Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: “Không thể tay không bắt… chip”!

Thứ Tư, 01/11/2023 14:38

|

(CAO) Là ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng vi mạch, bán dẫn.

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo rõ hơn về tình hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành GDĐT thấy rõ đây là trọng trách, sứ mệnh để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo ông, ngành đã nhận kế hoạch của Thủ tướng và lên kế hoạch triển khai trong lĩnh vực này.

“Dự tính cần 50.000 - 100.000 nhân lực, trong đó, yêu cầu nhiều trình độ, chuyên môn nhưng ưu tiên cho nhóm nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn” - Bộ trưởng Sơn thông tin.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội

Ông cũng cho biết, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần đối với lĩnh vực này. Trong đó, những ngành gần là công nghệ thông tin, điện tử viễn thông... thì sinh viên có chuyển đổi là có ngay nhân lực đảm nhiệm.

Vẫn theo Bộ trưởng, các trường đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thiết kế chương trình. Ngày 19/10, tại Đà Nẵng, Bộ đã tổ chức hội nghị để triển khai công việc quan trọng này.

“Hiện đang tăng cường đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để có thể đảm nhiệm công việc này” – ông Sơn nói.

Cạnh đó, theo Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT đã ký hiệp định với Intel, nhiều doanh nghiệp để xác định chính xác nguồn nhân lực cho các nhóm và có những đào tạo sát, tránh ào ào đào tạo lại thừa.

“Dự kiến trong năm 2024, tuyển sinh trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên, sẽ tăng dần 20-30% hằng năm” - Bộ trưởng thông tin.

Với sự tập trung cao độ, giải quyết các vướng mắc, đến năm 2030, Bộ trưởng dự kiến con số có thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, nêu rõ đây là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nên lãnh đạo Bộ GD-ĐT mong được đầu tư cao, chứ “không thể tay không bắt chip”.

Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư các phòng thực hành để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nêu ý kiến thảo luận

Thảo luận trước đó về nội dung trên, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho biết, tháng 9/2023, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp Đối tác chiến lược toàn diện, theo đó hai bên quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo đại biểu, phía Mỹ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Do đó, trong thời gian tới tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam rất lớn với nhiều cơ hội thu hút đầu tư, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn quốc tế của Mỹ và các đối tác khác.

“Tôi cho rằng đây là một cơ hội rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam và cần được xem xét quan tâm, khai thác thích đáng” - đại biểu Cường nhìn nhận.

Ông ghi nhận Chính phủ đã quan tâm, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến 2030.

Tuy nhiên, để chính sách có thể thực thi được, đại biểu Cường lưu ý, cần cụ thể hóa chủ trương này bằng các cơ chế, chính sách mang tính đột phá để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

Đồng thời, theo đại biểu, cần có cơ chế, chính sách cho phép sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng các trụ sở để các đơn vị, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm về công nghệ có thể thuê để đào tạo nguồn nhân lực ngành sản xuất chip bán dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Nhận định nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế…, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) chỉ ra, hiện Việt Nam đang “khát” nguồn nhân lực này.

“Vậy chúng ta sẽ làm gì để phát triển nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động cho bước đi tiếp theo ngay trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2025?” – đại biểu Khải nêu câu hỏi.

Với việc quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng cấp, đại biểu của Hà Nam lưu ý, “chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội quý giá này”.

“Tôi tin rằng Việt Nam sẽ khác biệt và thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên số, nếu chúng ta kịp thời có những chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” – ông Khải bày tỏ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang