Hội Báo toàn quốc năm 2024:

Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp của Đảng và Nhân dân

Thứ Sáu, 15/03/2024 06:06

|

(CATP) Hội Báo toàn quốc năm nay có chủ đề: “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”, mang đậm tinh thần tiên phong, đổi mới của báo chí Việt Nam, đặc biệt về chuyển đổi số…

Hội Báo toàn quốc năm 2024 được tổ chức quy mô nhất từ trước đến nay, khai mạc vào lúc 8 giờ sáng 15/3, kéo dài đến 17/3 tại không gian mở trên tuyến đường Lê Lợi, Quận 1, TPHCM. Hội Báo có chủ đề: “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”, mang đậm tinh thần tiên phong, đổi mới của báo chí Việt Nam, đặc biệt về chuyển đổi số…

Hội Báo mang đậm tinh thần tiên phong, đổi mới

Sáng 15/3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND TPHCM khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024. Kể từ năm 2016, Hội Báo Xuân 5 năm tổ chức một lần được đổi tên thành Hội Báo toàn quốc được tổ chức thường niên và trở thành nét đẹp văn hóa của giới báo chí. Đây cũng là dịp tôn vinh những thành tựu to lớn của báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí hấp dẫn, gắn liền với hoạt động lao động, sáng tạo của đội ngũ những người làm báo.

 Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đến thăm gian trưng bày của Chuyên đề Công an TPHCM tại Hội Báo toàn quốc, vào tối 14/3. Ảnh: Đức Nam

Trong khuôn khổ Hội Báo, Diễn đàn báo chí toàn quốc cũng được tổ chức trong hai ngày 15 và 16/3 tại khách sạn Rex, với sự tham dự của hơn 60 diễn giả là các nhà báo có nhiều kinh nghiệm, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các chuyên gia truyền thông quốc tế… Hội Báo lần này mang đậm tinh thần tiên phong, đổi mới của báo chí Việt Nam, cũng là dịp tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa những người làm báo với công chúng.

Với chủ đề: “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp của Đảng và Nhân dân”, Hội Báo toàn quốc năm 2024 với nhiều điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, hiện đại của báo chí, thể hiện rõ chất lượng, quy mô của các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động triển lãm, trưng bày… cùng các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc trong suốt thời gian diễn ra Hội Báo.

Hội Báo toàn quốc năm nay quy tụ gần 300 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tại 63 tỉnh, TP trong cả nước với 185 gian trưng bày. Năm nay, Hội Báo lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn báo chí toàn quốc với các hoạt động nghiệp vụ quy mô, tầm vóc. Diễn đàn là sinh hoạt nghiệp vụ chất lượng cao với các phiên thảo luận về các chủ đề nóng được báo giới quan tâm như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; xây dựng môi trường văn hóa báo chí; báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn; năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI); phóng sự điều tra - hành trình làm điều có ích; mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo… Ngoài ra, Hội Báo còn mang đến cho công chúng những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, trao các giải thưởng báo chí…

 Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi, Phó trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM trả lời phỏng vấn Đài truyền hình TPHCM (HTV), tại gian trưng bày của Ban Chuyên đề CATP. Ảnh: Đức Nam

Chuyển đổi số: Hướng đến báo chí hiện đại, hiệu quả

Quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi trước hết cần phải nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, trong đó có nhiệm vụ kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí; xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, văn hóa báo chí của người làm báo.

Đảng đặt ra yêu cầu rất cao về phát triển đội ngũ người làm báo phải nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ; xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Để thực nhiện những nhiệm vụ với yêu cầu rất cao như vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu của chiến lược là: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.

Thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Đồng thời, là hoạt động phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chính trị như định hướng thông tin và định hướng dư luận trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam.

Chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và công nghệ phát triển vũ bão, thì chuyển đổi số vừa là nhu cầu, vừa là đòi hỏi khách quan của báo chí. Cơ quan báo chí phải thay đổi tư duy, đầu tư nguồn lực con người và công nghệ, tiến hành chuyển đổi số linh hoạt nhưng thực chất.

Trước yêu cầu đó, từ tháng 6/2023 Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Đây cũng là đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyển đổi số báo chí; kết nối cơ quan báo chí với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ…

 Gian trưng bày của Liên chi hội Nhà báo Bộ Công an, Báo Công an nhân dân tại Hội báo Toàn quốc 2024

Phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số

Gần 2 thập kỷ qua, đã có nhiều dự báo về sự cáo chung của báo giấy và các nền tảng báo chí truyền thống. Dự báo này ngày càng đến gần, hay nói chính xác hơn, đang rất hiện thực. Một khi độc giả ngày càng xa rời các nền tảng báo chí truyền thống, thì chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại. Thực tế cho đến nay độc giả đã chuyển sang các nền tảng mới, còn các cơ quan báo chí đang phải tìm giải pháp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả. Nếu làm được, tức thu hút được bạn đọc trên các nền tảng mới, báo chí sẽ tồn tại để có thể phát triển, thậm chí phát triển mạnh mẽ, tạo nên một nền báo chí số đa phương tiện rất hấp dẫn.

Thực tế chỉ vài năm gần đây, báo chí đã khác biệt so với hàng trăm năm trước và sẽ còn tiếp tục thay đổi triệt để về nội dung, cách chuyển tải. Do đó, các cơ quan báo chí phải chuyển đổi số mạnh mẽ và hiệu quả trên nền tảng báo chí số, đa phương tiện. Chỉ có làm tốt công tác chuyển đổi số thì mới có những sản phẩm báo chí hiện đại, giúp thu hẹp được khoảng cách giữa báo lớn và báo nhỏ mà khi còn là báo giấy không thể làm được.

Mục tiêu cơ bản của chiến lược chuyển đổi số báo chí là phát triển hệ thống báo chí Việt Nam theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò quan trọng trong định hướng thông tin, định hướng dư luận, phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả… Mục đích là để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin trong môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa ở mọi lúc, mọi nơi, không hạn chế về mặt thời gian, không gian, khoảng cách. Nói một cách khái quát, phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.

Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi là để phục vụ độc giả được tốt hơn, có nhiều độc giả hơn. Khi đó cơ quan báo chí sẽ làm tốt hơn chức năng thông tin, tuyên truyền của mình, đặc biệt sẽ làm tốt kinh tế báo chí. Nếu một tờ báo điện tử có hàng triệu người truy cập trong ngày; một thể loại báo đa phương tiện được bạn đọc tín nhiệm, đọc, nghe hàng ngày…, thì chất lượng quảng cáo trên trang này sẽ khác. Kinh tế báo chí có phát triển hay không là ở điều cốt tử này.

Loạt ảnh ấn tượng tại Hội Báo toàn quốc 2024 trước giờ khai mạc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang