Chiều nay, (11/11), tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại, các loại thực phẩm chức năng vẫn tràn lan trên thị trường với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí có chứa chất cấm khiến cử tri vô cùng lo lắng, bức xúc.
Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phản ánh, hiện nay vấn đề quản lý thực phẩm chức năng (TPCN) và dược, mỹ phẩm đang nhận được sự quan tâm của dư luận trong một thời gian dài với những tồn tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: Trên thị trường tràn lan các sản phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không có giấy phép nhưng được thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật dẫn đến rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)
Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các nguyên nhân chủ quan của tình trạng trên là gì? Đồng thời làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế đối với các tồn tại, hạn chế trong quản lý các mặt hàng này và giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cũng thông tin, với tâm lý TPCN bổ dưỡng, không có tác dụng phụ, được giới thiệu là hàng xách tay, người tiêu dùng không tiếc tiền chi cho các sản phẩm ấy. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và giải pháp trong thời gian tới để kiểm soát việc mua bán các sản phẩm này.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng lo ngại, thực trạng về TPCN vẫn tràn lan trên thị trường với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí có chứa chất cấm khiến cử tri vô cùng lo lắng, bức xúc. Với thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ lỗ hổng và có các giải pháp căn cơ như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk)
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, TPCN xách tay là từ được sử dụng bởi người tiêu dùng, chỉ các sản phẩm nhập khẩu do người đi nước ngoài mang về. Trong các văn bản pháp quy hiện không có khái niệm này. Khi các TPCN mang từ nước ngoài về, sử dụng cho cá nhân thì không trong diện quản lý. Nhưng nếu các thực phẩm đó được mang ra buôn bán, thì điều kiện để kinh doanh TPCN phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm, sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các TPCN, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại các cửa hàng, hoặc bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Bộ trưởng khẳng định, nếu đã bán hàng thì phải đáp ứng được đầy đủ các quy định liên quan tới đăng ký, công bố sản phẩm. Bán hàng với các sản phẩm không có công bố này là vi phạm pháp luật. Đối với các sản phẩm quảng cáo, theo quy định của pháp luật về quảng cáo, sản phẩm quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Việc bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng đầy đủ các quy định thì đều là vi phạm.
Phân tích nguyên nhân của hiện trạng này, Bộ trưởng cho rằng do mức lợi nhuận khiến một số người bất chấp các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có nhu cầu dùng hàng xách tay, cho rằng hàng xách tay tốt hơn hàng nhập khẩu. Khi điều kiện kinh tế xã hội tăng lên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao hơn cũng khiến con người có nhu cầu sử dụng loại mặt hàng này. Một nguyên nhân khác là do việc kiểm soát buôn bán hàng trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Quang cảnh phiên chất vấn
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường kiểm soát việc bán hàng trên thị trường, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn. Bộ Y tế cùng các Bộ đã thành lập đội phản ứng nhanh, khi phát hiện các sai phạm, theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, Bộ cũng có cách thức xử lý. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là liên quan đến mạng xã hội, khi máy chủ đặt ở nước ngoài, nên việc kiểm soát nằm ngoài phạm vi của cơ quan chức năng.
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý TPCN đến nay cơ bản đáp ứng. Chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến TPCN… Bộ trưởng nêu rõ, nếu sản xuất TPCN tốt thì đây là lợi thế để chúng ta xuất khẩu, trong đó các loại vitamin. Hiện nay, TPCN của nước ta đã xuất khẩu ở trên 30 nước trên thế giới. Đây sẽ là thế mạnh nếu nước ta quan tâm và đầu tư tốt vào lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
“Trước đây có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất TPCN thì đến nay có 201 cơ sở thực hiện đúng theo quy định về sản xuất và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các quy định về xử phạt về sản xuất, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm TPCN cũng đã quy định rõ trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên thời gian qua, vẫn có vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. Bởi sản xuất TPCN, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận cao và họ lợi dụng, thổi phồng các giá trị của mặt hàng được sản xuất ra để thu lợi…” - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Để giải quyết các vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện Bộ Y tế đã có trang web của Cục An toàn thực phẩm để cấp giấy chứng nhận để cho các doanh nghiệp sản xuất đúng quy định để các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu các mặt hàng sản xuất đúng theo quy định.
Còn đối với những người vi phạm, Bộ Y tế cũng có cảnh báo như gửi công văn đến đến các bộ ngành liên quan để kịp thời xử lý. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay quảng cáo trên các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các doanh nghiệp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc để làm gương như biện pháp cấm xuất cảnh.