Tuổi thơ của một thiên tài!
Khi cậu bé lên 10 Nguyễn Sinh Cung đang sống ở Huế cùng mẹ và em trai là Nguyễn Sinh Xin (cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc được triều đình cử đi Thanh Hóa cùng quan Bộ Học để tổ chức kỳ thi Hương) thì mẹ (là cụ Hoàng Thị Loan) mất vào ngày 22 tháng 12 năm Canh Tý (1901). Hàng ngày Cung phải đi xin sữa, cháo về nuôi đứa em mới sinh và xin cơm cho chính mình trong suốt một tháng chờ cha về... Ở tuổi 20, chàng trai Nguyễn Tất Thành với bí danh là "Anh Ba" đã bôn ba gian khổ qua nhiều nước, nhiều châu lục với nghề phụ bếp trên tàu, thợ làm bánh, cào tuyết, đốt lò, thợ ảnh, làm báo, vẽ truyền thần... Không ai ngờ rằng đứa trẻ mồ côi mẹ, xin ăn ở Huế năm 1901 và chàng trai, người đàn ông nghèo khổ, gầy gò lăn lộn kiếm sống trên hàng chục quốc gia với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, sau này sẽ là lãnh tụ thiên tài của một dân tộc! Chính con người cần cù, khiêm tốn đó, đã thành lập một Nhà nước, một Quân đội nhân dân anh hùng đánh thắng tất cả lực lượng xâm lược hùng mạnh, hung ác nhất thế kỷ 20.
Đến khi đã là một vị Chủ tịch nước, một Anh hùng giải phóng dân tộc, một chính khách nổi tiếng khắp thế giới, kẻ thù phải khiếp sợ, nhưng Cụ Hồ vẫn giữ cốt cách giản dị, yêu thương, phúc hậu... Những câu nói của Bác không chỉ lay động trái tim hàng chục triệu người, mà còn là lý tưởng để nhiều thế hệ người Việt cố gắng thực hiện: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; "Miền Nam trong trái tim tôi"; "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước"; "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi đã làm gì cho nước nhà”; "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi"; "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên"... Trong cuốn sách "Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng" của tác giả Trình Quang Phú, cốt cách thanh cao của Cụ Hồ được ghi lại qua lời kể chân thực của nhiều người.
Bác Hồ luôn yêu thương, quan tâm chăm lo cho thế hệ trẻ (ảnh sưu tầm)
Người ông, người cha kính yêu!
Anh hùng đầu tiên của Quân giải phóng Miền Nam Tạ Thị Kiều (quê Bến Tre), năm 1968 được gặp Bác Hồ mà như gặp người ông thân thương, gần gủi. Chị ngồi bệt xuống sàn gỗ nói chuyện với Bác rất thoải mái.
Chị Ngô Thị Tuyết, một dũng sĩ đánh giặc giỏi, quê ở Quảng Ngãi, bị địch bắt tra tấn dã man. Năm 1967, mới 17 tuổi chị đã được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất. Năm 1968 chị được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Chị kể lại: "Khi Bác nghỉ trưa, tôi vẫn ngồi ở mép cuối giường đọc sách... Thấy Bác ngủ ngon, tôi liền lấy chiếc quạt nan của Bác rơi cạnh đó nhẹ nhàng quạt để Bác ngủ như những đứa trẻ quê tôi vẫn ngồi quạt cho ông mình trong những trưa hè đứng gió...".
Chị Huỳnh Thị Kiểng - nữ du kích Quảng Nam bị địch bắt tra tấn dã man, chặt bớt một chân để... "khỏi theo Việt cộng". Được ra Hà Nội gặp Bác Hồ, chị kể: Bác hỏi tôi chân còn nhức không, đêm ngủ được không?... như một người ông hỏi cháu đi xa mới về. Thấy tôi nhìn xuống cái chân giả, Bác hỏi: "Cháu có buồn không?". Chị trả lời: "Thưa Bác, cháu cũng như nhiều bạn cháu ở Miền Nam, cứ nghĩ rằng: Trong chiến đấu dù cụt hết tay, chân mà còn đôi mắt sáng để đến ngày chiến thắng được nhìn thấy Bác Hồ thì không bao giờ buồn"... Bác Hồ đã khóc khi nghe tôi nói câu đó!
Bác Hồ luôn dành những tình cảm yêu thương nhất cho các cháu thiếu nhi (Việt Bắc, năm 1950)
Không chỉ những anh hùng, dũng sĩ ở tuổi thanh, thiếu niên (có người chưa biết chữ) đánh giặc giỏi, được gặp và thể hiện tình cảm kính yêu với Bác Hồ, mà những trí thức lỗi lạc, những tướng lĩnh tài ba, những nhà lãnh đạo kiệt xuất đều ước mơ được gặp Bác Hồ và tự hào khi được Bác chỉ dạy, trao trọng trách. Như luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Quốc hội Việt Nam 1981 - 1987; quyền Chủ tịch nước Việt Nam từ 30/3/1980 đến ngày 04/7/1981) từng nói: "Chưa được gặp Người (Bác Hồ) là điều không may lớn nhất trong đời, nhưng Người vẫn trong tôi, Người đã ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời tôi..." (sách đã dẫn - SĐD trang 210). Luật sư Trịnh Đình Thảo (từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của chính phủ Trần Trọng Kim 1945; Phó chủ tịch hội đồng cố vấn chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam từ 1969 - 1976, đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam 1976 - 1981) viết về Bác Hồ: "Sau lễ tang Bác ít lâu, tôi có dịp đến thăm chỗ ở và nơi làm việc cuối cùng của Người. Tôi đã đứng lặng đi, những đợt sóng xúc động đang dồn dập trào dâng trong con tim, khối óc của tôi... Những tình cảm to lớn Bác đã dành cho Miền Nam và cho chúng tôi sẽ mãi mãi... nhắc nhở chúng tôi luôn đi tới làm tròn lời dạy bảo và di huấn của Người" (SĐD trang 228).
Nhà lãnh đạo thiên tài
Thượng tướng Trần Văn Trà (nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) được gặp Bác Hồ lần đầu vào năm 1948, khi ông dẫn đầu đoàn đại biểu quân dân Nam Bộ vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy, đi bộ ròng rả 6 tháng từ Đồng Tháp Mười ra thăm Bác và Trung ương Đảng ở Chiến khu Việt Bắc. Ngày ông trở vào Nam, vinh dự được Bác trao thanh gươm có vỏ bọc rất đẹp và dặn: "Bác trao cho chú thanh gươm quý này, đưa về Nam Bộ diệt thù. Chú báo cáo với đồng bào rằng lòng Bác, lòng Đảng lúc nào cũng bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, nhất định chúng ta thắng"... Tướng Trần Văn Trà nhận thanh gươm từ tay Bác mà lòng tràn ngập xúc động, như có luồng điện chạy rần rần từ đầu đến chân... Ông nghẹn ngào thưa: "Thưa Bác, chúng con nhất định sẽ thắng!".. Thanh bảo kiếm theo tướng Trần Văn Trà suốt cuộc đời binh nghiệp từ chống thực dân Pháp đến chống đế quốc Mỹ (SĐD trang 231 - 232).
Bìa tác phẩm "Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng"
Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam 1968 - 1973; nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam 1992 - 2002) là nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới, bà đã viết: "Hầu như mọi bước đi, mọi thành công trong công tác ngoại giao của tôi đều có sự dõi theo, dìu dắt của Bác Hồ. Tôi nhớ lời trăn trối đầy tình cảm và tin cậy của ông ngoại tôi - cụ Phan Chu Trinh, đối với Bác. Vào ngày 24/3/1926, khi sắp từ giã cõi đời, cụ Phan đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng: "Độc lập dân tộc sở cậy vào Nguyễn Ái Quốc".
Lời tiên tri đó đã thành sự thật. Bác đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác đã lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập cho đất nước"... (SĐD trang 209). Điều đó cho thấy các vị tiền bối cách mạng đã nhận ra tố chất đặc biệt của chàng trai yêu nước Nguyễn Ái Quốc và kỳ vọng "đại nghiệp" ở con người có đôi mắt sáng này. Lịch sử còn cho thấy sau này, Bác Hồ có những tiên tri rất chính xác như: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội" (năm 1967 Bác nói với đồng chí Phùng Thế Tài - Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách phòng không - không quân). Và 5 năm sau, vào ngày 16/4/1972, không quân Mỹ mở chiến dịch Liner backer ném bom Miền Bắc trước khi ký hiệp định Paris rút hết quân Mỹ về nước.
Thượng tướng Trần Văn Trà kể: "Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III - 1960, thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trao đổi riêng với tôi về tình hình phong trào Đồng Khởi ở Miền Nam, Bác đưa cả bàn tay về phía trước và nói: Gì thì gì cũng phải đánh thằng giặc này 15 năm nữa. Và tại lễ kỷ niệm Quốc khánh (02/9/1960), trong lời phát biểu của Bác có câu: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí bền bỉ đấu tranh chậm lắm là 15 năm nữa... Trong vòng 15 năm nữa thì Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”... (SĐD trang 234).
Ngày 19/5/1959, Bác chỉ đạo thành lập tuyến vận tải chiến lược dọc dãy núi Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh - con đường giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước... Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kể: "... Ngày 02/9/1969... Bác yêu cầu được uống một ngụm nước dừa hái từ hai cây dừa Miền Nam gửi tặng Bác, trồng trước nhà. Đó là ngụm nước cuối cùng Bác uống trước lúc đi xa... Bác nằm thở yếu, hai mắt nhắm nghiền như đang trong cơn mê. Bỗng Bác mở mắt nhìn mọi người, thấy tôi có mặt phía sau (lúc này tôi là Bí thư Trung ương Cục, nhưng chưa tham gia Bộ Chính trị) Bác ra hiệu tôi tiến đến gần rồi đưa tay nắm chặt tay tôi. Mọi người đều xúc động trào nước mắt. Tôi hiểu rằng Bác muốn nắm chặt tay của đồng bào, cán bộ chiến sĩ Miền Nam... mấy phút sau, Bác vĩnh biệt cõi trần"... (SĐD trang 199).
Và người Bác nắm chặt tay lúc lâm chung đó, sau này là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, giúp đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, phát triển kinh tế, đối ngoại, hợp tác để đất nước ta hôm nay có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín quốc tế mà 40 năm trước dù có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến!
(CATP) Tháng 5, dịp kỷ niệm
Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người dân Việt Nam lại đong đầy cảm xúc, bè bạn khắp năm châu lại nhắc nhớ đến Người. Đó là bởi "Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta non sông đất nước ta". Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người là hội tụ, kết tinh trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống của con người, dân tộc Việt Nam, là tiêu biểu cho cốt cách, bản lĩnh, lương tâm và khí phách của thời đại.