Nghiên cứu, đề xuất dự án đường ven biển kết nối Đông Nam Bộ với ĐBSCL

Thứ Ba, 31/10/2023 14:09

|

(CAO) Nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án liên kết vùng, như dự án đường ven biển từ nguồn vốn vay ODA, kết nối 7 tỉnh ven biển của vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ để mở rộng không gian phát triển của vùng ĐBSCL về hướng Đông.

Chiều 31/10, Quốc hội bắt đầu tiến hành thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đầu tư công…

Trước phiên thảo luận, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) đã có văn bản gửi các đại biểu Quốc hội giải trình về ý kiến ĐB tại phiên thảo luận tổ.

Tại phiên thảo luận này, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để thúc đẩy sự liên kết trong phát triển giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hồi âm đại biểu, Bộ KHĐT cho biết, thực hiện các Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Các nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ mốc khởi công, thực hiện các dự án là trong giai đoạn 2021-2025, như dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng; dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang…

Nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án liên kết vùng như dự án đường ven biển từ nguồn vốn vay ODA, kết nối 7 tỉnh ven biển của vùng ĐBSCL (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang) với vùng Đông Nam Bộ để mở rộng không gian phát triển của vùng ĐBSCL về hướng Đông.

Thời gian tới, Bộ KHĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định một số nội dung nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai các dự án liên kết giữa 2 vùng.

Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, cơ quan chức năng sẽ rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kiến nghị đẩy nhanh tiến độ một số dự án liên kết vùng đang được quy hoạch thực hiện sau năm 2030 sang thực hiện trước năm 2030…

Cũng tại báo cáo giải trình, Bộ KHĐT cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chú trọng kiểm soát lạm phát trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương.

Chỉ ra các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Bộ KHĐT phản ánh có yếu tố thuận lợi khi lạm phát quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo chậm lại, qua đó hạn chế áp lực “lạm phát nhập khẩu” đối với chi phí sinh hoạt và sản xuất ở Việt Nam…

Bộ KHĐT cũng nhận định giá lương thực, thực phẩm trong nước chịu áp lực tăng theo xu hướng giá thế giới trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trong khi đó, giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu biến động khó lường và dự kiến trong năm 2024 tiếp tục tăng; kinh tế phục hồi và tăng trưởng có thể tạo sức ép lên lạm phát.

Ngoài ra, còn một số thách thức đến từ rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thời tiết bất lợi và việc chấm dứt một số chính sách hỗ trợ giá của Chính phủ sau năm 2023 (như giảm thuế VAT, giảm thuế bảo vệ môi trường đổi với xăng dầu) khiến giá hàng hóa có thể tăng trở lại trong năm 2024.

“Việc kiểm soát lạm phát năm 2024 đan xen thuận lợi và khó khăn, đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước; các chính sách kinh tế vĩ mô phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phản ứng kịp thời trước diễn biến bất lợi làm gia tăng áp lực lạm phát” - báo cáo nêu.

Đưa ra giải pháp kiểm soát lạm phát, Bộ này cho biết sẽ chỉ đạo triển khai chính sách quản lý giá thận trọng, hợp lý và chủ động, bám sát diễn biến thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo để điều chỉnh phù hợp, góp phần đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Trong đó, chú trọng việc xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

“Việc thông báo sớm lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng cũng cần được chú trọng để tránh bị động trong phối hợp chính sách”, theo Bộ KHĐT.

Giải pháp nữa, là đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phổi hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng Nga – Ukraine khó lường, phức tạp.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh cần sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có những cú sốc bất ngờ xảy ra…

Bình luận (0)

Lên đầu trang