TP.HCM: Lần đầu tiên trẻ tự kỷ được tham gia hội thao thân thiện

Thứ Sáu, 03/06/2016 11:30  | Ngô Đồng

|

(CAO) Rất nhiều trẻ vì khó khăn kinh tế mà không nhận được bất kỳ hỗ trợ can thiệp nào. Các em luôn cần sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội, giúp các em có thêm điều kiện học hành, vui chơi và hòa nhập cuộc sống.

Sáng ngày 3-6, tại Khu Du lịch Văn Thánh TP.HCM đã diễn ra Hội thao thân thiện 2016 dành cho trẻ tự kỷ.

Bà Phạm Thị Kim Tâm, Phó Chủ tịch Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam (Vietnam Autism Network - VAN) cho biết: "Đây là lần đầu tiên VAN phối hợp với các trường chuyên biệt trong thành phố, gồm: Khai Trí, Ước Mơ, Tuổi Ngọc, Bim Bim, Từng Bước Nhỏ, Hồng Phúc, Ngọn Nến Xanh, Trung tâm Phục Hồi Chức Năng, Trung tâm ATC,... tổ chức hội thao, vì với những trẻ bình thường, có những kỹ năng đạt được rất dễ dàng thì với trẻ tự kỷ, cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để đạt được những thành tích nho nhỏ".

Trẻ tự kỷ song ca cùng các nghệ sĩ

Các cháu sẽ được thi đấu các môn bơi, chạy, nhảy bao bố, kéo co và trò chơi khác như bò qua dây, đập bóng, nhảy cặp, tô, vẽ, tranh cát, xâu vòng, nặn sáp …

Lần đầu tiên tham gia hội thao, các em rất hào hứng
Thầy cô và các tình nguyện viên hướng dẫn các bé

Bên cạnh đó trẻ còn được giao lưu với MC Thanh Bạch và thưởng thức màn trình diễn của nhóm Bàn Tay Nhỏ gồm chú hề Thanh Hậu, ảo thuật Kelvin Nguyễn, ca sĩ nhí Thanh Duy, Trâm Anh, Ngọc Giàu. 

Trẻ được giao lưu với MC Thanh Bạch

Theo bà Tâm, sự kiện này là một dịp để ghi nhận những thành tích đó của trẻ, hoàn toàn không mang nặng tính ganh đua, đối kháng, chỉ giúp trẻ biết cách chơi theo luật, biết chờ đợi, lần lượt, hoàn thành đường đua.

Theo chuyên trang của Liên Hiệp Quốc về tự kỷ, tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội.

Trẻ tham gia môn thi đập chai

Ở Việt Nam, số trẻ em mắc chứng tự kỷ liên tục tăng qua các năm và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng sống của mọi gia đình có con tự kỷ. Tự kỷ không có nguyên nhân nên cũng không có cách phòng ngừa. Mỗi trẻ tự kỷ lại không giống nhau, biểu hiện từ rất nặng đến rất nhẹ, nên việc chăm sóc, can thiệp và điều trị trở nên khó khăn và tốn kém, đa phần đều vượt quá khả năng kinh tế của gia đình.

Rất nhiều trẻ vì khó khăn kinh tế mà không nhận được bất kỳ hỗ trợ can thiệp nào.

"Tuy tự kỷ khá phức tạp, song thực tế cho thấy, nếu trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, đúng cách và phù hợp, trẻ sẽ có những tiến bộ đáng kể, từ việc nâng cao khả năng tự phục vụ, nhiều trẻ có thể đi học, tìm việc làm và sống độc lập.

Mong sao cộng đồng có nhận thức đúng đắn về trẻ Tự kỷ để tránh kỳ thị và tạo cơ hội cho trẻ được sống, học tập và hòa nhập xã hội. Mong có nhiều các tổ chức, cá nhân và cha mẹ trẻ Tự kỷ để cùng chung tay, góp sức giúp đỡ các con ngày tốt hơn", bà Phạm Thị Kim Tâm, Phó Chủ tịch Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang