Quốc hội thảo luận về dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở:

Đáp ứng đòi hỏi về bảo vệ ANTT ở cơ sở

Thứ Bảy, 28/10/2023 08:43  | Hải Triều

|

(CATP) Dự luật đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi cấp bách về bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, nhất là trước thực trạng và tình hình đã, đang diễn biến phức tạp với nhiều loại tội phạm cùng hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở hiện nay.

Tiếp thu tối đa

Phiên thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở diễn ra sáng 27/10 ghi nhận sự tán thành cao của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Theo ĐB Đào Hồng Vận (Hưng Yên), dự thảo trình QH tại kỳ họp lần này đã tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của ĐBQH tại kỳ họp thứ 5 và tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. "Sau khi tiếp thu ý kiến ĐB, hoàn chỉnh dự thảo, dự luật đủ điều kiện để thông qua tại kỳ họp thứ 6" - ĐB Vận khẳng định.

Nhìn nhận dự án luật "rất đột phá và thiết thực", ĐB Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) đánh giá, dự luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trong bối cảnh mới.

"Nếu dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thông qua sẽ giúp huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ lực lượng Công an (CA) trong công cuộc giữ gìn ANTT" - ĐB Phước chỉ ra.

Ở dự thảo lần này, ĐB đánh giá, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định. Qua đánh giá chế độ chính sách, kinh phí và nguồn nhân lực, nữ ĐB của Kon Tum cho rằng, việc ban hành luật sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không tăng về kinh phí, bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay của các địa phương.

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình, tiếp thu dự án luật

Cũng nhất trí sự cần thiết ban hành luật, ĐB Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật. "Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý kiện toàn thống nhất các lực lượng hiện đang hoạt động ở cơ sở bao gồm 3 lực lượng: Bảo vệ dân phố; CA xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng thành một lực lượng" - bà Hảo nhìn nhận. Dẫn thực tế một số vụ việc xảy ra ở cơ sở gây mất ANTT thời gian qua, ĐB Hảo nhấn mạnh, rất cần thiết phải sắp xếp, tổ chức và phát huy mạnh mẽ hiệu quả hoạt động của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Từ thực tiễn công tác tại Tây Nguyên, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, dự luật được trình và dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này là đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi cấp bách về bảo vệ ANTT ở cơ sở, nhất là trước thực trạng và tình hình đã, đang diễn biến phức tạp với nhiều loại tội phạm cùng hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở hiện nay.

Bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng

Nhận thấy dự luật đã quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ..., ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị cần bổ sung "quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở" vào phạm vi điều chỉnh. Bên cạnh các chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ đối với người tham gia Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được quy định tại dự thảo luật, ĐB Lam cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu việc chi trả chính sách cho lực lượng này bằng mức lương cụ thể, tính hệ số lương, để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và thu hút được các đối tượng tham gia tích cực, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh tội phạm ngày càng manh động, liều lĩnh, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ, ĐB Lam lưu ý về độ tuổi của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Chung quan điểm, ĐB Dương Khắc Mai cho rằng cần quy định độ tuổi tối đa đối với nam và nữ, bảo đảm tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe để đáp ứng công việc.

Quang cảnh phiên họp

Trước băn khoăn của các ĐB về độ tuổi tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, ĐB Nguyễn Việt Nga (Hải Dương) chỉ ra, dự thảo luật đã có những quy định rất cụ thể về điều kiện sức khỏe. Cụ thể, lực lượng này không chỉ hỗ trợ lực lượng CA xã trong các sự vụ cụ thể như chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tuần tra bảo đảm ANTT, ATGT..., mà còn hỗ trợ CA xã nắm tình hình ANTT, hỗ trợ vận động, giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở...

"Đây là những nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt và phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa nên các lực lượng tại chỗ, đặc biệt với một số địa bàn như miền núi, Tây Nguyên - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa bàn rộng thì vai trò nắm tình hình, vận động quần chúng nhân dân của những người có uy tín trong cộng đồng, thường là các bậc cao niên, già làng, trưởng bản... là vô cùng quan trọng" - bà Nga phân tích. Theo bà Nga, nếu quy định "cứng" độ tuổi tham gia sẽ rất khó khăn trong việc tuyển chọn người có đủ uy tín, hiểu biết ở cộng đồng vào lực lương.

Tương tự, ĐB Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) tán thành không khống chế độ tuổi của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Lý do, ông Dũng nói, quan trọng là những người tham gia đủ điều kiện sức khỏe, đủ điều kiện tinh thần và trách nhiệm cộng đồng.

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến ĐB vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ CA Tô Lâm thông tin, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV, sau đó được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 25 vào tháng 8/2023, xin ý kiến các ĐBQH chuyên trách.

"Cơ quan thẩm tra của QH đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan, tổ chức liên quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở đồng thuận, nhất trí cao. Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, đa số ĐB đều nhất trí cần thiết ban hành luật" - Bộ trưởng Tô Lâm phản ánh.

Khái quát lại nội dung thảo luận, Bộ trưởng Tô Lâm nói, các ĐBQH đã tập trung cho ý kiến về các nội dung khác nhau của dự thảo luật, gồm tên gọi, phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng này; chế độ chính sách; xây dựng bố trí lực lượng, bảo đảm các điều kiện hoạt động của lực lượng; về Tổ bảo vệ an ninh, tổ chức ở cơ sở, công tác chỉ đạo, quan hệ giữa các lực lượng, trách nhiệm của các lực lượng phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; quan hệ giữa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với các tổ chức bảo vệ dân phố, dân phòng hiện nay... bảo đảm ngân sách và các phương tiện của lực lượng này; tiêu chuẩn, nghĩa vụ, trách nhiệm của người tham gia.

"Đây là những nội dung Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật" - Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ và cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đã bảo đảm sự thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở khảo sát, đánh giá toàn diện, khách quan để xây dựng các nội dung của dự thảo luật bảo đảm tính khả thi.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn ý kiến của các ĐBQH. Ông khẳng định, Bộ CA sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Không tăng nhân sự, không tăng kinh phí

Thay mặt UBTVQH báo cáo tiếp thu, giải trình dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn báo cáo, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ ANTT, không thực hiện chức năng quản lý, không thuộc bộ máy Nhà nước. Tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của CA cấp xã nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của lực lượng này là không hợp lý. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong bảo vệ ANTT, đã được quy định trong Hiến pháp, Luật An ninh quốc gia, Luật CAND và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Đề cập đến nguồn ngân sách bảo đảm cho hoạt động của lực lượng này, ông Lê Tấn Tới thông tin, tại phiên họp thứ 25, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo tính toán đầy đủ, cụ thể (nhân lực, vật lực, tài lực) và đánh giá kỹ lưỡng tác động về biên chế, kinh phí và khả năng bảo đảm, để báo cáo UBTVQH, Quốc hội.

Chính phủ sau đó đã có Báo cáo số 518 nêu rõ, hiện nay toàn quốc có 298.688 người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, CA xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng. Các địa phương trong cả nước đang chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động cho các lực lượng này khoảng 3.570 tỷ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở mới).

Tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ ANTT, với 84.721 tổ cần có ít nhất là 254.163 người tham gia (mỗi tổ cần ít nhất 3 người). Chính phủ tính toán, mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo luật dự kiến là 3.505 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do dự thảo luật quy định mỗi Tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố, nên tổng số tổ có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống.

Về lâu dài, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho hay, tổng số lượng thôn, tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Bình luận (0)

Lên đầu trang