Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn
Tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhìn nhận: “Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm, là sự chia sẻ, động viên để Chính phủ nói chung và Bộ Công an nói riêng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri cả nước”.
Toàn cảnh phiên họp sáng 5-11 tại hội trường
Làm rõ hơn những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật cũng đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Áp lực gia tăng tội phạm ngày càng nhiều hơn.
Trước tình hình đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng Công an đã có những nỗ lực, cố gắng rất lớn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và đạt được những kết quả quan trọng.
Nhìn tổng thể, Bộ trưởng cho rằng, tình hình an ninh trật tự của nước ta tiếp tục được giữ vững, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn.
“Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động” - Bộ trưởng đánh giá và cho rằng đây là vấn cần được khẳng định rõ để cử tri và nhân dân cả nước yên tâm, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ở góc khác, Bộ trưởng xác nhận tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Điều này cũng đã được kiểm điểm trong Báo cáo của Chính phủ cũng như qua các ý kiến thảo luận của các vị ĐBQH.
Nhấn mạnh nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và cấp bách, tình hình hiện nay diễn biến hết sức mau lẹ và phức tạp, Bộ trưởng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ giám sát của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề liên quan để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trong thời gian tới.
Nhiều đường dây ma túy bị triệt phá ngay khi mới hoạt động
Liên quan đến nội dung được đại biểu đề cập nhiều tại phiên thảo luận là tội phạm ma tuý, người đứng đầu ngành công an khẳng định: “Bộ Công an luôn xác định ma túy là tội phạm của các loại tội phạm nên đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này”.
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình thêm về một số vấn đề đại biểu QH đặt ra
Thừa nhận lo lắng của đại biểu và cử tri trước việc tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ 3 là chính đáng, nhưng Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Qua các vụ án lớn cho thấy các đường dây ma túy đều mới hoạt động và đã bị chúng ta phát hiện, bắt giữ. Phần lớn là mới vận chuyển chuyến đầu tiên hoặc mới bắt đầu sản xuất ma túy”.
Thực tế trên cho thấy, thế trận nghiệp vụ của chúng ta trong phòng, chống tội phạm ma túy vẫn mang lại hiệu quả.
“Ngoài sự chủ động về nghiệp vụ, lực lượng công an nhân dân còn có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đặc biệt là sự hợp tác quốc tế ngày càng hiệu quả theo chiều sâu, tạo thành thế trận liên hoàn trong đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy” - Bộ trưởng Bộ Công an phân tích.
Khái quát lại vấn đề, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với bốn thách thức lớn liên quan đến loại tội phạm về ma tuý.
Thứ nhất là áp lực về tội phạm ma túy từ bên ngoài vào chúng ta rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới dài, cả đường bộ, đường biển nên rất khó kiểm soát.
“Đây là vấn đề mang tính chất khách quan. Dù muốn hay không, chúng tôi vẫn phải đối mặt và giải quyết” – Bộ trưởng nêu quan điểm.
Thách thức tiếp theo được Bộ trưởng Tô Lâm nhắc tới là sự gia tăng của số người nghiện ma túy trong nước. Theo Bộ trưởng, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều so với thống kê những người nghiện có hồ sơ kiểm soát, trong khi công tác cai nghiện chưa hiệu quả và gặp nhiều khó khăn.
“Số người nghiện ma túy hiện đang tạo áp lực rất lớn lên các vấn đề xã hội là nguyên nhân nhiều loại tội phạm khác” – Bộ trưởng lưu ý và cho rằng giải quyết vấn đề người nghiện là một trong những thách thức lớn nhất để giảm hoạt động của tội phạm ma túy hiện nay.
Lý do là, còn người nghiện thì còn nhu cầu sử dụng ma túy, từ đó sẽ kích thích các đối tượng bằng mọi cách mua bán, vận chuyển ma túy.
Khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, theo Bộ trưởng, đã được đặt ra nhưng chậm được giải quyết cũng là một thách thức. Việc đơn giản hóa các thủ tục đưa người nghiện và các cơ sở cai nghiện tập trung, giám định hàm lượng các chất ma túy hay hướng dẫn áp dụng một số điều luật về tội phạm ma túy... đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên thực tế.
Thách thức cuối cùng, theo Bộ trưởng Tô Lâm, là điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn khó khăn nên nguồn lực cho công tác, phòng chống ma túy chưa tương xứng với tình hình phức tạp hiện nay. Lực lượng, kinh phí, phương tiện cho các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36 về tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới và hiện đang xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó phải có các giải pháp đồng bộ để xử lý những thách thức nêu trên mới mang lại hiệu quả cao trong công tác này.
“Bộ Công an rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới để góp phần tháo gỡ những khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới” – Bộ trưởng nêu rõ.
(CAO) Nếu không xem người sử dụng chất ma túy trái phép là đối tượng vi phạm pháp luật thì cơ chế cai nghiện như hiện nay sẽ khó giảm số lượng người sử dụng ma túy trong xã hội.