Trần Bạch Đằng với "Đổi mới"

Thứ Tư, 13/07/2016 16:26

|

(CAO) Là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà chính luận, nhà nghiên cứu lớn đồng chí Trần Bạch Đằng đã có nhiều tác phẩm để lại cho đời trước lúc đi xa .

Trong phạm vi bài viết kỷ niệm 90 năm ngày sinh của đồng chí Trần Bạch Đằng 15/7/1926 - 15/7/2016, đồng thời kỷ niệm 30 năm Đổi Mới (1986-2016) chúng tôi chỉ xin nêu một số điểm nhấn đặc sắc trong hơn 1000 trang sách của tác phẩm trên. (Trần Bạch Đằng, Đổi Mới đi lên từ thực tế, Nxb Trẻ, TPHCM, 2002).

Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng thắp hương tưởng nhớ nhà cách mạng, học giả Trần Bạch Đằng sáng ngày 12-7.

Phần I : Thôi thúc của Đổi Mới.​

Tác giả mở đầu Tuyển tập 25 năm bằng bài viết năm 1976, tức 1 năm sau ngày giải phóng 30/4/1975: ”Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giương cao ba khẩu hiệu: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Độc lập rất cần thiết, nhưng nếu chỉ giành Độc lập mà không có Tự do thì bản thân Độc lập mất ý nghĩa, vì trong trường hợp đó Độc lập chưa chắc thuộc về đông đảo nhân dân. Độc lập và Tự do mà không Hạnh phúc thì mới chỉ có Độc lập, Tự do một nửa, hoặc còn ít hơn. Quê hương phải sạch bóng quân thù, đồng bào phải dứt bỏ mọi gông xiềng, những người nô lệ phải trở thành người chủ của đất nước, và ai cũng phải có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Ba khẩu hiệu lớn đó là thèm muốn tột độ của Hồ Chủ tịch, là mục tiêu của Đảng ta, là bản chất của Cách mạng Việt Nam và là ruột gan của quần chúng Việt Nam.”…

Tác giả khẳng định: ”Chúng ta đang biến phần ước mơ – ước mơ hạnh phúc no đầy – thành hiện thực… Lần đầu tiên từ ngày lập quốc chúng ta có trong tay tất cả tiền đề cho một nước Việt Nam Tự do và Hạnh phúc “..

Tác giả kêu gọi: ”(Hiện nay) Câu chuyện hằng ngày của mỗi thanh niên phải xoay quanh chủ đề : Làm gì và làm thế nào để Việt Nam, tiền phong trong đấu tranh giành Độc lập và Tự do, trở thành tiền phong trong xây dựng một đất nước giàu đẹp và hùng cường” (Sđd, trang 22).

Chúng ta xúc động trước những trang sôi nổi, đầy nhiệt huyết của nhà lão thành cách mạng, và thực tế những ngày đầu sau giải phóng chúng ta đã có hàng hàng lớp lớp thanh niên xung phong trên nhiều trận địa.

Thế nhưng chúng ta đều biết rằng ngay sau ngày giải phóng, cuộc chiến tranh chống Khmer Đỏ xâm lược Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam kéo dài nhiều năm; cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đánh bại 600.000 quân Trung Quốc; chống trả cuộc bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây suốt 20 năm…; đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu những năm đầu thiên niên kỷ thứ ba, thế kỷ XXI…tất cả những tai họa đó đã gần như vắt kiệt một đất nước nghèo, vừa ra khỏi 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, những thử thách mà tưởng chừng không một đất nước nào có thể tồn tại trước bao nhiêu khó khăn khủng khiếp.

Thế nhưng Việt Nam đã đứng vững, và tiến lên.

Điều kỳ diệu là cũng chính trong năm đầu tiên đất nước chuyển qua xây dựng là chủ yếu, tác giả đã viết một bức thư dài gần 20 trang cho đồng chí Lê Duẩn, Tổng bí thư Trung ương Đảng (Bức thư đề ngày 23/9/1976), nhan đề: ”Vài suy nghĩ về chống quan liêu, thực hiện dân chủ và công tác tổ chức, cán bộ trong giai đoạn mới”.

Tác giả phân tích: “Quan liêu (dưới chế độ xã hội chủ nghĩa) là hiện tượng thường xảy ra khi Đảng vô sản giành được chính quyền, khi cuộc đấu tranh giai cấp chuyển sang một nội dung và một trạng thái khác trong đó giai cấp vô sản từ vị trí bị trị thành thống trị và Đảng của nó cầm quyền; khi mà sự huy động quần chúng đã có những phương tiện khác hơn là chỉ một mực giáo dục, giác ngộ, vận động; và quan trọng hơn cả khi mà trong hoàn cảnh đó Đảng không hay ít quan tâm đến việc giáo dục phẩm chất, đạo đức cán bộ, đảng viên; không hay ít bồi dưỡng nhiệt tình cách mạng cho họ và không hay ít chú ý đến việc phát động quần chúng làm chủ nhà nước của mình.”…

“Quan liêu không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, như luận điệu của bọn xấu, nhưng quan liêu là bức tường ngăn cách Đảng, nhà nước với nhân dân…và nguy hại lớn nhất là quan liêu không cho phép chúng ta đưa quần chúng lên địa vị làm chủ và do đó không tạo ra một khí thế cách mạng sâu sắc.”(Sđd, trang 28-46)

Đọc lại những bài viết cách đây 40 năm mà tác giả khái quát là sự “Thôi thúc của Đổi Mới”, lúc chúng ta mới bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, chúng ta thực sự kinh ngạc về tầm nhìn xa, trình độ sâu sắc của tác giả về qui luật xã hội trong điều kiện mới.

Phần II : Gian nan buổi đầu.

Trong Phần II của tác phẩm, được đề tựa là “Gian nan bước đầu”, tác giả nhắc lại lời của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh về Đổi Mới: ”Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta”. (Nguyễn Văn Linh, Đổi Mới để tiến lên, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội).

Tác giả nêu bật: “Dân chủ là sản phẩm của qui luật xã hội, là nhu cầu của con người, là sự thừa kế và phát triển liên tục của đời sống….Do đó không ngừng bồi dưỡng dân chủ là nhiệm vụ của chúng ta. Đừng bao giờ cho rằng chúng ta đã ở đỉnh cao của dân chủ…Trái lại dân chủ luôn thách thức trình độ và phẩm chất của mọi người, trước hết của người cộng sản, đặc biệt của người cộng sản cầm quyền.”(Sđd, trang 284).

Từ thực tế năm 1988 (2 năm sau Đại hội VI), tác giả đặt thẳng vấn đề: ”Trước hết dân chủ trong Đảng”. Nghị quyết Đại hội VI năm 1986 đã nhấn mạnh đến Đổi Mới, mà mặt cần làm ngay – và làm được ngay -, là dân chủ nội bộ….Tai họa trong Đảng hiện nay là chen lẫn quá nhiều phần tử thoái hóa, phần tử cơ hội, phần tử bất tài trong hàng ngũ, kể cả hàng ngũ giữ giềng mối. Việc đầu tiên là phải trục xuất số ăn bám, lợi dụng ấy ra khỏi Đảng, dứt khoát khôi phục ý nghĩa vào Đảng là gánh vác nghĩa vụ, là chịu khổ chịu khó, và hưởng thụ rất ít….Trong sạch hàng ngũ Đảng bao gồm trong sạch hóa hàng ngũ cán bộ, bất kể thuộc cấp nào. Ăn cắp, hối lộ, húng hiếp dân, cậy quyền ỷ thế, kéo bè kéo cánh…phải đuổi ra khỏi Đảng như “đuổi tà”……”

Bài viết về Dân chủ trên được tác giả viết từ năm 1988, đến nay đã gần 30 năm, mà nghe vẫn rất “thời sự”. Bởi trên mặt báo vừa qua, ngay trong năm 2016, xuất hiện nhan nhản những chuyện lộng quyền ngay sau Đại hội XII của Đảng, khiến đích thân Tổng bí thư phải ra chỉ thị thẩm tra thật ráo riết, làm đến nơi đến chốn…

Dân chủ trong Đảng có tác động tích cực đến dân chủ ngoài xã hội, nhất là lòng tin của dân vào Đảng.

Chúng ta đều nuôi lý tưởng: “Chủ nghĩa xã hội phải giải phóng con người, cho con người được tự do hoạt động và suy nghĩ, càng đa dạng càng tốt miễn cùng nhau nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh, công bằng và tiến lên giàu có”, tác giả khẳng định.

“Dân chủ là một cuộc cách mạng. Nó vật vã những ai quen”phán” đầy quyền lực, song nó lại là bước tiến của một xã hội văn minh, ở đây với sự lãnh đạo (lãnh đạo khác với cai trị) cuả Đảng, một xã hội văn minh tự giác. (Sđd , trang 289).

Trong bài “Dân chủ, Dân chủ và Dân chủ hơn nữa”(Xuân 1989) tác giả đặt câu hỏi: ”Tại sao…đất nước hoàn toàn giải phóng (đã nhiều năm) mà ở nông thôn, ở các nơi hẻo lánh, nảy nở nạn cường hào kinh khủng? Nguyên nhân không phải vì dân chủ quá trớn mà vì dân chủ chưa thực sự dân chủ, cấp trên chưa nêu gương nghiêm túc, tự thân chưa phải toàn tâm ý với dân chủ. Đổi Mới nửa vời bắt nguồn từ đó” (Sđd, trang 294).

Tác giả kết luận rất xác đáng:” Nhân dân ta cần Dân chủ, vận nước ta cần Dân chủ. Mọi bài toán hóc hiểm đến đâu vẫn tìm được đáp số qua Dân chủ. Dân chủ sẽ mang đến cơm áo, công bằng, đạo lý, tình thương, sáng tạo, cả an ninh và tinh thần bảo vệ Tổ quốc”.

“Vì Dân chủ đúng đắn không phải loại “Vô chính phủ”, mà Dân chủ được hướng dẫn và Dân chủ trong khuôn khổ luật pháp”. Nói cách khác: Tinh hoa của luật pháp chính là bản khế ước xã hội của một nền Dân chủ đích thực, thực chất giữa Nhà nước và công dân.

Đồng chí Trần Bạch Đằng tại một buổi nói chuyện- Ảnh: SGGP

Phần III : Chín năm cho một hồi sinh.

Phần thứ III của tác phẩm “Đổi Mới đi lên từ thực tế” gồm những bài được tác giả viết từ đầu năm 1992 cho đến năm 2000, những ngày chuẩn bị Đại hội IX của Đảng : ‘Chín năm cho một hồi sinh”, – năm 2000, thời điểm khởi đầu của thiên niên kỷ thứ 3, mở đầu thế kỷ XXI.

Tác giả nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của Đổi Mới, đó là chiến lược Con Người. “Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là nguồn lực con người Việt Nam, là sức mạnh nội sinh của chính bản thân dân tộc Việt Nam” (Lê Khả Phiêu,). Có vẻ như các Nghị quyết Đảng đều đề cập đến vấn đề này, nhưng có điều gì đó ngăn cản chiến lược cốt lõi này đạt hiệu quả, thậm chí có người còn bi quan hơn đối với các biểu hiện trầm trọng của tệ nạn xã hội, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, khi nói đến “chiến lược con người” sau hàng chục năm chúng ta giành được Độc lập.

Tác giả tạm khép lại Tuyển tập “Đổi Mới đi lên từ thực tế” bằng một bài viết từ tháng 4 năm 2000, tức “đêm trước” của Đại hội IX của Đảng (năm 2001). Bài viết nói lên “đôi điều trăn trở” của tác giả muốn xin được góp với Đại hội, với tinh thần “nói hết những gì cần nói” từ tấm lòng của một người trong hàng ngũ Đảng, như tác giả tâm sự. Bài viết khá dài (33 trang), chúng tôi chỉ xin ghi lại những nét chủ yếu :

Nội dung nghị quyết không nhất thiết dàn trải tất cả mọi vấn đề, mà cần “gom đầu mối” lại, mang tính khái quát, đồng thời phân tích “đến nơi đến chốn những mặt được và chưa được, trong đó tập trung cho nội dung Đổi Mới và chống Bảo thủ.

Bản chất của chế độ ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; tách từng vế ra để đi sâu vào thực chất: - Đảng lãnh đạo là chỉ ra phương hướng mang tính chiến lược, bản chất của vấn đề, không sa vào giải quyết từng việc cụ thể thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước; - Nhà nước quản lý xã hội bằng luật pháp; - Nhân dân làm chủ bằng việc “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”. Đảng, Nhà nước có trách nhiệm qui định thành chế độ, tạo điều kiện thực hiện “dân làm chủ” trong thực tế.Đại hội IX phải khác trước : là Đại hội hành động, tức không chỉ hô khẩu hiệu.

Hành động thiết thực trên mấy mặt sau: Tập trung trí tuệ, kinh nghiệm để giải quyết những thách đố mà nhân dân ta đang dối mặt.Chạy đua để Việt Nam sớm cất cánh, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Trang bị kỹ năng , giỏi chuyên môn, cả trong lao động chân tay hay trí óc.Trao đổi, chấp nhận, lắng nghe ý kiến khác của người trung thực, vì lợi ích của đất nước, dân tộc. (Loại trừ những ý xuyên tạc, bịa đặt của kẻ xấu, thù nghịch với chế độ) Đảng lãnh đạo Quốc hội làm đúng chức năng là cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân. Lãnh đạo các tổ chức xã hội, nghề nghiệp thể hiện tính dân chủ trong hệ thống chính trị của chế độ.

Bảo đảm Dân chủ trong Đảng. Dân chủ trong Đảng chủ đạo dân chủ xã hội. Cân bằng dân chủ và Kỷ cương; không để xảy ra oan sai.Qui định tính chất “nêu gương” của cán bộ chủ chốt, của các quan chức chính quyền. Kiên quyết hơn trong bài trừ tệ phe nhóm dung túng tham nhũng, quan liêu, ăn cắp, gian dối…Quan tâm những yếu tố nâng cao nội lực cụ thể: Vốn, công nghệ, tri thức, thiết bị mới…Nhân sự : Tuyển chọn người tài trong thời bình phải căn cứ vào các tiêu chí chính sau : trong sạch, có tâm lo cho xã hội, cương trực, giỏi làm giàu cho đất nước, được dân tin yêu…

Chúng ta đọc lại những dòng nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng viết cách đây hơn hai thập kỷ mà thấy đều hàm chứa những việc cần làm ngay trong hiện tại. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 đã làm sâu sắc thêm những nội dung của Đổi Mới qua 30 năm : Đại hội XII đã khẳng định : Công cuộc Đổi Mới mang tầm vóc cách mạng, nhằm cải biến toàn diện các mặt của đời sống xã hội. Nghị quyết Đại hội XII khẳng định mục tiêu phấn đấu do Đảng đề ra là : Thực hiện Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội Dân chủ, Công bằng, Văn minh, tức tiến đến thay đổi triệt để đời sống xã hội.

Chúng ta đều biết, dù còn nhiều sai sót, bất cập trong quản lý xã hội, nhưng kết quả cụ thể về nhiều mặt đối với mục tiêu trên đã có bước phát triển tốt.

Trong các thách thức hiện nay, điều nghiêm trọng là nhiều thách thức được dự báo từ các Đại hội trước vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí phát triển và đe dọa trở thành “quốc nạn”. Văn kiện Đại hội XII đã không né tránh những nhược điểm, tồn tại và đã chỉ ra phương hướng, biện pháp quan trọng để tiếp tục sự nghiệp Đổi Mới với chất lượng cao hơn. Đại hội cam kết với toàn Đảng, toàn dân nối tiếp các khâu đột phá mà quan trọng nhất là đột phá về thể chế, đột phá về nguồn nhân lực, chiến lược con người, đột phá về cơ sở kỹ thuật hạ tầng….

Chúng ta đã, đang nối tiếp và phát huy những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc, trong đó có những suy nghĩ tâm huyết của nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng. Kỷ niệm ngày sinh thứ 90 của đồng chí là dịp cho chúng ta tự kiểm điểm để nhận thức sâu sắc rằng những cái được và chưa được của Đổi Mới có phần trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Tiểu sử đồng chí TRẦN BẠCH ĐẰNG :

​TRẦN BẠCH ĐẰNG tên thật là Trương Gia Triều

Các bút danh : Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý

Sinh ngày 15-7-1926 tại Giồng Riềng, Rạch Giá (nay là Kiên Giang)

Dòng dõi chí sĩ Trương Gia Mô (bên nội) và nhà nho Trịnh Hoài Đức (bên ngoại)

Được nhà yêu nước Trần Hữu Độ (em rể của cha) khai tâm về chủ nghĩa xã hội.

Tự nhận xét : “Cái truyền thống học hành chữ nghĩa, yêu nước lâu đời của dòng họ, gia đình như thế đã tích tụ lại nơi tôi, nên tôi không có con đường nào khác là con đường làm cách mạng và cầm bút.” (Cuộc đời và ký ức, Nxb Trẻ, TPHCM, 2006, trang 17).

Vào Đảng cộng sản năm 1943 (17 tuổi), tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn trong Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong 30 năm kháng chiến (1945-1975), giữ nhiều cương vị lãnh đạo: Tổng thư ký Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ, trưởng Ban Thanh vận Xứ ủy Nam Bộ, chủ bút báo Nhân dân Miền Nam, phó trưởng Ban Tuyên huấn Xứ ủy và Ban Tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giài phóng Miền Nam Việt Nam, ủy viên Ban thường vụ Khu ủy Khu Sài Gòn-Gia Định, Bí thư Thành ủy…

Sau ngày giải phóng 30-4-1975, là phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM, chủ tịch Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, tổng biên tập công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2 tập), đồng chủ biên nhiều công trình nghiên cứu như Mùa Thu rồi ngày hăm ba (4 tập, về cuộc kháng chiến chống Pháp), Chung một bóng cờ (về cuộc kháng chiến chống Mỹ), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh(4 tập)…, tác giả các sách Chân dung một quản đốc (1978, đã dựng thành phim), Ván bài lật ngửa (1989, đã dựng thành phim) và nhiều tác phẩm khác.

Mất ngày 16-4-2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang