(CAO) Ngày 19/3, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Chuyên đề xây dựng pháp luật năm 2024. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến Công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM chủ trì điểm cầu Công an TPHCM.
Theo báo cáo tổng quan về nhiệm vụ xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tuyên truyền các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trong năm 2023, Bộ Công an đã hoàn thành 88 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, trình Quốc hội thông qua 4 luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 1 nghị quyết, trình Chính phủ ban hành 6 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định; chủ trì, phối hợp liên ngành ban hành 3 thông tư liên tịch, ban hành theo thẩm quyền 71 thông tư.
Quang cảnh điểm cầu Công an TPHCM
Các văn bản quy phạm pháp luật về ANTT được xây dựng, ban hành đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương xây dựng lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ANTT giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, Bộ Công an còn tham gia xây dựng hơn 20 luật, pháp lệnh, nghị quyết, hàng trăm nghị định, thông tư khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Công an các đơn vị, địa phương nắm vững các quan điểm chỉ đạo, những vấn đề mang tính chiến lược về công tác xây dựng pháp luật xác định tại các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an.
Để đảm bảo tiến độ xây dựng 10 dự án luật, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị Công an các đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng cần quyết liệt hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, chủ động, tích cực, tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án luật, nghiên cứu kỹ lưỡng, dự đoán, đánh giá được những tình huống khó khăn phát sinh trong quá trình thẩm định, thẩm tra, thông qua các dự án luật để chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ sớm có phương án giải quyết.
Đối với nhiệm vụ xây dựng 135 văn bản dưới luật theo chương trình năm 2024, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ soạn thảo, tham gia ý kiến các văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị, địa phương. Tiếp tục rà soát, sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành để phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập và kịp thời đề xuất báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2024, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp triển khai thực hiện việc tăng cường theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng pháp luật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về ANTT của Bộ Công an. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất gia nhập, ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế đa phương và song phương về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù...