản từ nông dân mà ra, tự phấn đấu để trở thành “trí thức” thật sự của thời “Đổi Mới”. Anh Chín Cần luôn nghĩ về Dân, luôn muốn làm gì cho Dân sống tốt hơn, cố tìm ra chỗ then chốt của vấn đề cách mạng để bấm vào giải quyết, xử lý! Cái xót xa của con người nông dân cộng sản Chín Cần khi thấy bà con đem 5kg gạo lên Sài Gòn, bị trạm Tân Hương (Tiền Giang) tịch thu, đổ ngâm nước, trong khi cả thành phố phải ăn độn 90% bo bo! Không có cái “Tâm” phẫn nộ cần thiết của người cộng sản chân chính thì làm sao hiểu nổi cái xót xa ấy của Anh Chín Cần? Đối chiếu với những gì Anh Chín để lại cho đời, chúng ta càng khó hiểu: tại sao những người tự cho mình là cán bộ cộng sản, giữ chức vụ cao trong bộ máy quản lý Nhà nước - do Dân giao cho - lại có thể phung phí, tham ô hàng ngàn tỷ tiền ngân sách, mà họ hình như chẳng biết ân hận?
Hôm nay, chúng ta vĩnh biệt Anh Chín Cần, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta nuôi mong ước: những người cộng sản chân chính, nếu còn chút danh dự thì cần làm gì cho xứng đáng với danh nghĩa con người cộng sản”, thì hãy noi theo “Cái Tâm Chín Cần: Lo trước cái lo của mọi người, vui sau cái vui của mọi người”.
Một con người đáng trân quý đã đi xa.
Phim tài liệu "Chuyện về cựu Bí thư tỉnh uỷ: Nói về một con người như thế"
(Nguồn phim: Đài truyền hình Long An)
Nguyễn Trọng Xuất (Nguyên P.Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy (Phân khu 6) Sài Gòn - Gia Định trong Mậu Thân 1968)