Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; đến năm 2030, GDP đạt khoảng 7.500 USD. Quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc... Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27 - 32 nghìn USD. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70 - 75%. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh.
Một trong những yếu tố thúc đẩy nền kinh tế hướng đến năm 2050 đó là theo xu hướng sản xuất xanh, tuần hoàn và công nghệ cao. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được thể hiện rõ nét trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường", "xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn".
"Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" vừa được Chính phủ phê duyệt, khẳng định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan NIC sáng 28/10/2023
Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đầu tháng 12/2023, dư luận quốc tế đánh giá rất cao các cam kết của Việt Nam, nhất là việc Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đang phát triển mạnh dạn tuyên bố nỗ lực để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (Netzero) vào năm 2050. Dư luận cũng ghi nhận những hoạt động thực tế về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam thời gian qua như thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050...
Sản xuất xanh và tuần hoàn quyết định mục tiêu của nền kinh tế nước ta đến năm 2050. Quy hoach Điện VIII đã xác định phát triển điện tái tạo, trở thành nguồn năng lượng sạch được ưu tiên. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới, với tổng vốn đạt 7,4 tỷ USD. Nhiều nhà máy đã hướng đến sản xuất xanh, như nhà máy của Lego ở Bình Dương, là một điển hình. Các ngành công nghiệp tốn nhiều năng lượng như sắt thép, xi măng, hóa chất... đang dần chuyển sản xuất xanh phù hợp với những cơ chế nhập khẩu sản phẩm của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, EU... Nông nghiệp cũng chuyển đổi xanh khi Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng và phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Tập trung hướng đến công nghệ tiên tiến
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, giúp Việt Nam tiếp cận hợp tác phát triển chíp bán dẫn giữa hai nước. Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm này.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến chíp bán dẫn. Bên cạnh đó, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) lớn trong nước tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chíp bán dẫn, tạo ra hệ sinh thái phát triển chíp bán dẫn.
Tại cuộc gặp cộng đồng DN Mỹ ở TPHCM ngày 24/01/2024, ông Jose W.Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường, khẳng định hai nước đang xây dựng kiến trúc thương mại then chốt đối với an ninh và kinh tế của khu vực. Thứ trưởng Jose W.Fernandez nhấn mạnh tầm quan trọng của các biên bản ghi nhớ được Việt Nam - Mỹ ký kết gần đây trong lĩnh vực chất bán dẫn và gầy dựng đội ngũ nhân lực cho ngành công nghiệp này ở Việt Nam. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Chất bán dẫn là lý do chính để tôi đến Việt Nam, đặc biệt liên quan đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Chúng tôi tự hào được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn vốn đóng vai trò then chốt hiện nay", Thứ trưởng Jose W.Fernandez phát biểu.
Thứ trưởng Jose W.Fernandez cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua Đạo luật chíp và khoa học (CHIPS Act), trong đó sẽ đầu tư hơn 50 tỷ USD hỗ trợ đưa các nhà máy sản xuất chíp vào thị trường này. Để hiện thực hóa cam kết, chính quyền Washington thành lập Quỹ An ninh công nghệ quốc tế và đổi mới (ITSI), Bộ Ngoại giao Mỹ nhận được 500 triệu USD để xây dựng mạng lưới đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực chất bán dẫn. Một phần nguồn tài trợ ITSI đang đến Việt Nam.
Bên cạnh chất bán dẫn, chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ còn tập trung xây dựng nỗ lực hợp tác đầy tiềm năng trong lĩnh vực đất hiếm. Thứ trưởng Jose W.Fernandez cho biết, để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thế giới cần nguồn cung đất hiếm ổn định. Mỹ đang hướng tới hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, theo hướng khai thác an toàn cho môi trường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm.
Mặt khác, Việt Nam đang cần những trung tâm đổi mới sáng tạo. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) có trụ sở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa được khánh thành cuối tháng 10/2023 là một dấu ấn quan trọng. Trung tâm đưa vào vận hành và tổ chức các hoạt động với mong muốn góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do Nhà nước làm chủ phục vụ mục tiêu chung của quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc hình thành và xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, qua đó cho thấy tiềm năng lợi thế phát triển và khả năng tiếp cận, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong khi đó nhiều địa phương đang thu hút đầu tư công nghệ cao. Hải Phòng vừa đón nhận 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, thiết bị quang học và linh kiện ôtô. Hana Micron, nhà sản xuất chíp hàng đầu của Hàn Quốc khẳng định sẽ đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất chíp tại Việt Nam. Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd của Đài Loan sẽ đầu tư dự án trị giá 135 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, gồm chế tạo bút cảm ứng, tai nghe không dây, bộ pin, trạm sạc và mạch in điện tử...
Đặc biệt trong chuyến công tác dự Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoạt động song phương tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc trao đổi với một số DN hàng đầu của Mỹ và thế giới trong các lĩnh vực công nghệ, hàng không gồm Apple, Boeing, Google và Siemens Healthineers... Các "ông lớn" công nghệ bày tỏ sự quan tâm về địa bàn sản xuất quan trọng và còn nhiều tiềm năng để hợp tác. Siemens Healthineers mong mở rộng hoạt động, Google đề xuất hợp tác, đầu tư liên quan tới lĩnh vực điện toán đám mây, Apple muốn tham gia phát triển, đào tạo nguồn nhân lực...
Tháng 8/2019, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư vốn FDI. Trong đó nêu quan điểm chỉ đạo đối với dòng vốn FDI, nhấn mạnh về môi trường, chuyển giao công nghệ cao và liên kết với khu vực trong nước. Đây là sự lãnh đạo đúng tầm về đầu tư công nghệ cao, hướng tới một nền kinh tế tri thức và công nghệ tiên tiến.
Chiến lược phát triển xanh và đầu tư công nghệ cao là bước đi hợp với xu thế thời đại, hiệu quả rất cao về kinh tế, cũng là chiến lược trụ cột để Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2050 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Danh mục 37 công nghệ cao được ưu tiên
Danh mục này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia vào cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trong đó, lĩnh vực đầu tiên là công nghệ số (Digital technologies), tập trung hầu hết các công nghệ mới nhất, đang được đề cao và ứng dụng ngày càng rộng rãi, đặc biệt là đã và đang trở thành mũi nhọn nghiên cứu triển khai ở nhiều nước lớn và các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Lĩnh vực này gồm 12 công nghệ được ưu tiên như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, điện toán lượng tử, công nghệ mạng thế hệ sau, thực tế ảo, an ninh mạng thông minh, mô phỏng nhà máy sản xuất...
Lĩnh vực ưu tiên thứ hai là vật lý (Physics). Trong đó, các công nghệ tiêu biểu được xem là nền tảng và mũi nhọn tiến vào cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là công nghệ robot, phương tiện bay không người lái, in 3D, chế tạo vật liệu nano, chế tạo vật liệu chức năng, thiết kế và chế tạo vệ tinh siêu nhỏ...
Công nghệ sinh học (Biotechnologies) là lĩnh vực được ưu tiên tiếp theo với công nghệ như sinh học tổng hợp, công nghệ thần kinh, tế bào gốc, chíp sinh học, y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới.
Lĩnh vực công nghệ ưu tiên thứ tư là năng lượng và môi trường (Energy and Environment).
(CATP) Thành quả nổi bật của công tác đối ngoại là đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo nên một nền kinh tế 430 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023. Vị trí này có thể tăng nhanh, đạt thứ 24 vào năm 2033 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038 với quy mô GDP lên đến 1.559 tỷ USD.