TRÊN ĐƯỜNG TẦM NÃ:

Bài 1: Tìm người trong ảnh

Thứ Sáu, 29/05/2015 20:30  | Nguyễn Tuấn

|

(CAO) Trong suốt hành trình rong ruổi trốn chạy của kẻ phạm tội, người lính tầm nã bằng mọi cố gắng phải truy bắt bằng được. Một bên ẩn núp trong tối, một bên dò tìm ngoài sáng, hành trình tầm nã quả thực là cuộc đấu trí cam go mà đôi khi người lính phải đổ máu.

“Qúy bà” đẹp đẽ

Cho đến bây giờ, trung úy Đỗ Văn Thiếu vẫn không thể quên hình ảnh một kẻ phạm tội lẩn trốn lệnh truy nã suốt hơn 20 năm lại vô tình đi ngang qua mình. Chỉ đến khi giọng nói xứ Quảng bật lên, anh mới tin nổi là người mà anh vất vả kiếm tìm đang đứng ở trước mặt.

Anh Thiếu (SN 1986, quê huyện Văn Lâm, Hưng Yên) là một trong những trinh sát trẻ tuổi của phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52-Công an TPHCM). Trước đây, anh Thiếu chiến đấu ở Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 (thuộc Bộ công an). 

Kẻ trốn nã khó thoát khỏi lưới pháp luật  (Hình minh họa)

Cách đây 2 năm, lúc anh Thiếu mới bước chân vào nghề tầm nã, mọi khó khăn dồn dập. Anh xin được theo chân các đồng nghiệp lớn tuổi học nghề. 

Với nghề này, càng chịu khó suy nghĩ nhiều thì càng “máu” nghề. Một ngày, đại tá Trần Văn Tém giao cho anh tìm bắt đối tượng Hà Thị Lâu (quê Quảng Nam) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công an đã phát đi lệnh truy nã bà Lâu cách đây hơn 20 năm. Khoảng thời gian khá dài là thử thách không nhỏ cho tân binh.

Điều đáng nói, thông tin từ hồ sơ rất nghèo nàn. Có một tấm hình đen trắng chụp chân dung bà Lâu cùng vài dòng về nhân thân, lai lịch. Cầm bộ hồ sơ đã ố màu thời gian trên tay, anh Thiếu bắt ngay xe đò từ TPHCM về Quảng Nam. Trong suy nghĩ của người lính ấy, bà Lâu dù sống bôn tẩu 20 năm trời nhưng hẳn có một điều mà bà ta không thể dứt bỏ dễ dàng được. Đó là gia đình.

Trong ngôi làng nghèo nằm ven bờ biển, em gái của bà Lâu vẫn sống lam lũ ngày ngày bên ruộng đồng. Người làng cũng bảo rằng, từ khi phạm tội đến giờ, Lâu đi biền biệt phương trời, không biết còn sống hay đã chết. Cũng không thấy bà ta một lần về thăm gia đình. 

Về lại Sài Gòn, anh Thiếu miên man trong dòng suy nghĩ: “Nếu con người ấy không còn sợi dây tình cảm kết nối với gia đình thì dù bà ta trốn thêm 20 năm nữa cũng chưa chắc bắt được”. Nhiều tháng sau đó, chợt chuông điện thoại reo vang, có tin báo về, nhà em gái bà Lâu mới được xây cất đường hoàng. Anh bắt đầu phân tích: “Người gửi tiền về phải là người thân trong gia đình, nhà chỉ được hai chị em gái. Nếu may mắn thì người gửi chính là bà Lâu”.

Hỏi qua bưu điện, anh Thiếu thoáng chút thất vọng vì người gửi có cái tên khác, ghi địa chỉ ở huyện Hóc Môn (TPHCM). Nhưng linh tính vẫn mách bảo anh cần phải tìm tới người này. Đó là một căn nhà nằm nép mình cuối con hẻm nhỏ. Khi anh Thiếu tìm tới thì cũng là lúc người đàn bà đi xe tay ga đắt tiền phóng qua mình.

20 năm, tấm hình chân dung anh có trong tay không thể nào giúp anh nhận ra được bà Lâu. Công an xã bảo, người ở căn nhà này quê quán ở huyện Củ Chi, cuộc sống rất thành đạt. Bà là chủ một công xưởng có trên 20 công nhân, chuyên làm nghề đính hạt cườm cho áo cưới.

Nhìn kỹ người đàn bà đã ngoài 50 tuổi, dáng điệu quý phái, giàu có thật khác xa với người có mái tốc rối bù và hàm răng xấu chụp trong ảnh. Nhưng có một điều thật khả nghi, là giữa âm thanh tiếng Sài Gòn lưu loát nhưng thỉnh thoảng bà ta chen vào vài câu đặc sệt tiếng Quảng.

Tại trụ sở công an, người đàn ấy vẫn một mực khẳng định mình không phải Hà Thị Lâu. Anh Thiếu mới tung bộ hồ sơ ra trên bàn, nói: “Đây có phải là chứng minh nhân dân và hình của cô không?”. Đối chiếu với đặc điểm nhận dạng, bà Lâu mới cúi đầu nhận tội.

Quán bún Châu Đốc đặc biệt

Biết mình mang tội nên các đối tượng trốn nã luôn tìm cách chặt đứt thông tin. Tuy nhiên, có những vụ người lính tầm nã bắt được đối tượng lại nhờ vào sự may mắn hiếm có.

Tháng 2 năm 2014, Công an tỉnh An Giang phát lệnh truy nã đối tượng Nguyễn Văn Tuấn về tội “Trộm cắp tài sản”. Tuấn là kẻ cầm đầu đường dây trộm chó liên tỉnh, tung hoành khắp các tỉnh miền Tây. Sau khi gây án, Tuấn trốn lên Sài Gòn sinh sống, chuyển sang nghề bán bún ở chợ đầu mối với một bà vợ hờ.

Suốt từ tháng 2 đến tháng 7, anh Thiếu được lệnh đi tìm kiếm đối tượng. Nhưng ở chợ đầu mối Bình Điền, có hàng trăm quán bán bún Châu Đốc giống nhau. Việc tìm ra Tuấn chẳng khác gì “mò kim đáy biển”. Thiếu tự dặn lòng mình, phải kiên trì đeo bám. Cứ tầm 5h sáng, anh lại chạy xe máy ra chợ Bình Điền ăn bún, lê la nói chuyện hết quán này đến quán khác. Một tuần, hai tuần rồi ba tuần, đã ăn gần hết hàng bún Châu Đốc mà hình dáng Tuấn vẫn như “bóng chim tăm cá”.

Đêm khuya, anh vào các con hẻm có người An Giang sinh sống nhiều để tìm Tuấn. Nhưng cũng chẳng có ai hay biết người này và cũng không có ai có gương mặt giống Tuấn. Cách chợ Bình Điền tầm 4 cây số, lại có một dãy hàng quán bán bún của người Châu Đốc. Đúng 5 giờ sáng, anh Thiếu cùng chiếc xe máy cũ nát lượn lờ bên đường. Chưa quán nào mở hàng, mọi người còn chìm trong giấc ngủ say, duy nhất chỉ có một quán vừa mới dọn đồ ra.

Anh Thiếu bước vào ăn sáng, phục vụ là một người đàn ông có gương mặt buồn bã. Nghĩ chặng đường kiếm tìm còn dài nên Thiếu gọi thêm ly cà phê và bàn chuyện bóng đá với người đàn ông đó. Hai người nói chuyện với nhau hơn 2 tiếng đồng hồ.

Anh chỉ mong cho thời gian trôi qua nhanh để công an An Giang gửi qua mail tấm hình mới nhất của Tuấn. Bức hình trong hồ sơ quá khác, không thể nhận dạng Tuấn được. 7h30, tiếng chuông nhắn điện thoại vang lên, có email tới. Thật bất ngờ, khi tấm hình đúng khớp với hình dáng người đàn ông đang nói chuyện với anh.

Lấy lại điềm tĩnh, anh Thiếu ra ngoài gọi điện cho đồng đội tới trợ giúp. Khi Tuấn nhận tiền tô bún thì cũng là lúc anh đưa tay quàng cổ, nói: “Tuấn à, anh vẫn khỏe chứ, theo chúng tôi về công an phường làm việc được không?”. “Các anh bắt lầm người rồi, không phải tôi” Tuấn hốt hoảng.

Tuy nhiên, trước sự cứng rắn của người lính tầm nã, hắn ta cũng khai nhận sự thật và mong sự khoan hồng của pháp luật.

 

Bình luận (1)

Bài hay

Anh Ba - Chủ Nhật, 31/05/2015, 14:10 Trả lời | Thích
Lên đầu trang