Bác Hồ với quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1
Vừa bước tới dãy phòng học tại xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tôi và các thành viên bước thật chậm để lắng nghe âm thanh của trẻ thơ trên hòn đảo giữa trùng khơi này. Sau giờ học, các em được thầy giáo bắt nhịp bài hát về Bác Hồ. Giọng trong trẻo của các cháu làm cho mọi người đều xúc động. Giữa nơi xa xôi này, hình ảnh và câu chuyện về Bác Hồ được các thầy giáo và những người lính kể với các em từng ngày thông qua các buổi học, hoặc các bài hát.
Tại xã đảo Sinh Tồn, với sự nỗ lực của quân và dân trên đảo, nơi này đã biến thành hòn đảo xanh rợp bóng cây. Chị Lê Thị Kim Thi mời tôi vào thăm ngôi nhà là tổ ấm của cặp vợ chồng trẻ với 2 đứa con thơ. Ngôi nhà của chị có lẽ là đặc biệt nhất trong số các hộ dân ở xã đảo, đó là trên bức tường bốn góc đều vẽ hình hoa sen đỏ thắm, hai bên bàn thờ cũng được trang trí hoa sen và chính giữa đặt tấm ảnh Bác Hồ với nụ cười tỏa ấm trong ngôi nhà trên đảo.
Chị Thi cho biết, ở xã đảo xa đất liền, cuộc sống tinh thần trở nên rất quan trọng, mọi người luôn đoàn kết, gắn bó, quân dân một lòng. Ngày nào cũng vậy, chị đều đặn thắp hương trên bàn thờ Bác, khấn niệm về việc "Bác đã hy sinh cả cuộc đời để non sông liền một dải, góp phần cho con cháu có được một vùng biển đảo, thềm lục địa rộng lớn".

Bàn thờ tại Nhà giàn DK1 được trang trí hoa và ảnh Bác Hồ. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Ở xã đảo Sinh Tồn, cứ đến dịp sinh nhật Bác, quân dân lại tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ trong hội trường hoặc dưới gốc cây mù u. Trên hòn đảo này có 2 cây mù u rất lâu đời và được công nhận là cây di sản. Nhìn cây mù u đang trổ hoa, kết trái, những người lính đảo tâm tình, trong đất liền có lũy tre làng, còn ngoài đảo có bóng mù u, mỗi người lính ngày đêm vững vàng tay súng và luôn thầm hứa với Bác luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển, đảo quê hương.
Thiếu tướng Hoàng Kiền - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Công binh và là người có nhiều kiến tạo trong hoạt động xây dựng đảo Trường Sa đi cùng đoàn công tác ra thăm Trường Sa đã kể với tôi nhiều câu chuyện rất thiêng liêng về những người lính gọi Bác Hồ vào thời điểm khó khăn, gian khổ nhất. Người cựu chiến binh này mỗi khi lên thăm các đảo hoặc Nhà giàn DK1 thường đứng lặng người nhìn lên bàn thờ Tổ quốc. Ông chia sẻ hoài niệm việc xây dựng Nhà giàn DK1 trên các bãi ngầm ở thềm lục địa: "Mỗi khi dựng nhà xong thì cán bộ, chiến sĩ nơi đây đều lập bàn thờ Bác Hồ, tất cả anh em lần lượt thắp hương tưởng niệm Bác".
Có những nhà giàn đặt tấm ảnh Bác Hồ từ rất lâu và qua các thế hệ vẫn lưu giữ lại tấm ảnh đó để làm kỷ niệm. Nhà giàn DK 1/11 hiên ngang giữa biển khơi. Từ đây dẫn qua nhà giàn DK 1/14, DK 1/12 và vùng lõi chính giữa là bãi Tư Chính. Từ ngôi nhà DK 1/11 đi qua một cầu thang được bắc và cố định bằng 4 sợi dây cáp dẫn sang ngôi nhà giàn cũ được xây dựng từ năm 1989, trong ngôi nhà này, mùi hương luôn lan tỏa, tấm ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng lên bàn thờ từ năm 1989 đã ngả màu thời gian.

Hàng ngày, các chiến sĩ tại Nhà giàn DK1 đều thắp hương lên bàn thờ Bác. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Ở giữa biển khơi mênh mông, mùi hương thơm ngát và hình ảnh Bác trang nghiêm trên khung ảnh đã để lại cảm giác xúc động cho mỗi người. Những cựu chiến binh có mặt trong đoàn từng tham gia chiến dịch CQ 88 đều đứng lặng nhìn tấm ảnh Bác đã ngả màu theo tháng năm. Trung tá Trần Xuân Tiến, cán bộ Nhà giàn DK 1/11 cho biết, bàn thờ Bác Hồ giữa biển khơi mang lại cảm giác ấm áp từ đất liền, ngày nào anh em cũng thắp hương cho Bác.
Đi qua nhiều hòn đảo, bàn thờ Bác Hồ luôn được đặt trang trọng tại căn phòng trung tâm của ngôi nhà mới và ngôi nhà cũ được xây dựng từ nhiều năm trước. Tại đảo Đá Đông A, cạnh bàn thờ Bác Hồ là dòng chữ "Vì nhân dân quên mình". Thượng úy Đỗ Văn Vũ, quê ở thành phố Hải Phòng chia sẻ, dù biết cuộc sống ở đảo xa thiệt thòi và gian khó, nhưng hình ảnh Bác luôn là động lực lớn lao cho tất cả cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn.
Tại đảo Đá Tây C, Trung sĩ Nguyễn Công Khang đã dẫn đoàn công tác sang ngôi nhà cũ để thắp hương tưởng niệm Bác Hồ. Việc thắp hương cho Bác luôn được thực hiện đầu tiên trước khi tổ chức các chương trình giao lưu, thăm hỏi, tặng quà. Trung sĩ Nguyễn Công Khang tâm tình, đảo Đá Tây C trở thành điểm cập tàu thuận lợi vào mùa nắng, còn mùa mưa thì nơi này luôn bị sóng gió bao vây. Những giờ phút đó, mùi hương thơm lan tỏa từ bàn thờ Bác Hồ làm cho mỗi người lính như thấy lòng mình ấm lại.
Nhớ lần Bác đến thăm quê
Chúng tôi ngồi trong căn nhà ông Dương Khắc Tuấn nằm trên con đường yên tĩnh Đặng Văn Ngữ (thuộc KP11, P.Phú Trinh, TP.Phan Thiết, Bình Thuận). Bên chén trà nóng thơm, ông Tuấn bồi hồi kể lại câu chuyện Bác Hồ về thăm quê hương của ông ở xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông ngày trước (nay thuộc thủ đô Hà Nội).
Ngày ấy, cậu học sinh lanh lợi Dương Khắc Tuấn học Trường phổ thông cấp II xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, rất thân với người chị nuôi là Nguyễn Thị Phin, Phó Bí thư Xã đoàn, một người năng nổ, nhiệt huyết với công tác xã hội. Chị thường kể cho cậu em của mình vài mẩu chuyện thú vị về công tác đoàn địa phương, nhờ vậy Tuấn biết thêm được những chuyện hay về Đoàn, Đội.

Chị Lê Thị Kim Thi trang trí tấm ảnh Bác Hồ khổ lớn trong gia đình tại xã đảo Sinh Tồn. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Vào vụ sản xuất Đông Xuân cuối năm 1963, vùng quê chiêm trũng xã Nghiêm Xuyên cũng như nhiều nơi khác ở huyện Thường Tín và trong tỉnh Hà Đông chịu cảnh hạn hán dài ngày, ruộng đồng khô nứt nẻ; nguy cơ gần 2.000 ha lúa, hoa màu toàn xã mất trắng. Một buổi tối, Tuấn được chị Phin cho hay, ngày mai xã đón đoàn cán bộ Trung ương về phát động phong trào tát nước chống hạn, mong cứu nguy sản xuất. May mắn, Tuấn cũng nằm trong số học sinh của trường được chọn đến đón các bác trung ương về thăm xã.
Buổi sáng ngày cuối cùng năm 1963, hàng ngàn người dân xã Nghiêm Xuyên tập hợp xung quanh bãi đất trống sạch sẽ, rộng rãi ở làng Cống Xuyên ven sông Nhuệ để dự lễ phát động. Đến khi đoàn xe cán bộ Trung ương từ Quốc lộ 73 (cũ) rẽ vào sân bãi, Bác Hồ bất ngờ bước xuống vẫy tay tươi cười chào bà con, lúc này mọi người mới biết Bác đến thăm. Bác thân mật đứng ở giữa nói chuyện, đông đảo người dân ngồi xung quanh lắng nghe lời nói ấm áp của Người. Bác ân cần dặn dò bà con trong xã Nghiêm Xuyên là xã có truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, lại có Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến sản xuất lúa hai vụ đạt năng suất cao của huyện và tỉnh.
Bởi vậy, Trung ương mới chọn xã Nghiêm Xuyên làm điểm ra quân phát động phong trào "chống giặc hạn" trong toàn tỉnh. Bà con ta phải thấy ý nghĩa đó để cùng nhau ra sức tát nước chống hạn, cứu lúa, làm gương điển hình cho toàn tỉnh... Rồi Bác vui vẻ đọc hai câu thơ chống hạn tặng bà con: "Hà Đông anh dũng tuyệt vời/ Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa". Mọi người cùng vỗ tay ủng hộ lời Bác dặn.

Ông Dương Khắc Tuấn bên chậu hoa lan, nhớ lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ
Cuối buổi nói chuyện, Bác bắt nhịp bài ca "Kết đoàn" cho mọi người cùng hát: "Kết đoàn chúng ta là sức mạnh/ Kết đoàn chúng ta là sắt gang...", tiếng hát đông người hùng mạnh, vang xa giữa bầu trời xanh trong, lộng gió bên dòng sông Nhuệ. Chị Phin, đại diện Xã đoàn vinh dự được xếp hàng phía trước, khá gần chỗ Bác Hồ đứng và đoàn khách Trung ương, chị vừa hát vừa ngưỡng mộ nhìn Bác không chớp mắt. Bác còn trồng cây bàng lưu niệm ở khu vực bãi sân. Gần xế trưa, xe chở Bác đã rời xa sân lễ, nhiều người còn đưa tay vẫy chào...
Sau ngày Bác Hồ đến, phong trào chống hạn Nghiêm Xuyên như được truyền thêm sức mạnh. Xã viên hợp tác xã sát cánh đoàn viên thanh niên trên đồng. Trạm bơm sông Nhuệ như hoạt động hết công suất, bơm lượng nước ít ỏi từ ngoài sông lên các tuyến kênh chính; còn đội ngũ đông đảo xã viên hợp tác xã cùng đoàn viên thanh niên do chị Phin dẫn đầu hầu như có mặt 24/24 trên các dòng kênh này, nạo vét khơi kênh, dùng tất cả các dụng cụ tát nước vào đồng. Hơn một tháng trời, mọi người luân phiên nhau "vắt nước" cho lúa Đông. Đêm giao thừa đón năm mới, trời rét lạnh căm căm, không khí tát nước ngoài đồng ruộng vẫn còn sôi nổi... Nhờ thế mà những cánh đồng lúa và hoa màu có dòng nước mát lành nuôi dưỡng, trỗ bông đơm hạt chắc đầy. Thu hoạch vụ Đông Xuân vào đầu năm 1964 lúc bấy giờ, năng suất lúa đạt khá cao (gần 1 tạ/ sào)...
Khu vực làm sân lễ đón Bác về phát động phong trào chống hạn được huyện Thường Tín và tỉnh Hà Đông cũ xây dựng thành Nhà lưu niệm Bác Hồ và tượng Bác vẫy tay chào phía trước. Cây bàng Bác trồng vẫn mọc xanh tốt trước sân, hòa quyện màu xanh cây trái xung quanh khuôn viên. Đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư ký riêng của Bác cũng có dịp về thăm di tích này. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Nghiêm Xuyên được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa, thu hút nhiều đoàn khách Trung ương, địa phương đến viếng thăm, dâng hương Bác vào dịp sinh nhật của Người và lễ lớn đất nước. Cán bộ, nhân dân Nghiêm Xuyên cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Xã Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Bây giờ, ông Tuấn vẫn còn nhớ những vần thơ người làng Nghiêm Xuyên sáng tác ca ngợi Di tích Lịch sử Văn hóa địa phương: "Quê em đồng trũng Nghiêm Xuyên/ Sản xuất tiết kiệm dựng lên cơ đồ/ Quê em có tượng Bác Hồ/ Ai qua cũng ngắm, ai vô cũng chào/ Bác đang huấn thị đồng bào/ Sản xuất tiết kiệm, ai nào chớ quên...".
LÊ VĂN CHƯƠNG - GIA MINH - THÁI KHOA