Tăng cường kiểm tra sau hoàn thuế với những lĩnh vực được cảnh báo rủi ro

Thứ Tư, 01/11/2023 08:32

|

(CAO) Tính trung bình hàng năm, số hồ sơ được giải quyết hoàn thuế chiếm khoảng 90% tổng số hồ sơ đề nghị hoàn, trong đó, khoảng 80% số hồ sơ được hoàn trước, số còn lại 20% là thực hiện kiểm trước.

Thông tin về kết quả hoàn thuế, Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho hay, từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành thuế đã tiếp nhận 101.426 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT, tương ứng số thuế đề nghị hoàn là 712.680 tỷ đồng; đã giải quyết hoàn thuế đối với 96.046 hồ sơ, tương ứng số tiền thuế đã hoàn là 646.205 tỷ đồng.

Tính trung bình hàng năm, số hồ sơ được giải quyết hoàn thuế chiếm khoảng 90% tổng số hồ sơ đề nghị hoàn, trong đó, khoảng 80% số hồ sơ được hoàn trước, số còn lại 20% là thực hiện kiểm trước.

Số trường hợp không được giải quyết hoàn mỗi năm (do không đáp ứng điều kiện) chiếm khoảng 3-5% số hồ sơ đề nghị hoàn và 5-7% số tiền đề nghị hoàn. Số chưa giải quyết xong chuyển tiếp sang năm sau chiếm khoảng 4-7% số hồ sơ đề nghị hoàn.

Tỷ lệ số hồ sơ được thanh tra, kiểm tra sau hoàn mỗi năm dao động trong khoảng 30%-50% tổng số hồ sơ hoàn trước, số tiền phát hiện khi thanh tra, kiểm tra sau hoàn không thay đổi lớn qua các năm, dao động trong khoảng 0,2-0,5% số tiền hoàn trước.

Tỷ lệ kiểm tra sau hoàn thay đổi đáng kể qua các năm, có những năm không thật sự cao, cho thấy sự cần thiết phải phân loại hồ sơ để bảo đảm thực hiện kiểm tra/thanh tra sau hoàn đối với những hồ sơ có độ rủi ro cao hơn trong số những hồ sơ đã được hoàn trước.

Một điều tương đối rõ qua các số liệu, theo cơ quan của Quốc hội, là việc giải quyết hoàn thuế trong năm 2022 và nhất là 6 tháng đầu năm 2023 chậm hơn so với các năm trước đó. Số hồ sơ hoàn đã giải quyết chỉ đạt 79% số hồ sơ đề nghị, trong đó, tỷ lệ số hồ sơ kiểm trước tăng cao hơn so với các năm trước (25%).

Ngoài 4% hồ sơ được cơ quan thuế (CQT) trả lời không/chưa đủ điều kiện hoàn, thì tại thời điểm 31/6/2023, số hồ sơ tồn - vẫn đang trong quá trình giải quyết của CQT và chưa được hoàn là 1.839 hồ sơ, chiếm 17% số hồ sơ đề nghị hoàn.

Số hồ sơ tồn này, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến 31/8/2023 đã được giải quyết một cách đáng kể và chỉ còn lại 647 hồ sơ, trong đó có 50 hồ sơ vướng mắc về mặt chính sách đang chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính), 30 hồ sơ chuyển cơ quan công an phối hợp điều tra, xác minh.

45 hồ sơ gửi CQT nước ngoài hỗ trợ trao đổi thông tin, 67 hồ sơ có văn bản đề nghị gia hạn thời gian kiểm tra, các hồ sơ còn lại vẫn đang được kiểm tra xác minh hoá đơn, xác minh nguồn gốc hàng hoá.

“Đây là những hồ sơ tồn đang rất khó có thể giải quyết nếu không có cách tiếp cận rõ ràng và phù hợp” - cơ quan giám sát nêu.

Trên cơ sở đánh giá các nguyên nhân thực chất của tình trạng vướng mắc trong hoàn thuế GTGT thời gian qua, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện văn bản pháp luật về hoàn thuế GTGT và sớm có phương án bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi nội dung quy định liên quan của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế GTGT một cách phù hợp để khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tập trung xử lý một số nội dung sau để giải quyết triệt để các vướng mắc và nâng cao hiệu quả của công tác hoàn thuế GTGT.

Cụ thể, khẩn trương đến 31/12/2023 hoàn thành việc rà soát tổng thể các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuế đã ban hành về hoàn thuế GTGT để có biện pháp điều chỉnh phù hợp và bảo đảm tính hệ thống và phù hợp các nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên phân loại người nộp thuế (NNT) về mức độ tuân thủ mức độ rủi ro, đã được quy định tại Luật Quản lý thuế.

Trước ngày 31/12/2023, theo Uỷ ban TCNS, cần giải quyết, xử lý dứt điểm số hồ sơ đề nghị hoàn còn tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu đang gặp vướng mắc, đặc biệt là đối với các hồ sơ đã dừng hoàn trong một thời gian dài gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Đối với các trường hợp không có cơ sở để dừng hoàn theo quy định của pháp luật, đề nghị cơ quan thuế có văn bản trả lời rõ ràng về việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, theo đó ban hành quyết định hoàn nếu đã đủ điều kiện.

Trường hợp CQT cho rằng không đủ điều kiện hoàn thì ban hành văn bản về việc không giải quyết hoàn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Trong trường hợp doanh nghiệp không đồng tình với quyết định của CQT thì tiếp tục giải quyết theo quy trình khiếu nại và thủ tục tố tụng hành chính (nếu cần thiết) theo đúng các quy định pháp luật về quản lý thuế hiện hành.

Đồng thời, với việc giải quyết các hồ sơ hoàn thuế, thường trực Uỷ ban TCNS đề nghị ngành thuế có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra sau hoàn thuế đối với những lĩnh vực được cảnh báo rủi ro.

Bình luận (0)

Lên đầu trang