Những góc phố chợ độc đáo ở Sài Gòn

Chủ Nhật, 03/04/2016 11:50  | Ngô Đồng

|

(CAO) Tuy không có 36 phố phường với những mặt hàng kinh doanh đặc trưng như ở Hà Nội, nhưng ở đâu đó vẫn có những con đường, góc phố tạo nên nét riêng, khá đặc biệt của Sài Gòn.

Chợ sâu bọ giữa lòng Sài Gòn

Giữa Sài Gòn, có một góc phố chuyên bán đủ loại sâu bọ, côn trùng. Gần 15 năm nay, góc phố này tạo nên nét riêng, khá đặc biệt. Đó là góc chợ nằm bên hông Thuận Kiều Plaza (góc đường Hồng Bàng - Tân Hưng, quận 5, TP.HCM).

Góc chợ sâu bọ đặc biệt ở Sài Gòn

Chợ chỉ là một góc vỉa hè chưa đến 30m2, “đặc sản" chính của khu chợ độc đáo này là sâu bọ, cào cào, dế, châu chấu,...

Hàng ngày, hàng chục tiểu thương đã tụ họp về buôn sâu bọ nhộn nhịp

Tầm 5 giờ sáng là có hơn chục người bán ngồi san sát nhau với lỉnh kỉnh giỏ, bao, thau đựng các loại côn trùng. Phổ biến nhất là dế được bán với giá 5.000 đồng/bọc, châu chấu giá 2.000 đồng/bọc. Các loài sâu được bán theo lon, chừng 10.000 đồng/lon.

“Đặc sản" chính của khu chợ độc đáo này là sâu bọ, cào cào, dế, châu chấu,...

Gần 15 năm nay, những người chuyên săn bắt cào cào, dế, sâu,... ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và các tỉnh miền Tây tụ họp về đây buôn bán. Lúc đầu, chợ chỉ lèo tảo vài ba người ngồi bán một buổi, dần dà có nguồn khách nhiều nên chợ đông cả ngày. Ngoài bán các loài côn trùng còn bán cả thức ăn cho chim; một phần chợ là nơi trao đổi, mua bán chim. Dân chơi chim cũng tụ họp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Một phần chợ là nơi trao đổi, mua bán chim

Từ ngày có “chợ sâu bọ, dân chơi chim khắp nơi cũng tụ họp về đây vào mỗi sáng để mua bán chim hoặc chỉ xách lồng chim ra để đó rồi tụ họp nói chuyện tào lao, nghe chim hót. Chính vì vậy, khu chợ độc đáo này không chỉ là nơi mưu sinh mà đã trở thành một nét thú vị của Sài Gòn, một góc quê yên bình không dễ tìm thấy ở mảnh đất Sài Gòn đô hội.

Độc đáo con đường bánh tráng Tây Ninh

Nhiều người gọi con đường Tháp Mười và đường Nguyễn Hữu Thận ngay trước cổng chợ Bình Tây là "con đường bánh tráng", bởi con phố này tràn ngập các loại bánh tráng có xuất xứ từ tỉnh Tây Ninh được chế biến theo những kiểu độc đáo.

Con đường bánh tráng

Bắt đầu từ 4 giờ chiều các xe bánh tráng di động từ khắp nơi đồng loạt kéo về địa điểm này để họp chợ. Đêm về mới là lúc chợ bánh tráng lớn nhất Sài Gòn đi vào hoạt động với người mua kẻ bán tấp nập.

Trên một xe bánh tráng di động này có đến hơn 35 loại

Chỉ cần tấp xe vào ven đường là đã có đủ loại bánh tráng. Trên một xe bánh tráng di động này có đến hơn 35 loại, mỗi loại sẽ đi kèm với một gia vị riêng như: me, sa tế, tôm,... và đặc biệt là rất nhiều loại muối ăn kèm. Toàn bộ bánh tráng đều được các lò từ Tây Ninh lên giao tận nơi.

Con phố trở nên nhộn nhịp hơn về đêm

Vào ban ngày, lác đác có vài xe bán lẻ bánh tráng Tây Ninh nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của món ăn này và đường phố Sài Gòn, bạn hãy tới chợ Bình Tây vào chiều tối hoặc đêm khuya để trải nghiệm sự thú vị hiếm có này. Chỉ vài ngàn đồng cho bịch bánh bánh tráng hay 15.000 đồng cho phần bánh tráng trộn, thú đi chơi buổi tối và đêm càng trở nên thi vị.

Phố cơm trắng cho người nghèo

Giữa Sài Gòn hoa lệ đầy những nhà hàng đặc sản, sơn hào hải vị, quán nhậu ngập đường, còn có một phố bán cơm trắng (cơm không) vô cùng độc đáo. Phố nằm trên đường Nguyễn Thông (quận 3) cách ga Sài Gòn độ chừng chưa đến 100m.

Phố nằm trên đường Nguyễn Thông (Q3)

Gọi là “phố” cho oai chứ thực ra chỉ có 5, 6 quán cơm nằm rải rác với những chiếc nồi cơm điện to ngoại cỡ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, một người bán cơm trắng gần 20 năm tại phố này cho biết, mỗi ngày, chị bán cũng được 500 - 600kg gạo. Bán chạy nhất vào khoảng 10 – 12 giờ trưa, khách hàng chủ yếu là dân lao động nghèo, người bán ve chai, vé số, công nhân, sinh viên, họa lắm một vài hôm mới có những người khá giả chạy xe ga tới hỏi mua cơm vì nhà mất điện hoặc không có thời gian để nấu.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, một người bán cơm trắng gần 20 năm
Khách hàng chủ yếu là dân lao động nghèo

Giá mỗi ký cơm ngon chỉ có 10.000 đồng, loại cơm thường có giá 8.000 đồng/kg. Vào những ngày giáp Tết, phố cơm trắng cũng tấp nập hơn vì nhiều người đi tàu về quê thường ra đường Nguyễn Thông tranh thủ mua chừng 10.000 - 15.000 đồng cơm trắng để mang lên tàu ăn. 

Giá mỗi ký cơm ngon chỉ có 10.000 đồng, loại cơm thường có giá 8.000 đồng/kg

Những người chủ quán ở đây cho hay, người bán cơm trắng như họ chẳng bao giờ mong ước giàu lên từ việc này. Bởi mỗi ký cơm trắng, người bán chỉ lãi từ 500 đến 1.000 đồng. Đa số người bán cơm nơi đây chỉ lấy công làm lãi cho người nghèo "no cái bụng".

Ở Sài Gòn còn có những con đường, góc phố mà mỗi khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến những cửa hiệu san sát với mặt hàng kinh doanh giống nhau.

Bạn có thể tìm cho mình một món đồ cổ ưa thích trên phố đồ cổ đường Lê Công Kiều (quận 1), hoặc lạc vào thế giới sách cũ ở phố sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5). Với những tín đồ của âm nhạc, phố đàn đoạn đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) là địa chỉ quen thuộc nếu muốn tìm mua một loại nhạc cụ nào đấy. Không chỉ bán các nhạc cụ có sẵn, các cửa hiệu ở đây còn nhận sản xuất nhạc cụ theo ý thích của khách hàng.

Ngoài ra, Sài Gòn còn có phố Đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), người ta có thể ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của các loại thuốc Bắc, thuốc Nam... ngay khi lạc vào con đường này; phố  thiết bị công nghệ Nhật Tảo (quận 10), tại đây khách hàng có thể tìm thấy tất cả những thứ hầm bà lằng, từ cái remote đến nguyên bộ máy vi tính chất lượng cao, những sản phẩm nguồn gốc trôi nổi lại càng phong phú hơn nữa... hoặc phố kéo đường Triệu Quang Phục (quận 5), con đường này bày bán đủ các loại kéo, và là nơi tập trung những thợ mài kéo lành nghề nhất của Sài Gòn hiện nay...

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang