(CAO) Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Trần Bạch Đằng (15/7/1926-15/7/2016), Thành Ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Bạch Đằng- Người cộng sản kiên trung”. Hội thảo đã nhận được 87 bài tham luận sâu sắc của các vị lãnh đạo, nhà khoa học, GS, TS trên khắp cả nước.
Đến dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng; ông Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội; ông Lê Thanh Hải, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM cùng nhiều vị lãnh đạo và cán bộ lão thành cách mạng trong cả nước. |
Toàn cảnh buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, hội thảo là dịp để ghi nhận công lao của đồng chí Trần Bạch Đằng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, tên tuổi của ông gắn bó mật thiết với sự đi lên và lớn mạnh của TP.HCM. Trong suốt cuộc đời mình, đồng chí Trần Bạch đằng luôn trăn trở, tâm huyết và có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo “Đồng chí Trần Bạch Đằng- Người cộng sản kiên trung” cũng đã nhận được nhiều bài tham luận, ý kiến ý nghĩa và sâu sắc từ các đại biểu.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định: “Hơn 80 năm tuổi đời, với hơn 60 năm một lòng theo Đảng và Bác Hồ, đồng chí Trần Bạch Đằng đã thể hiện trọn vẹn là một người chiến sĩ cách mạng trung kiên. Với tư duy và khả năng phân tích sắc bén trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã có những đóng góp tích cực cho công tác lý luận và hoạt động thực tiễn của Đảng bộ thành phố và trong một phạm vi nhất định đến công tác lý luận của Đảng”.
Ông Phạm Quang Nghị, Nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội kể về những kỷ niệm gắn liền với đồng chí Trần Bạch Đằng
Thể hiện sự kính trọng và quý mến đối với người cộng sản kiên trung Trần Bạch Đằng, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội xúc động cho biết: “Sinh thời, khi đang giữ những chức vụ cao hay không giữ chức vụ, ông luôn là một người bình dị, cởi mở, chân thành”. Chẳng có phút giây hay cử chỉ nào của ông làm ta cảm thấy ngại ngần khi có dịp gần ông. Cùng với tấm gương sống và cống hiến hết mình, ông luôn được mọi người yêu quý. Ông là anh Tư Ánh, là đồng chí Trần Bạch Đằng, nhà thơ Hưởng Triều, nhà văn Nguyễn Hiểu Trường, nhà viết kịch Nguyễn Trương Thiên Lý, nhà nghiên cứu phê bình Trần Quang – người xứng đáng nhận những tình cảm yêu mến và kính trọng sâu sắc của tất cả chúng ta”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và các đại biểu tại hội thảo
Cuộc đời hoạt động sôi nổi và phong phú của nhà yêu nước Trần Bạch Đằng luôn gắn liền với cách mạng miền Nam. Vào những thời khắc quyết định của sự nghiệp cách mạng, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Tổng tiến công và nổi dây xuân Mậu Thân 1968, sau Mậu Thân và những năm tháng đất nước chuyển mình đổi mới, đồng chí Trần Bạch Đằng đã chứng kiến và trải nghiệm cùng những gian nan, hết sức hào hùng của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM.
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại hội thảo
Khẳng định công lao to lớn của đồng chí Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cho biết: “Thời gian sẽ làm nhòa đi nhiều thứ nhưng những người như đồng chí Trần Bạch Đằng chắc chắn để lại những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định, trong lịch sử cách mạng của nhân dân”.