Tích cực chuẩn bị 9 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7

Thứ Năm, 14/03/2024 15:41  | Thanh Hòa

|

(CAO) Cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập, sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang.

Sáng 14/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 31 để xem xét các nội dung và tiến hành chất vấn theo quy định.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong 3,5 ngày để cho ý kiến và xem xét, quyết định các nội dung quan trọng.

Về nhóm công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình và tiếp thu, chỉnh lý đối với 7 dự án luật trước khi trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Như vậy, cùng với 2 dự án Luật đã được cho ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 9 dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Trong đó, với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với đại diện lãnh đạo Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Phó Chủ tịch Trần Quang Phương đã có chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu rất căn cơ đối với dự án Luật này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ban hành Luật này là một cơ hội để hoàn thiện thể chế tốt nhất cho lĩnh vực phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp. Bên cạnh đó, các dự án luật khác đã được chuẩn bị và tiếp thu, chỉnh lý tối đa, trên cơ sở các chính sách đã trình đã có những thay đổi một cách rất sâu sắc cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập, sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính là công tác trọng tâm để thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện.

Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong thời kỳ mới, nước ta đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và việc thành lập các đô thị mới, các đơn vị như thị xã, thành phố là hết sức là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại phiên họp thứ 31, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với 7 dự án Luật

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày làm việc, ngày 18/3/2024 để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai nhóm vấn đề tài chính và ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, với tinh thần đã nêu trong Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các Ủy ban phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để làm rõ sự cần thiết, tiến độ công tác chuẩn bị để phân loại các nội dung dự kiến bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 7, làm rõ nội dung nào khả thi và cần phải tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, nội dung nào có thể giãn tiến độ để đưa sang Kỳ họp thứ 8, tránh tình trạng trình dồn trong cùng thời điểm nhưng chuẩn bị không đến nơi, đến chốn làm cho kỳ họp quá tải và chuẩn bị cũng không được kỹ lưỡng.

“Giải quyết những vấn đề cấp bách nhưng trên tinh thần kỹ lưỡng, đảm bảo được yêu cầu chung của hệ thống pháp luật, quan trọng là phải được chuẩn bị chu đáo, đủ trình tự, thủ tục”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang