Hàng rong cản trở giao thông ở Sài Gòn

Thứ Bảy, 30/04/2016 05:09

|

(CAO) Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, đặt biển quảng cáo,… từ lâu đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Ấy thế nhưng, theo thời gian, tình trạng này không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng trở nên nghiêm trọng, thậm chí trở thành “căn bệnh mãn tính”, cần phải có liều thuốc đặc trị.

Vì cuộc sống mưu sinh nhiều người dân bất chấp những quy định về việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè,... ngang nhiên chất hàng hóa chiếm gần hết nơi dành cho người đi bộ, thậm chí xuống dưới lòng đường gây cản trở tầm quan sát của các phương tiện tham gia giao thông. Cá biệt có trường hợp còn bán hàng ngay trên cầu, tạo thành một “chiếc bẫy” vô cùng nguy hiểm.

Nhiều tai nạn thương tâm cũng bắt nguồn từ đây. Rõ ràng việc mưu sinh của người dân lao động rất đáng trân trọng nhưng ý thức kém khi đậu ngay ngã tư, nơi phố đông đúc,... khiến họ vô tình trở thành nguyên nhân gây ùn tắc hay tệ hơn là gián tiếp gây tai nạn.

Đó là chưa kể đến một số hộ kinh doanh trưng bày sản phẩm, biển quảng cáo,... vô tội vạ. Dạo quanh một vòng, không khó để bắt gặp hình ảnh những cửa hàng bày bán đồ lấn ra các lòng đường, vỉa hè họ tận dụng hết mức có thể, một số hộ dân còn dựng dù che nắng, những tấm bảng hiệu quảng cáo ngay ngã tư đường, cua quẹo,...

Điển hình một số tuyến đường như: ngã tư Lê Đại Hành, Phó Cơ Điều, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ,... hàng quán san sát nối tiếp nhau tạo thành ma trận cho người đi đường.

Anh Trần Quang Vũ ngụ quận 11 cho biết, việc các hộ kinh doanh, cho đến những người bán hàng rong trên đường, đều không quan tâm đến sự nguy hiểm do bản thân mình gây ra cho các phương tiện khác, cứ thấy chỗ nào trống thì họ đẩy ra, nhất là tại các ngã tư lúc giờ cao điểm, phương tiện phải di chuyển rất chậm thì họ vẫn ngang nhiên đứng bán hàng.

Điều 12 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với hành vi lấn chiềm lòng, lề đường của các tổ chức cá nhân tùy theo mức độ vi phạm.

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điểm e Khoản 4 Điều này.

- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức có hành vi chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Để xe; trông, giữ xe; bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm d Khoản 4 Điều này.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 4; Điểm b Khoản 5; Điểm a Khoản 6 Điều này.

Loạt ảnh người dân lợi dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh bất chấp những quy định của các cơ quan chức năng, gây cản trở giao thông:

Bình luận (0)

Lên đầu trang