Thủ tướng dự Lễ ký kết và triển khai chuỗi Dự án Khí-Điện Lô B-Ô Môn trị giá gần 12 tỷ USD

Thứ Hai, 30/10/2023 14:10

|

(CAO) Thủ tướng Chính phủ tin tưởng sau hơn 20 năm đàm phán, vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, Chuỗi dự án quy mô gần 12 tỷ USD này sẽ được triển khai theo kế hoạch và đạt được những thành công như kỳ vọng.

Sáng 30/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ ký kết và triển khai chuỗi Dự án Khí-Điện Lô B-Ô Môn giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cùng các đối tác.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng sau hơn 20 năm đàm phán, vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, Chuỗi dự án quy mô gần 12 tỷ USD này sẽ được triển khai theo kế hoạch và đạt được những thành công như kỳ vọng.

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan; Đại sứ các nước Nhật Bản, Thái Lan tại Việt Nam; lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chứng kiến ký kết thoả thuận khung Lô B. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chuỗi Dự án Khí-Điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa (khu vực phía Nam) bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B-Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD.

Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800MW. Đây là dự án trọng điểm của Nhà nước, dự tính mang lại nguồn thu khoảng 30 tỷ USD cho Nhà nước và khoảng 11 tỷ USD cho các đối tác.

Dự án còn góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo.

Cùng với đó, các dự án thành phần thuộc chuỗi dự án trong quá trình xây dựng sẽ tạo thêm cơ sở hạ tầng, tạo hàng nghìn việc làm, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương.

Chuỗi dự án tạo ra nguồn lực lớn hỗ trợ Chính phủ trong lộ trình thực hiện đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Theo Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng, thời gian qua, vì nhiều lý do khách quan như địa hình phức tạp, quy mô rộng lớn, vướng mắc trong cơ chế chính sách về thủ tục đầu tư các dự án nhà máy điện hạ nguồn, về tiêu thụ khí điện, vận hành thị trường điện..., dẫn đến nhiều mốc tiến độ quan trọng của chuỗi bị chậm so với kế hoạch ban đầu.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự quyết tâm của PetroVietnam và toàn bộ các bên trong Chuỗi dự án, nhiều vấn đề vướng mắc đã từng bước được giải quyết với phương châm "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ."

Tháng 6/2023, nhận thấy những khó khăn tại dự án Nhà máy điện Ô Môn III & IV, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao PetroVietnam chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án này; đánh dấu mốc quan trọng khi PetroVietnam tham gia đầu tư vào toàn Chuỗi dự án từ thượng nguồn tới hạ nguồn.

Đại diện các đối tác của PetroVietnam trong thực hiện Chuỗi dự án khí điện lô B-Ô Môn gồm: Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản), Tập đoàn MOECO (Nhật Bản) và Tập đoàn PTTEP (Thái Lan) bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện, giải quyết các vướng mắc tại chuỗi dự án để các bên đi đến ký kết triển khai dự án; đồng thời cam kết thực hiện nghiêm các quy định, mang đến các dịch vụ với chất lượng tốt nhất, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, số liệu ổn định hàng đầu thế giới; tin tưởng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bên sẽ thể thực hiện hiệu quả dự án như mong đợi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ ký kết. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết chuỗi Dự án Khí-Điện Lô B-Ô Môn là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí, là Chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Chuỗi dự án đã trải qua gần 20 năm đàm phán và chuẩn bị đầu tư với rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục; chậm triển khai vì những lý do cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chính.

Thủ tướng cho biết kế thừa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua các nhiệm kỳ, lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát thực tế, lắng nghe, thảo luận với các đối tác và báo cáo xin ý kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần về Chuỗi dự án này.

Trên cơ sở đó và với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, giải quyết toàn bộ các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền; cùng với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước và các bộ, cơ quan, địa phương, sự quyết tâm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Đối tác, chúng ta đã có kết quả ký kết và triển khai Chuỗi Dự án này, đây là dấu mốc hết sức quan trọng, được chờ đợi rất lâu của nhân dân, Chính phủ và các bên liên quan.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Đối tác đầu tư, sự hỗ trợ, giải quyết kịp thời của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc thúc đẩy, tổ chức thực hiện Chuỗi Dự án Khí-Điện Lô B-Ô Môn có được kết quả ngày hôm nay.

Theo Thủ tướng, trong chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, Đảng, Nhà nước rất chú trọng tới việc phát triển bền vững ngành Dầu khí, nhất là phát triển công nghiệp khí. Trong đó, khuyến khích việc đầu tư khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, nhất là vùng nước sâu, xa bờ; ưu tiên đưa khí tự nhiên khai thác từ thềm lục địa Việt Nam về cho sản xuất điện, công nghiệp, dân dụng.

Chuỗi Dự án Khí-Điện Lô B-Ô Môn là tổ hợp các dự án quy mô lớn, có tầm quan trọng chiến lược trong cân đối cung cầu năng lượng trong giai đoạn sau năm 2025 của khu vực miền Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Trong Chiến lược Phát triển Năng lượng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Đảng, Nhà nước rất chú trọng tới việc phát triển bền vững ngành dầu khí.

Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ, khuyến khích các hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các các nhà đầu tư, các tập đoàn/công ty trong lĩnh vực dịch vụ trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của các bên.

"Đảng và Nhà nước mong muốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các nhà đầu tư trong chuỗi cùng các địa phương hợp tác, hỗ trợ nhau, đẩy mạnh liên kết vùng để thúc đẩy khu vực kinh tế Tây Nam Bộ phát triển," Thủ tướng chỉ rõ.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Lê Mạnh Hùng báo cáo về chuỗi dự án khí điện Lô B-Ô Môn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cho rằng Chuỗi dự án còn chặng đường dài và khó khăn trước mắt, với khối lượng công việc còn rất lớn, Thủ tướng mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan thẩm quyền liên quan luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các khó khăn vướng mắc tồn tại để hỗ trợ Chuỗi dự án nói chung và Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực cùng các nhà đầu tư trong chuỗi nói riêng.

Đối với các bên đối tác Nhật Bản, Thái Lan và các nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí Việt Nam và quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong các bên cùng hỗ trợ, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để triển khai các công việc đầy khó khăn, thách thức thời gian tới.

"Chủ trương của Việt Nam là luôn luôn tạo thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, trên tinh thần "hài hòa lợi ích giữ nhà nước, người dân, doanh nghiệp," Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng với truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm, không ngại gian khó của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cùng sự tin tưởng, hợp tác lâu dài với các bên đối tác, Chuỗi dự án sẽ được triển khai theo kế hoạch, đạt được những thành công như kỳ vọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; cùng chung sức tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Thái Lan.

Tại buổi lễ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các Đại sứ, PetroVietnam và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng: Thỏa thuận khung Lô B giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Các đối tác MOECO và PTTEP; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng Bán khí Ô Môn I giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty phát điện 2 (EVNGENCO2); Ký kết trao thầu Hợp đồng EPCI#1 giữa Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc và Liên danh tổng thầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang