Đầu giờ chiều 27/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội 5 nhóm chính sách gỡ vướng cho các dự án giao thông đường bộ hiện nay. Cụ thể, Chính phủ đề xuất “nới” tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tăng 20% so với quy định hiện hành.
Theo giải thích của Chính phủ, hiện một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần sự tham gia vốn Nhà nước nhiều hơn để đảm bảo khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ
Nếu áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định hiện hành, Chính phủ nhận định, sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư để triển khai theo phương thức PPP.
Trong nhóm chính sách được đề xuất, Chính phủ muốn giao thẩm quyền thực hiện đầu tư cao tốc, quốc lộ qua các địa phương cho UBND cấp tỉnh. Việc này, theo Chính phủ, sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.
Với dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, Chính phủ đề nghị Thủ tướng sẽ quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án, dùng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để thực hiện dự án.
Chính sách này, theo Chính phủ, nhằm thống nhất thẩm quyền giải quyết, gỡ vướng với dự án đi qua nhiều địa phương.
Nêu thực tế nhiều dự án giao thông gặp khó khăn về vật liệu xây dựng trong thi công, giá vật liệu bị đẩy lên cao, đầu cơ… , Chính phủ đề nghị có cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường.
“Nếu được thông qua, chính sách này sẽ rút ngắn thời gian cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá và hạn chế tăng chi phí xây dựng công trình” – Chính phủ nhìn nhận.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng một lần cơ chế đặc thù với dự án từ nguồn thu tăng thêm ngân sách trung ương 2022.
Cụ thể dự án cấp, khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 được bố trí vốn từ nguồn này. Dự án do địa phương quản lý đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021-2025) được điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tương ứng với số vốn ngân sách trung ương bố trí tăng thêm.
Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư được phép giao kế hoạch từ nguồn tăng ngân sách trung ương 2022 và vốn này phải thực hiện, giải ngân trong 3 năm (2023-2025).
Quang cảnh phiên họp chiều 27/10
Vốn tăng thu ngân sách trung ương 2022, theo Chính phủ, sẽ được dùng để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng (bao gồm phần chậm trả) của các dự án giao thông đường bộ thuộc nhiệm vụ của ngân sách trung ương phát sinh sau khi dự án đã quyết toán.
Trình bày quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các đề xuất của Chính phủ nhận được sự tán thành của nhiều thành viên Uỷ ban. Một số ý kiến còn băn khoăn, ông Thanh nói, là do chưa rõ hiệu quả của chính sách.
Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá kỹ, cụ thể hơn về tác động của các chính sách, làm rõ hơn tác động thu, chi ngân sách Nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện.
Tán thành đề xuất tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm, nhưng Uỷ ban Kinh tế cho rằng, chính sách sẽ chưa xử lý triệt để những khó khăn của các dự án giao thông PPP hiện nay.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
“Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn trong huy động vốn có nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi, nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng” – cơ quan thẩm tra phân tích.
Mặt khác, những tồn tại, hạn chế của các dự án giao thông BOT giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; lưu lượng xe thực tế của các dự án giao thông BOT thấp hơn so với phương án tài chính đề ra, chậm điều chỉnh tăng phí sử dụng dịch vụ theo hợp đồng dự án... dẫn đến các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc tham gia đầu tư các dự án giao thông PPP.
Vì các lẽ trên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ hơn sự cần thiết của chính sách này.
Liên quan đến thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, Ủy ban Kinh tế thông tin, chính sách này đã được áp dụng cho một số dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43.
Tuy nhiên, năng lực của các Ban quản lý điều hành dự án tại các địa phương chưa đồng bộ, có địa phương làm tốt, có địa phương gặp khó khăn, dễ phát sinh tình trạng không hoàn thành đồng bộ, theo tiến độ của các dự án thành phần.
Do vậy, để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá sơ kết triển khai chính sách này trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43.
Tương tự, Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có các giải pháp phù hợp hơn nữa nhằm bảo đảm tiến độ cho các dự án.
Với cơ chế đặc thù cho dự án dùng vốn từ nguồn tăng thêm ngân sách trung ương 2022, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ rà soát lại. Theo đó, với các dự án hiện đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ rà soát, chọn dự án cấp thiết, đáp ứng điều kiện để giao kế hoạch vốn kịp thời và chịu trách nhiệm, bảo đảm không dàn trải, thất thoát, lãng phí.
Những dự án mới chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, theo Uỷ ban Kinh tế, Chính phủ chuẩn bị thủ tục đầu tư theo quy định về đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước để trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.