Bằng mọi giá phải giữ lại nguyên vẹn hồ Đầm Dơi

Thứ Năm, 28/07/2016 16:22

|

(CATP) Sau khi Báo Công an TPHCM đăng loạt bài “Ai toan tính lấp hồ Đầm Dơi”? ở phường Tân Thuận Tây, quận 7 (trong các số báo ra ngày 7-7, 14-7, 18-7-2016), tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc liên quan đến nội dung báo phản ánh. Chúng tôi trích đăng ba ý kiến về vấn đề này.

Ai toan tính lấp hồ Đầm Dơi?
 
Toan tính lấp hồ Đầm Dơi (P.Tân Thuận Tây, Q7): Đi ngược chủ trương thành phố
 
UBND quận 7 phản hồi sau vụ “Ai toan tính lấp hồ Đầm Dơi?”: Đây là dự án nuôi trồng và dịch vụ thủy sản
 

Ông Hoàng Sơn, cán bộ về hưu: UBND quận 7 đang đánh lận con đen

Nhân đọc bài: “Đây là dự án nuôi trồng và dịch vụ thủy sản” do UBND Q7 phản hồi đăng trên Báo Công an TPHCM ngày 18-7, là những người dân sống ở khu vực gần hồ, chúng tôi có thể thẳng thắn cho rằng, nếu Tổng công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn (gọi tắt TCT Nông nghiệp Sài Gòn) xây dựng dự án đúng như tiêu đề UBND Q7 khẳng định, thì chúng tôi không mất thời gian để lên tiếng phản đối làm gì.

Về những phản hồi mà UBND Q7 nêu ra, người dân chúng tôi xin có ý kiến như sau: Toàn bộ diện tích thuộc phạm vi hồ là diện tích mặt nước, không hề có một khu đất hỗn hợp hoặc đất thổ cư bao quanh, vì hồ thông với sông Sài Gòn qua hệ thống kênh rạch tự nhiên từ xa xưa, nên nước hồ cũng bị ảnh hưởng theo chế độ bán nhật triều của sông Sài Gòn. Vào lúc nước ròng (nước xuống kiệt) quanh hồ, đặc biệt phía bờ tiếp giáp với đại lộ (ĐL) Nguyễn Văn Linh sẽ lộ ra cả một bãi đất chạy dài - dọc theo ĐL Nguyễn Văn Linh.

Nhưng vào thời điểm thủy triều dâng cao cùng với những ngày mưa liên tục, hồ là nơi chứa nước chống ngập lụt cho cả khu dân cư sống nơi đây. Khi đó, xung quanh hồ không còn một thửa đất trống nào, tất cả đều nằm dưới hồ, chính vì vậy khi xây dựng ĐL Nguyễn Văn Linh, các nhà thầu Phú Mỹ Hưng (PMH) đã chôn một dãy cọc PMH cách mép đường đến sát hồ, khi mùa nước dâng cao là 30m. Đó là khoảng cách an toàn cho ĐL Nguyễn Văn Linh vào mùa nước dâng cao. Vì vậy UBND Q7 cho rằng, “Xây dựng công trình dịch vụ thủy sản” hoặc quy hoạch công trình khu đất ở đâu, nếu như không phải là san lấp hồ?

Hiện chúng tôi cũng được biết, có một số khu đất ở sát bên hồ, nhưng đó là những khu đất bị lấn chiếm sau khi san nền, lấp hồ, xây làm nhà hàng, bãi garage để sửa chữa xe tải, xe container mà không có bất cứ cơ quan chức năng nào can thiệp, kể cả chính quyền địa phương. Nếu đúng như UBND Q7 trả lời thì hồ cá này phải được cải tạo lại, phải được nạo vét, chỉnh trang để đảm bảo độ sâu, độ sạch tạo ra một môi trường thích hợp cho các loại thủy hải sản sinh sống. Vậy mà trong dự án của TCT Nông nghiệp Sài Gòn khi trình bày ở P.Tân Thuận Tây không có lấy một từ, một chữ nào về giải pháp cải tạo hồ để nuôi trồng thủy sản mà chỉ toàn nghe nói san lấp và xây dựng công trình...

Trong bài báo phản hồi nói, “ngoài nuôi trồng thủy sản còn làm dịch vụ thủy sản”, chúng tôi cũng chưa rõ dịch vụ thủy sản ở đây có liên quan đến vấn đề san lấp hồ không? Hay là xây các xưởng, nhà máy chế biến thủy hải sản đánh bắt từ dưới hồ lên?

Ông Nguyễn Văn Bé, cư dân KP4, Q7: Cần giữ hồ Đầm Dơi làm lá phổi xanh cho khu Nam

Trước đây rất lâu, người dân nơi đây thường gọi hồ là “Đầm Dơi”, được hình thành tự nhiên như nhiều khu đầm đã có ở huyện Nhà Bè xưa, được nối thông với sông Sài Gòn qua các hệ thống kênh rạch tự nhiên.

Khi Q7 được thành lập và tách ra khỏi huyện Nhà Bè, một loạt cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống được xây dựng, hồ Đầm Dơi trở thành hồ nước khang trang với diện tích khoảng 3 héc-ta. Nước hồ luôn trong xanh do được nối thông với sông Sài Gòn qua hệ thống kênh rạch và chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều.

Một bên hồ có chiều dài khoảng 500m chạy dọc theo ĐL Nguyễn Văn Linh, nối liền với khu đô thị PMH, đối diện bờ hồ bên kia là khu dân cư. Người dân ở đây không sống sát mép hồ mà đều cách bờ hồ từ 30m trở lên. Sát bờ hồ ngăn cách với khu dân cư là dãy hàng rào bằng lưới B40, giữa hàng rào và nhà dân là đường đi và cũng là nơi người dân tụ tập vui chơi, giải trí, tập thể dục vào mỗi sáng sớm và buổi chiều. Nước thải của khu dân cư bên hồ được nối thông với hệ thống cống ngầm của khu đô thị PMH mà không xả xuống hồ.

Là người dân sống tại khu vực hồ, chúng tôi rất bức xúc khi được biết TCT Nông nghiệp Sài Gòn đưa ra dự án xin phép thành phố cho được lấp một phần hồ. Họ đưa ra lý do đây là “hồ chết” gây ô nhiễm? Để lý giải ý đồ trên, TCT này đã đưa ra bản vẽ với những chi tiết và số liệu cùng lời giải thích mơ hồ, không có căn cứ.

 

Ông Nguyễn Khánh Đức, cán bộ hưu trí, KP4, P.Tân Thuận Tây, Q7: Hãy cải tạo hồ này thành hồ sinh thái

Chúng tôi vẫn còn nhớ, khi ông Sáu Phong (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) đang làm Bí thư Thành ủy TPHCM, đã rất tâm đắc với cảnh quan và vị trí của hồ này. Ông có nói: “Hãy cải tạo hồ này thành hồ sinh thái, là nơi vui chơi, giải trí cho người dân và biến nó thành lá phổi của khu Nam Sài Gòn, kết hợp với việc chứa nước và thoát nước mỗi khi vào mùa mưa cũng như thời gian triều cường dâng cao”. Rồi sau đó, một dự án cải tạo hồ - xây bờ kè và trồng cây xanh, công viên xung quanh hồ - đã được hình thành.

Nhưng điều đáng tiếc là dự án chưa được triển khai thì ông Sáu Phong đã ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Thế là từ ngày đó Ao cá Bác Hồ bị rơi vào quên lãng và không được nhắc tới nữa. Cơ quan chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không hề đoái hoài tới. Hồ dần dần bị xâm hại và bị lấn chiếm, từ san lấp lấn chiếm vụng trộm đến công khai, cứ diễn ra mà không hề có cơ quan chức năng nào, kể cả chính quyền địa phương can thiệp. Trong khi mọi người đều biết đây là tài sản của nhà nước, không một cá nhân, một tổ chức nào có quyền xâm hại, lấn chiếm.

Dự án lấp hồ này là của TCT Nông nghiệp Sài Gòn. Họ đã xuống địa phương và thông qua phường tổ chức một cuộc họp do lãnh đạo phường chủ trì, mục đích là triển khai việc lấp một phần hồ. Thành phần họp mặc dù nói là lấy ý kiến người dân, nhưng không có một người dân nào được tham gia, chỉ có những người phụ trách các đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ..., về chính quyền từ tổ trưởng dân phố đến lãnh đạo phường. Trước khi vào họp, mỗi người được phát bản vẽ dự án kèm theo một bao thư có 500.000đ.

Với vị trí và cảnh quan của hồ nước Tân Thuận, UBND thành phố nên cải tạo đưa hồ trở lại với vị trí và diện tích ban đầu, để trở thành một hồ sinh thái đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội và hỗ trợ giải quyết những ách tắc về môi trường cho thành phố nói chung và Q7, huyện Nhà Bè nói riêng. Sử dụng diện tích mặt hồ và khu vực bờ xung quanh trồng cây xanh và những thảm cỏ công viên làm nơi vui chơi giải trí cho người dân; cải tạo nâng cấp hệ thống chứa và thoát nước giải quyết vấn đề chống ngập nước vào mùa mưa, cũng như triều cường dâng cao.

 

Bình luận (1)

Tại sao Thành phố đã có chủ trương giữ các hồ tự nhiên thậm chí có chuyên gia còn đề nghị thành phố đào thêm hồ để tiêu thoát nước. Người dân đi họp mà được phong bì. Quận 7 rất nhiệt tình trong dự án xin lấp hồ thì có tiêu cực?

Người dân quận 7 - Thứ Năm, 28/07/2016, 17:52 Trả lời | Thích
Lên đầu trang