Do sự truyền tụng trong nhân dân, chúng ta còn được biết thêm ở những nơi nghĩa quân Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều đóng quân đồn trú và xây dựng nhà trạm xung quanh vùng đất kinh 3 - Gò Tháp (ngày nay tọa lạc trên vùng đất thuộc xã Tấn Kiều, huyện Tháp Mười) có những "hang rắn" và "động rắn" thật lạ lùng, đặc biệt là tại Giồng Cát (còn được gọi là Động Cát). Đây là dinh lũy của những chiến binh mãng xà đã có công trận mạc, cùng với nghĩa quân tiêu diệt được nhiều sinh lực địch trong các cuộc hành quân càn quét vào căn cứ địa kháng chiến Đồng Tháp Mười.
Theo lời đồn đại của quần chúng cũng như sự cung cấp tư liệu trong sử sách, chúng ta hiểu rằng Động Cát là nơi nghĩa quân xây dựng nhà trạm để canh gác và làm chỗ nghỉ chân cho các đoàn tiếp vận chuyên chở vũ khí, quân lương vào căn cứ. Đây là nơi những người trong nhà trạm và một số hộ dân thuộc diện gia đình của nghĩa quân vào đây cất nhà để ở, trong đó có hai gia đình khá giả.
Bỗng một đêm, hai gia đình này cùng với số người trong đoàn tiếp vận sau bữa cơm chiều, ngủ qua đêm, đến sáng hôm sau đều chết cả. Thiên hộ Dương được báo cáo rằng họ là những người phản bội, đã làm chỉ điểm cho giặc. Ông đã đích thân đến tận nơi để khảo sát hiện trường và phát hiện ra một hang rắn rất to.
Anh hùng dân tộc Võ Duy Dương - người chủ trương vận dụng phương thức đánh giặc bằng trâu, bằng rắn và bằng ong vò vẽ trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất tại chiến khu Đồng Tháp Mười Khu di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến ngày nay
Sau khi xem xét, chiến sĩ cận vệ của Thiên hộ Dương là hộ vệ Tân - một người có biệt tài bắt rắn, trình với ông rằng: Trong hang có một con rắn chúa 6 khoang, trước kia là loại rắn khổng lồ, nay chỉ teo lại còn bằng cái đầu đũa, dài trên một thước tây, ban đêm chỉ ló ra ngoài để hứng sương. Rắn này đã tu, không cắn ai, nhưng ai chạm phải thì nó cắn và không có thuốc gì cứu chữa. Nghe hộ vệ Tân báo cáo, Thiên hộ Dương nảy ra diệu kế tìm cách nhử giặc vào đây cho rắn tiêu diệt. Ông cho nghĩa quân đào rất nhiều hang rắn ở Động Cát, đồng thời bắt rắn độc về nuôi để thả vào hang.
Ý tưởng này đã được nghĩa quân tổ chức thực hiện thành công trong hai trận đánh được sử dụng cùng một phương án tác chiến. Đó là hai trận đánh công đồn của giặc Pháp vào đại đồn Doi Me của quân ta. Sau khi giặc tiến đánh, nghĩa quân thực hiện kế lui binh để nhử quân địch truy kích theo đến tận vùng rốn Đồng Tháp Mười. Vì phải đi đường xa để hành quân tác chiến, nên khi tới đây buộc quân Pháp phải nghỉ qua đêm tại Động Cát và sẽ làm mồi cho các chiến binh rắn. Theo sự lưu truyền trong dân gian, trong trận đánh thứ nhất, đã có "hơn chục tên giặc" bị rắn cắn chết. Trong trận đánh thứ hai, kết hợp với đoàn binh rắn, lực lượng nghĩa quân đã "giết và bắt gần hết" quân địch.
Việc hai lãnh tụ nghĩa quân Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều chủ trương sử dụng phương thức đánh giặc bằng trâu, bằng ong vò vẽ, cũng như việc cho bắt rắn, nuôi rắn và đào hang để thả rắn tại căn cứ địa kháng chiến ở Đồng Tháp Mười nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến, là điều có thật. Đương nhiên, để làm gia tăng uy lực của nghĩa quân và nhằm gieo rắc sự sợ hãi đối với kẻ thù, nên trong nội dung của các cốt truyện chính, đã được đồng bào ta pha thêm yếu tố hư cấu theo kiểu "vẽ rắn thêm chân".
80 năm sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất trên chiến trường Đồng Tháp Mười kết thúc, trong thời gian đầu kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (1947 - 1950), tôi công tác tại Ban Quân báo Khu 8, từng đóng cơ quan ở xã Đốc Binh Kiều - nơi hai vị anh hùng dân tộc Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều đã ở đây để điều binh khiển tướng. Bạn tôi, anh Hồ Vĩnh Thuận, làm việc tại Ban Địch vận Khu 8 đóng quân ngay trên mảnh đất Gò Tháp - nơi thiết lập đại bản doanh của nghĩa quân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất. Anh Hồ Vĩnh Thuận cho chúng tôi biết, anh vẫn còn trông thấy nhiều hang rắn trên đất Gò Tháp, dưới chân của một cây trôm cổ thụ rất lâu đời, bên cạnh phế tích điêu tàn của các ngôi đền bằng đá của vương quốc cổ Phù Nam một thời vang bóng.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (1945 - 1954), kể cả trên chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ, không thấy có sách báo và nguồn tin của cơ quan thông tấn thông tin về việc quân dân ta sử dụng phương thức đánh giặc bằng rắn.
Viết về rắn trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta không thể không nói đến lợi ích của chúng trong việc góp phần làm gia tăng thêm nguồn tài chính kháng chiến và cung cấp một lượng thực phẩm không nhỏ trong những năm kháng chiến trường kỳ gian khổ - đặc biệt là ở vùng Đồng Tháp Mười, khu vực bán đảo Cà Mau và vùng Tây Sông Hậu. Cùng với con cá đồng, con chuột, con rắn và những loài rau thiên nhiên hoang dại mọc trên đồng, dưới đìa bàu và trên bưng là nguồn thức ăn chủ yếu của cán bộ và chiến sĩ ta thuở ấy.
Rắn còn được làm thuốc phục vụ cho việc chữa bệnh của ngành quân và dân y. Đặc biệt là da rắn đã đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo ra nguồn tài chính kháng chiến giữa bưng biền. Trong 9 năm chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, Sở Giao thông liên lạc Nam Bộ đã tiến hành thành công nhất việc thu mua da rắn trong vùng giải phóng để giao lưu kinh tế với thành phố Sài Gòn bằng cách đem bán da rắn để mua những thứ nhu yếu phẩm phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của các cơ quan kháng chiến.
Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Đông Thức - nguyên Giám đốc Sở Thông tin liên lạc Nam Bộ, chúng ta được biết ngay trong chuyến bán da rắn đầu tiên tại đường Catinat, thành phố Sài Gòn, chúng ta đã mua được 200 mét vải ú đen, 200 cái khăn rằn, các loại thuốc Tây thông thường trị cảm sốt, nhức đầu, đau bụng... và một ít thuốc lá, đường, cà phê, bánh kẹo, sữa, giấy viết, văn phòng phẩm, kim may, chỉ đen... Nhờ vậy mà đời sống của chiến sĩ giao liên được cải thiện rõ rệt: ăn uống no đủ hơn, mặc bền đẹp hơn; lại còn mua được radio để nghe tin tức và cải lương của Đài Tiếng nói Nam Bộ.
Nhân dân Nam Bộ đã sử dụng cách đánh giặc bằng rắn trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Tây, cả trong lĩnh vực đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Theo sử liệu của tỉnh Trà Vinh, từ giữa năm 1955 đến đầu năm 1956, phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh ngày một dâng cao. Tháng 3/1956 Mỹ - Diệm bày trò dân chủ giả hiệu, tổ chức bầu cử tổng thống, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đấu tranh chống lại bằng nhiều hình thức, như tìm lý do không đi bỏ phiếu, hoặc bị cưỡng bức đi bỏ phiếu thì gạch tên Ngô Đình Diệm hoặc nhét khẩu hiệu "đả đảo Ngô Đình Diệm" vào thùng phiếu. Đồng bào Khmer - Kinh ở Trà Cú còn mang rắn thả vào đám đông làm náo loạn nơi bỏ phiếu.
Theo sử liệu của tỉnh Bến Tre, để đảm bảo sự an toàn cho một cuộc họp rất quan trọng nhằm phổ biến kế hoạch phát động phong trào Đồng Khởi do đồng chí Nguyễn Thị Định - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, tại đình rắn thuộc ấp Định Nhơn, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày; ngày 14/01/1961, đồng chí Lê Minh Đào phụ trách vấn đề quân sự, đã chỉ đạo anh em du kích bắt nhiều rắn độc gài trong những cái bẫy đặt hai bên lối đi dẫn vào đình để đối phó với giặc khi có biến.
Sau khi nhận được tin mật báo có cuộc họp trong đình rắn, một toán lính ngụy trong đồn Định Thủy kéo ngay vào đình. Khi gần đến nơi gặp nhiều rắn độc đang nằm chặn lối, quân ngụy hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Tên trung úy chỉ huy luýnh quýnh giẫm lên bẫy, đã bị rắn cắn chết ngay tại chỗ.
Việc bắt rắn, nuôi rắn và thuần dưỡng rắn thành một loại "chiến binh động vật" để đánh giặc đã được tổ chức thực hiện thành chủ trương trên chiến trường tỉnh Long An và trên chiến trường huyện Củ Chi của Khu Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt là trong 2 mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, sau khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam.
Trong quyển "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An" (1930 - 2000) đã viết rõ: "Khi quân Mỹ đóng ở căn cứ Rạch Kiến, Tỉnh ủy đã vận dụng kinh nghiệm ở nhiều nơi để hình thành "vành đai diệt Mỹ”. Do có mục đích rõ ràng và cách đánh giặc phù hợp với thế hợp pháp của nhân dân nên đã thu hút được sự tham gia rất đông đảo của mọi tầng lớp. Từ người già, phụ nữ, thiếu nhi đều có thể đánh giặc với những cách đánh rất phong phú như bắn tỉa, cắm chông, gài mìn, nuôi rắn độc, luyện ong vò vẽ đánh giặc... Vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến đã trở thành biểu tượng của phong trào toàn dân đánh giặc ở Long An". Nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến, cuốn "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An" còn giải thích thêm rằng: "Thắng lợi của vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến không chỉ tính bằng số thương vong của địch mà là đã thực sự tạo ra được một phong trào thu hút rất nhiều người dân tham gia đánh giặc với nhiều hình thức phong phú và hết sức sôi nổi: đánh giặc bằng hầm chông, lựu đạn, bằng ong vò vẽ và rắn độc".
Trong bài viết "Một số đặc điểm của vành đai diệt Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ”, đồng chí Nguyễn Thới Bưng - Trung tướng, Tiến sĩ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã viết như sau: "Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân ta trên các vành đai diệt Mỹ đã biết dựa vào lợi thế sẵn có của mình, vận dụng nhiều cách đánh mưu trí, linh hoạt để tiến công địch như: đánh kiểu chim sẻ, đánh kiểu liên hoàn, đánh phục kích; khi tập kích đánh phủ đầu, khi dùng lựu đạn, súng cối tiêu diệt Mỹ co cụm, khi dùng súng trường bắn tỉa xuyên táo, khi sử dụng cả "vũ khí sinh học" cùng ong, cùng rắn đánh giặc như quân dân xã Long Sơn (của vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến)...
(CATP) Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ đã xuất hiện một loại hình binh chủng đặc biệt cả nước ta không nơi nào có - đó là những đàn chim bồ câu đưa thư của ngành quân báo (thuở ấy được gọi là: tình báo, mật vụ, đặc vụ, quân báo). Các đàn chim trận này do Ban Quân báo trực thuộc Bộ Tư lệnh Khu 8 thành lập vào mùa hè năm 1947 tại vùng Cao Lãnh ở chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười.
TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên Thư ký đồng chí Lê Đức Thọ - Bí thư Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp)