(CATP) Ngày 7-7, Báo CATP đăng bài “Ai toan tính lấp hồ Đầm Dơi” (P.Tân Thuận Tây, Q7) làm mục đích kinh doanh. Toan tính này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân Q7. Ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và hạ tầng - cho rằng, mọi hành vi lấp hồ đều đi ngược lại chủ trương của toàn xã hội.
HỒ ĐANG BỊ THU HẸP
Bà Lưu Thị Kim Hồng, sống ở địa phương gần 60 năm, bức xúc cho biết: “Mỗi khi trời mưa, nước của cả khu vực đều chảy xuống hồ. Lấp hồ rồi nước mưa sẽ chảy đi đâu? Chẳng lẽ người dân Nhà Bè, Q7 cũng phải chịu trận như trung tâm thành phố? Chúng tôi sống ở đây chỉ cần có động thái lấn hồ là bị chính quyền nhắc nhở, ngăn cấm, nay doanh nghiệp (DN) làm hẳn đề án xin lấp hồ thì quá bất công!”.
Hồ Đầm Dơi rộng gần 3 héc-ta, gần đây đang bị thu hẹp dần. Điều đáng nói, đây là một trong số ít hồ còn tồn tại trên địa bàn TPHCM. Gần đây, hồ được Tổng công ty TNHH MTV nông nghiệp Sài Gòn phối hợp với Công ty đầu tư và phát triển Nguyễn Kim, Tổng công ty Tecco lập dự án lấp hồ nhằm mục đích phân lô, bán nền.
Theo ghi nhận, phía đông mặt hồ tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Linh bị các quán nhậu bình dân, Trạm ga-ra xe Nam Minh Khang đổ đất lấn chiếm khiến diện tích mặt hồ bị thu hẹp nhiều. Được biết, trước đây hồ được người dân đấu thầu để phục vụ câu cá, giải trí, nên lòng hồ được nạo vét rất sâu. Tuy nhiên từ lâu, hồ bị bỏ hoang nên diện tích bề mặt thu hẹp dần và do bùn đất bồi lắng nên khá cạn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồ Đầm Dơi nằm trong khu quy hoạch nhằm giữ lại mảng xanh cho thành phố. Theo đó, mọi hành vi cơi nới, lấn chiếm xây dựng nhà ở đều vi phạm pháp luật, nhưng không hiểu sao một DN có cỡ của thành phố lại làm đề án xin lấp hồ? Trong khi đây là hồ đẹp và duy nhất còn sót lại trên địa bàn Q7.
Ông Trần Văn Thống - Tổ trưởng tổ 11, KP4. P.Tân Thuận Tây - cho biết: “Mỗi khi chủ đầu tư mời đi họp để lấy ý kiến cho việc lấp hồ, họ đều bỏ tiền vào phong bì đưa cho chúng tôi. Có dư luận cho rằng đây là chủ trương của Đảng. Chúng tôi không tin điều đó, vì Đảng không bao giờ làm những điều trái ngược với lợi ích của dân như thế! Nếu ai nhân danh Đảng cho DN lấp hồ để làm dự án thì bậy quá”.
Khi chúng tôi ghé vào quán nước ven đường ở P.Tân Thuận Tây, rất nhiều người dân tỏ ra bất ngờ vì chỉ biết thông tin sau khi Báo CATP đăng bài.
Nhiều độc giả sống tại H.Nhà Bè và Q7 điện thoại vào đường dây nóng của báo phản ánh, nếu DN núp bóng Nhà nước để lấp hồ thì vài năm tới, nước sẽ ngập vào nhà. Lấp hồ sẽ làm thay đổi dòng chảy, mùa mưa thì lụt kinh khủng, nhưng mùa nắng lại thiếu nước.
Việc triển khai dự án không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống, môi trường cho cả khu vực, mà còn tạo tiền lệ xấu cho DN làm bậy. Nếu chính quyền cho phép DN làm dự án thì chủ đầu tư sẽ “thắng”, nhưng người dân càng khốn đốn hơn.
MÔI TRƯỜNG ĐANG “CHẾT”
Vấn đề đáng quan ngại nữa là nếu cứ cho phép lấp các hồ, đầm tự nhiên, dẫn đến môi trường thay đổi, sẽ xuất hiện tình trạng ngập úng kéo dài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Anh - cán bộ hưu trí Q7 - bức xúc cho rằng, đến kỳ họp HĐND thành phố sắp tới, thành phố nên mời Chủ tịch UBND Q7 ra chất vấn. Một dự án liên quan đến môi trường, ảnh hưởng đến nhiều người, chắc chắn thành phố sẽ đứng ra giải quyết, chứ không thể để chủ tịch một quận quyết được. Không thể vì DN đóng góp cho quận 5 - 7 tỷ đồng mà sau đó mặc họ tàn phá môi trường!
Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, việc phát triển chỉnh trang đô thị là cần thiết, nhưng đụng chạm đến diện tích mặt hồ là cực kỳ nguy hại. Người dân nói đúng, không thể vì lợi ích của DN nào đó mà ưu ái cho họ lấp hồ để cả xã hội phải gánh chịu hậu quả. Điều bất công đang diễn ra ở đây là việc người dân sống lâu đời bên hồ muốn xây nhà thì bị cấm, còn DN muốn làm dự án thì lại được “bật đèn xanh”!
Một dự án “tai tiếng” như việc lấp hồ Đầm Dơi khiến người dân bức xúc, báo chí lên tiếng, nếu chính quyền vẫn tiếp tục cho phép DN tiến hành thì hết sức vô lý. Trong khi cả thành phố đang dồn sức cho việc chống ngập thì không có lý do gì thành phố lại cho lấp hồ. Qua xem xét thực tế có thể thấy rõ, việc triển khai dự án sẽ gây ảnh hưởng nặng đến môi trường, nhất là vào mùa mưa.
Ở các thành phố lớn trên thế giới, việc thu hẹp diện tích mặt hồ là điều tối kỵ. Nhiều quốc gia như Hà Lan, Mỹ... đang tập trung cho giải pháp “Room for the rivers” (giữ chỗ cho dòng chảy) nhằm mở rộng không gian mặt hồ. TPHCM cũng nằm trong quy luật này, nên nhiều nhà khoa học đã đề nghị chính quyền thành phố cho phép đào một số hồ ở khu vực trung tâm, để làm nhiệm vụ điều tiết nước.
Theo ông Sơn, nhiều năm trước thành phố đã thiếu quy hoạch, vì vậy sự phát triển đô thị tùy tiện đã dẫn đến các khu vực dễ ngập cục bộ. Trong khi hệ thống tiêu thoát nước của khu vực không phù hợp và không đáp ứng được sự thay đổi của vấn đề phát triển đô thị, việc bỏ tiền ra làm dự án rồi phân lô, bán nền sẽ gây thiệt hại cho toàn xã hội là điều khó tránh khỏi.
“Thu hẹp dòng chảy sẽ khiến cả vùng ngập úng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều lần”, ông Sơn nhấn mạnh.
Để thực hiện bài viết, phóng viên đã gặp ông Bùi Phước Hải - Chủ tịch UBND P.Tân Thuận Tây, Q7 - nhưng vị này luôn trả lời quanh co và đẩy lên quận. Tiếp đó, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Lê Văn Thành, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Q7 - nhưng ông này luôn bận họp. Liên hệ với nhân viên của ông Thành thì những người này chỉ xuống Phòng tiếp dân đăng ký lịch gặp. Tuy nhiên qua 5 ngày đặt lịch, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi của phòng. |