(CAO) Hơn 100 tấn chất thải tại Nhà máy Formosa được Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) âm thầm chở lên chôn dưới đất trang trại của ông giám đốc Công ty môi trường. Khi sự việc bị phát hiện, ông giám đốc này phân trần, chở lên sử dụng thay phân để trồng cỏ.
(CAO) Sáng 12-7, ông Lê Nam Sơn - Chánh thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, cơ quan này đang phối hợp với lực lượng liên ngành tỉnh Hà Tĩnh lập biên bản bắt quả tang Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh chôn lấp chất thải tại một trang trại ở phường Kỳ Trinh.
Chôn hơn 100 tấn chất thải để thay phân … trồng cỏ???
Chiều 12-7, theo sự chỉ dẫn của một số người dân, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Hòa – Giám đốc Công ty Môi trường và đô thị thị xã Kỳ Anh. Theo quan sát, số chất thải này được chôn trong một khu đất rộng khoảng 300m2. Ông Lê Nam Hà (SN 1952, trú xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), một người dân được gia đình ông Hòa cho mượn trang trại này để nuôi bò kể cho biết, việc chôn chất thải kéo dài gần một tháng nay. Ban đầu, một số máy múc đến đào trên khu đất rộng 300m2, sâu 1m. Sau đó, cứ vài ngày xe tải lại chở những chất đen sì, hôi hám này đổ xuống.
Hơn 100 tấn chất thải có màu đen, bốc mùi hắc khó chịu được chôn xuống đầu nguồn đập chứa nước Mộc Hương
Trao đổi với chúng tôi, một người dân bức xúc: “Cách đây gần một tháng, chúng tôi thấy họ đưa máy móc về đào hố rồi hàng loạt chiếc xe tải chở những chất màu đen đổ xuống đó. Cứ nghĩ rằng, trang trại của gia đình giám đốc Công ty môi trường thị xã thì họ sẽ không vi phạm về môi trường. Đùng một cái, ngày hôm qua chúng tôi thấy công an và các lực lượng chức năng đến đào lên để lấy mẫu kiểm tra. Thấy lạ, chúng tôi hiếu kỳ kéo đến xem thì thấy mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rất đau đầu”.
Anh Nguyễn Sỹ Hoàng, nhân viên quản lý trật tự đô thị thị xã Kỳ Anh đang được phân công túc trực bảo vệ hiện trường, nơi chôn chất thải trái phép, cho biết: “Mặc dù đã chôn lấp, nhưng hiện tại chúng tôi vẫn thấy mùi hôi hắc hắc như mùi đạm kali”.
Ông Lê Quang Hòa – Giám đốc Công ty Môi trường và đô thị thị xã Kỳ Anh
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Hòa – Giám đốc Công ty Môi trường và đô thị thị xã Kỳ Anh cho biết, Công ty của ông hoạt động chủ yếu thu gom, vận chuyển xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường còn chất thải nguy hại công ty không có chức năng nhận.
Khi được hỏi hơn 100 tấn chất thải chôn ở trang trại, ông Hòa quanh co: “Đó là bùn thải của Công ty Formosa, nó không phải là chất thải nguy hại mà là bùn thông thường. Trước khi nhận xử lý chất thải đó, công ty chúng tôi cũng đã yêu cầu bên Formosa mời các cơ quan có thẩm quyền phân tích, xét nghiệm. Sau đó, xét thấy đây là bùn không nguy hại mà có thể tái sử dụng như phân bón nên công ty mới đồng ý vận chuyển xử lý”.
Theo ông Hòa, kết quả phân tích kỹ thuật về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước và phân tích xác định mẫu tro và bùn thải từ xưởng luyện cốc của Công ty Formosa thì đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đều có giá trị thấp hơn và nằm trong ngưỡng chất thải nguy hại.
Ông Hòa phân trần, trang trại nơi chôn chất thải trước đây là của ông, nhưng sau này đã bán lại cho ông Lê Thanh Hải (trú phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh). Thời gian qua, ông Hải xin số chất thải trên về chôn xuống trang trại để thay phân… trồng cỏ. “Thấy đó là nhu cầu chính đáng nên chúng tôi đã chở số chất thải đó lên cho họ” – ông Hòa nói.
Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Ông Trương Công Bình – Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Trinh, cho biết chiều 11-7-2016, sau khi nhận được thông tin, ông đã trực tiếp chạy lên để nắm bắt tình hình. Được biết, trang trại nơi chôn chất thải vẫn do ông Hòa đứng tên chứ không phải của ông Hải.
Ông Lê Nam Hà, người trông coi trang trại cho biết chất thải được chôn từ gần một tháng nay
“Việc chất thải được chôn xuống đó có độc hại hay không thì chưa biết. Tuy nhiên, trang trại của ông Hòa nằm ngay khe Tò Vò, đầu nguồn nước chảy về đập nước Mộc Hương. Đây là nguồn nước cho toàn bộ người dân Kỳ Trinh sử dụng, sinh hoạt trong gia đình và cả tưới tiêu. Nếu không phát hiện kịp thời, vào mùa mưa nguồn nước thấm xuống đập nước dân sinh thì rất nguy hiểm” – ông Bình bức xúc.
Theo ông Bình, việc ông Hòa lý giải chôn hơn 100 tấn chất thải xuống trang trại để thay phân trồng cỏ là rất phi lý: “Nếu đưa bùn thay phân lên trồng cỏ thì phải có kế hoạch, lập dự án và phải thông qua chính quyền địa phương. Đây họ âm thầm đưa máy lên đào hố, sử dụng ôtô thay nhau chở lên đó chôn hơn 100 tấn chất thải rồi bảo là để trồng cỏ thì không ai tin được chuyện đó cả”.
Hiện trường nơi chôn hơn 100 tấn chất thải
Ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh khẳng định sẽ làm việc với Fomrosa, chính quyền địa phương, Công ty đô thị thị xã Kỳ Anh về vấn đề này. “Nếu xác định đó đúng là chất thải nguy hại chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông cho biết.
Hiện, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an cũng đã cử đoàn công tác vào Hà Tĩnh để phối hợp với chính quyền địa phương xử lý vụ chôn chất thải trái phép này.