(CAO) Tại phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ 3, nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhiều đại biểu Quốc hội, khách mời cho rằng Bộ trưởng nắm chắc vấn đề nhưng câu trả lời vẫn chưa thỏa đáng!
(CAO) Sáng ngày 13-6, Quốc hội bắt đầu bước vào 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3.
Là khách mời tại phiên họp, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho biết, việc chất vấn đã có từ năm 1994, lúc đó đã chất vấn 3 ngày, sau lại giảm xuống 2,5 ngày; nay phần chất vấn nâng lên lại 3 ngày.
Ông Vũ Mão trình bày
“Về phiên chất vấn của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tôi thấy các đại biểu đặt câu hỏi rất thẳng thắn, còn Bộ trưởng nắm chắc vấn đề nhưng quan trọng nhất là tìm ra lời giải thì chưa có, kết quả chất vấn chưa thỏa đáng, hỏi nhưng chưa có đáp án, đây là vấn đề yếu nhất của nhiều phiên chất vấn đối với nhiều Bộ trưởng khác nữa, chứ không riêng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường” - ông Mão nhận xét.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dù chỉ mới nhậm chức hơn 1 năm nhưng đã nắm rất chắc các vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ.
“Tôi thấy Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nắm vấn đề rất tốt. Những thông tin mà Bộ trưởng cung cấp trước Quốc hội và những vấn đề đặt ra mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang giải quyết và cả triển vọng giải quyết những vấn đề rất nóng như vấn đề giải cứu các mặt hàng nông sản… thì Bộ trưởng trả lời cũng khá rành mạch. Với những thông tin mà Bộ trưởng cung cấp trước Quốc hội, chúng ta có thể tin rằng những vấn đề đặt ra đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới sẽ được giải quyết” - đại biểu Vân tin tưởng.
Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TP.HCM) thì còn một vài điểm, cách tiếp cận của Bộ trưởng chưa được thỏa mãn với mong ước của cử tri. Ví dụ như vấn đề giải cứu lợn. Bởi, nói rằng cung vượt quá cầu, nếu xem xét một khía cạnh nào đó, hiểu không hết sẽ cho rằng tội do người sản xuất. Trong khi đó, mình đang kêu gọi mọi người cùng góp phần tham gia vào phát triển kinh tế, thì vấn đề vai trò điều tiết của Bộ quản lý chỗ này phải là vai trò chính.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê tại một phiên họp tổ đoàn TP.HCM
Nếu đề cập không tốt sẽ dẫn đến tự phát của người nông dân, tự phát của người sản xuất: “Vì cũng không thể nói cung vượt quá cầu được. Vai trò bàn tay quản lý của chúng ta để điều tiết như thế nào để cung cầu gặp nhau. Thứ hai, vấn đề còn bỏ ngỏ đó là cần phải có giải pháp, chính sách trợ giá cho sản phẩm nông nghiệp để làm sao người nông dân an tâm sản xuất được góp phần vào trong khâu đáp ứng tốt thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm nông nghiệp. Tính dự báo hết sức quan trọng, đại biểu đặt ra vấn đề giải cứu về lợn vậy thì hướng tới còn gì giải cứu hay không?”
Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, sự phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ nông nghiệp trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là các bộ liên quan phải thống nhất xác định những sản phẩm nào là sản phẩm chính của nền nông nghiệp nước ta, từ đó cùng tìm giải pháp giúp phát triển sản phẩm.
Về mâu thuẫn giữa quản lý chất lượng nông sản (thuộc thẩm quyền của ngành Nông nghiệp) với việc phát triển thị trường (thuộc thẩm quyền của ngành Công thương), ông Phùng Văn Hùng nêu quan điểm: “Tôi cho rằng quy hoạch nó cũng chỉ là tương đối, cái cuối cùng là giải pháp thực hiện. Vì thị trường có sự điều chỉnh thường xuyên. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp sáng nay có nói như: để mà mở được thị trường thì chúng ta phải nâng cao chất lượng, đầu tư khoa học công nghệ vào, thế nhưng hiện chúng ta có hơn 10 triệu hộ cá thể đang sản xuất thì đó là sự cản trở rất lớn cho sản xuất lớn và nâng cao chất lượng, nâng cao chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật. Ở đây, việc Bộ Công thương - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng phối hợp lại để khắc phục được những hạn chế trong sản xuất là rất quan trọng”.