Nhiều thẩm phán xin nghỉ việc do... quá tải trách nhiệm

Thứ Ba, 05/11/2019 23:40

|

(CAO) Hiện ngành Tòa án đang phải đối mặt với một thực tế là rất nhiều các thẩm phán xin nghỉ việc. Điều này xảy ra ở tất cả các địa phương.

Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình nêu thực tế trên khi giải trình với các đại biểu về những khó khăn mà ngành Toà án đang phải đối mặt trong phiên thảo luận về công tác tư pháp hôm 5-11.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trung bình hàng năm số lượng công việc tăng lên khoảng 10%, đặc biệt năm 2019 tăng 12%, với gần 70.000 vụ việc. Hiện ngành Tòa án đang thụ lý hơn 600.000 vụ.

Chánh án Toà tối cao Nguyễn Hoà Bình tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu

“Số lượng và quy mô các vụ án tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và quy mô nền kinh tế” – ông Bình phản ánh.

So sánh với ác quốc gia có quy mô dân số 100 triệu dân, người đứng đầu ngành toà án Việt Nam cho biết, số lượng giải quyết của Tòa án ở các quốc gia này đều là 1,5 - 2 triệu vụ/1 năm, nghĩa là con số 600.000 vụ chưa phải là điểm dừng mà trong tương lai có thể sẽ tăng nhiều hơn thế nữa.

“Điều này cũng đặt ra hệ thống tòa án phải đối mặt, phải có giải pháp để làm tốt các nhiệm vụ của mình” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận.

Cũng theo ông Bình, áp lực với các thẩm phán là có thật. Hiện ngành toà án đang phải đối mặt với một thực tế là rất nhiều các thẩm phán xin nghỉ việc, ở tất cả các địa phương. Trước tình trạng này, ngành Tòa án đề nghị xem xét về biên chế và cần cân nhắc các chức danh tư pháp.

“Khi dân số tăng chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như nhà ở, giao thông, bệnh viện, trường học, điện, nước... Tất cả các áp lực này đều có thể giải quyết bằng cơ chế thị trường, bằng xã hội hóa, nhưng riêng hoạt động tư pháp, đây là bổn phận của nhà nước, không thể nhường cho ai được, cho nên giảm biên chế đều như các lĩnh vực khác là phải cân nhắc” - ông Bình nêu quan điểm.

Trước đó, thảo luận về công tác tư pháp đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (Phó chánh án TAND TP HCM) cũng cho biết, thời gian qua đơn vị nhận rất nhiều đơn xin nghỉ việc của thẩm phán và thư ký do quá tải trách nhiệm và áp lực công việc.

Dẫn chứng từ bà Thuý cho thấy, mới nhất một thẩm phán đã lần thứ hai xin nghỉ, nhưng tòa chỉ cho thư ký nghỉ việc, còn thẩm phán chỉ xét với những người “bệnh nặng".

"Chúng tôi động viên họ tiếp tục công tác và giải quyết cho nghỉ lần lượt song những người này thường làm việc cầm chừng, gây ảnh hưởng không tốt đến công việc chung của tòa án" - bà Thúy nêu thực trạng.

Cũng theo Phó Chánh án TAND TPHCM, mỗi năm tại thành phố các loại án tăng trên 10.000 vụ. Mỗi tháng, một thẩm phán quận phải giải quyết hơn 10 vụ án, trong khi đó chế độ đãi ngộ, tiền lương "không đủ để trang trải cuộc sống".

"Tòa án không xin tăng nhưng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên biên chế được phân bổ tại TP HCM; cho phép toà được chủ động điều động thẩm phán trung cấp, sơ cấp thuộc cấp mình quản lý" – bà Thuý kiến nghị.

Còn đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) thì chia sẻ, thẩm phán hiện nay chịu rất nhiều áp lực khi xét xử các vụ án. Họ cần phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ... mới có thể phán quyết chính xác, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, các chế độ đãi ngộ, tiền lương dành cho thẩm phán, theo ông Hà, là chưa tương xứng.

“Tôi đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và có cơ chế, chính sách phù hợp cho cán bộ, công chức tòa án, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán để họ yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả là bảo vệ công lý" – ông Hà nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang