Điều chỉnh chính sách để 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt chất lượng như kỳ vọng

Thứ Hai, 30/10/2023 22:22

|

(CAO) Ghi nhận thực tế có tình trạng không muốn đạt chuẩn, lo đạt chuẩn sẽ mất đi nguồn lực, hay thoát nghèo thì bị mất chính sách, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho sẽ điều chỉnh chính sách để sau khi có thụ hưởng chương trình mọi người có động lực để tự vươn lên.

Giải trình vào cuối phiên thảo luận về kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia hôm nay (30/10), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, so với kỳ họp trước, đến nay việc triển khai chương trình đã có những chuyển biến rất tích cực.

“Đặc biệt là cơ chế, chính sách để ứng xử với nguồn vốn đầu tư phát triển được giải quyết cơ bản” – Phó Thủ tướng cho biết.

Khái quát lại 7 nhóm vấn đề được các đại biểu nêu ra, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói, nội dung được đề cập nhiều nhất là vấn đề phân cấp.

Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về 3 chương trình mục tiêu quốc gia

“Việc này chúng tôi đã ứng xử và lĩnh hội ngay từ đầu. Trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, tất cả những sửa đổi văn bản đều tuân thủ theo nguyên tắc này và thực sự nó đã đem lại kết quả” – Phó Thủ tướng phản ánh.

Theo ông Quang, khi cùng một cấp thẩm quyền quyết đã giúp cho các địa phương có thể lồng ghép các chương trình một cách thuận lợi hơn.

Tới đây, ông Quang thông tin, có thể cho một địa phương lựa chọn một cấp huyện để thí điểm “trộn” nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia với nhau.

“Nếu như nguồn vốn sự nghiệp mà dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển, tôi nghĩ như vậy sẽ tháo được nút thắt rất lớn” – ông Quang nhận định.

Giải thích lý do mỗi tỉnh chỉ thí điểm một huyện, ông Quang chỉ ra, do có sự xung đột giữa Luật Ngân sách và Luật Đầu tư.

Đề cập đến mối quan tâm của đại biểu về tỷ lệ vốn trung ương và địa phương, Phó Thủ tướng cho hay, mỗi chương trình đều có một tỷ lệ nhất định. Trong điều kiện nguồn thu khó, ông Quang rất chia sẻ với khó khăn của các địa phương.

Đối với việc chuyển vốn, ông Quang cho biết, nguyên tắc là cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm 2023. Dù vậy, muốn làm được thì ở kỳ họp này phải giải quyết được cơ chế đặc thù.

“Với tình trạng đó, chúng ta còn tháng 11, tháng 12 và tháng Giêng của năm sau để giải ngân vốn của năm 2022. Tuy nhiên, theo tinh thần chung, có lẽ một phiên họp gần nhất nếu sớm cũng phải tháng Giêng năm 2024, cho nên mong muốn Quốc hội cho phép được chuyển nguồn năm 2022 đến ngày 31/12/2024” – Phó Thủ tướng đề nghị.

Nếu không, ông Quang chia sẻ, sẽ bị cắt khoảng 13.000 tỷ đồng mà chủ yếu là vốn sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội

Trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu thì lớn lao, Phó Thủ tướng lo lắng, nếu bị cắt khoản khoản trên sẽ “cảm thấy rất có trách nhiệm, rất băn khoăn, lo lắng mà việc bổ sung vốn của giai đoạn sau này hầu như là không thể”.

“Chúng tôi đề nghị việc này cũng ngại, vì nó vi phạm nguyên tắc là chúng ta không ứng xử đúng mực với chuyện quản lý và sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, mong mọi người xem đây là một trường hợp hết sức đặc biệt” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ.

Liên quan đến kiến nghị của các đại biểu về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu đối tượng, ông Quang nhìn nhận, còn 10 vấn đề. Trong tháng 11 tới và đặc biệt phiên họp thường kỳ tháng 11, Phó Thủ tướng chia sẻ, Chính phủ sẽ giải quyết 2 nội dung, cơ bản hơn một nửa nội dung sẽ được giải quyết trong tháng 11, còn gần một nửa sẽ giải quyết vào trong cơ chế đặc thù đã trình Quốc hội.

“Ví dụ Chương trình giảm nghèo bền vững phải rõ khái niệm thu nhập thấp, phải rõ đơn vị thụ hưởng nguồn vốn trong chính sách đào tạo nghề. Chương trình mục tiêu nông thôn mới là bộ tiêu chí về nông thôn mới nâng cao…” – ông Quang phân tích.

Lãnh đạo Chính phủ cũng ghi nhận thực tế có nơi không muốn đạt chuẩn, lo đạt chuẩn sẽ mất đi nguồn lực, hay thoát nghèo thì bị mất chính sách. Để khắc phục, ông nói, sẽ điều chỉnh chính sách để sau khi có thụ hưởng chương trình mọi người có động lực để tự vươn lên.

“Nhưng cũng mong chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội vận động bà con, những người được thụ hưởng dự án, thụ hưởng những chương trình này phải có một tâm thế mới hơn, tích cực hơn để vượt qua sự ỷ lại thì chúng ta mới có được kết quả tốt đẹp” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho biết qua đợt giám sát, vấn đề giải ngân cho 3 chương trình được đặt ra nhiều, song Phó Thủ tướng lưu ý, điều cực kỳ quan trọng nữa chính là chất lượng đầu tư, chất lượng của sự hỗ trợ.

Từ thực tế này, ông Quang khẳng định, giải pháp cần quan tâm là điều chỉnh chính sách cho hợp lý, cộng với kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động để chất lượng đầu tư tốt hơn, đúng như kỳ vọng.

Hồi âm nội dung cuối cùng được các đại biểu đặt ra là có những văn bản hướng dẫn “đọc không hiểu, không biết đường nào làm”, Phó Thủ tướng ghi nhận để kiểm tra lại theo trách nhiệm.

“Nhưng cũng xin phản hồi lại, có khi không đúng trong bình diện chung. Bởi vì chúng tôi lập ra ứng dụng Zalo để mọi người trao đổi thì rất hiếm khi mọi người vào. Chúng tôi cung cấp đường dây nóng thì bị “ế”, vì không có ai điện” – Phó Thủ tướng phản ánh.

Ông mong các địa phương xem xét lại và cho rằng, với quyết tâm cao thì mới có thể hoàn thành được mục tiêu.

“Mọi việc vẫn còn ở phía trước với không ít khó khăn. Tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành để chúng ta cùng nỗ lực, cố gắng và để cuối nhiệm kỳ chúng ta đạt được mục tiêu như đã đề ra” – Phó Thủ tướng chốt lại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang