Tham dự có ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP; Ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBNDTP.
Chủ tịch Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì
Ô nhiễm vẫn vây quanh khu dân cư
Thay mặt UBND TP, báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP đánh giá, nhìn chung chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố chưa được cải thiện đáng kể so với yêu cầu, một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đặt ra.
Công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư, quản lý chất thải chưa được gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; các quy định pháp luật nhằm ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm chưa được thực hiện nghiêm. Các đề án, đồ án quy hoạch ngành liên quan đến bảo vệ môi trường chưa được tích hợp với quy hoạch sử dụng đất. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư còn một số tồn tại.
Chất lượng môi trường không khí và tiếng ồn đang bị tác động bởi các nguồn như: Nguồn ô nhiễm do giao thông với 7.976.845 phương tiện gồm xe ôtô, xe mô tô, xe gắn máy đăng ký lưu hành; nguồn ô nhiễm do khí thải công nghiệp: chủ yếu từ các lò hơi đốt dầu (FO), than, củi, trấu (than).
Theo thống kê, tổng số nguồn phát thải khí thải công nghiệp trên địa bàn thành phố khoảng 839 nguồn, trong đó nguồn thải trong khu công nghiệp là 233 nguồn, trong cụm công nghiệp là 25 nguồn và bên ngoài là 581 nguồn. Về nguồn ô nhiễm do sinh hoạt trong dân cư: khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố đều được thu gom, xử lý hằng ngày bằng nhiều phương thức khác nhau.
Tại một số khu vực của thành phố vẫn còn hiện tượng thải bỏ chất thải rắn không đúng quy định tại các khu vực công cộng hoặc các khu vực đất trống, vứt chất thải rắn xuống kênh rạch,… gây ô nhiễm môi trường…
Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP phát biểu
Tuy nhiên, việc xử lý cũng không phải đơn giản, đại biểu Nguyễn Thị Nga (quận 12) nêu lên ở quận 12 có hơn 540.000 doanh nghiệp nên tình hình ô nhiễm rất phức tạp. Thực hiện việc di dời các cơ sở ô nhiễm gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở sản xuất trong khu dân cư đã cam kết di dời từ ngày 31-12-2016 nhưng thực tế họ không chấp hành. Trước tình hình đó, UBND quận 12 thực hiện biện pháp chốt chặn không cho vận chuyển nguyên vật liệu đốt nhưng vẫn không đạt kết quả. Đồng thời, UBND quận 12 đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường TP có một số biện pháp như: ngừng cung cấp điện phục vụ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đình chỉ hoạt động cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường như niêm phong trang thiết bị, máy móc sản xuất… các biện pháp này không được chấp thuận của sở.
Còn về công tác xử phạt, đại biểu Trương Lâm Danh - Trưởng Ban Pháp chế cho rằng Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã nâng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, điều này một mặt đảm bảo tính nghiêm minh, đảm bảo đúng nguyên tắc gây ô nhiễm càng cao mức phạt tiền càng cao; tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc xử phạt đối với một số loại hành vi, đặc biệt là các hành vi về đổ, xả rác không đúng nơi công cộng còn lúng túng do nội dung quy định chưa rõ; chưa có quy định cụ thể về cách thức phát hiện một số hành vi vi phạm có tính đặc thù. Ngoài ra, các hành vi vứt, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định được quy định ở Điều 20 có mức phạt rất cao, nhưng do trình tự, thủ tục xử phạt theo quy định hiện hành chưa phù hợp, chưa rõ nên thực tiễn số vụ việc bị xử phạt theo quy định này chưa nhiều, mặc dù đây là một trong những hành vi chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm, làm mất mỹ quan đô thị (hành vi xảy ra nhanh, tức thời, vị trí vi phạm không cố định).
Xử lý dứt điểm cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng khu dân cư
Kỳ họp thông qua Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP tuyên tuyền rộng rãi trong nhân dân về bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư để nâng cao nhận thức người dân tạo sự chuyển biến trong chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường; đến năm 2018, đảm bảo 100% người dân thành phố được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường và duy trì trong những năm tiếp theo. Từ năm học 2018-2019, đảm bảo 100% học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn thành phố được giáo dục về kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường. Vận động 100% hộ gia đình và chủ nguồn thải chấp hành việc trả chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP xem xe rác mới
TP đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và chất thải rắn. Các vấn đề cần tập trung xử lý triệt để: đến ngày 31-7-2017, thành phố rà soát tất cả các dự án đòi hỏi phải được nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường trước khi vận hành, các dự án chưa nghiệm thu nhưng đã hoạt động phải hoàn thành nghiệm thu trước ngày 31-12-2017, từ nay các dự án chưa nghiệm thu thì không được đưa vào hoạt động. Đến hết năm 2020, hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư theo danh sách đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
TP quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó phân loại rác tại nguồn thành chất hữu cơ và chất thải còn lại đạt tối thiểu 50% đến năm 2020; xây dựng lộ trình đến năm 2020 chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp tư nhân; đồng thời, đến năm 2020 tỷ lệ rác thông thường chôn lấp là 50%, đến 2025 còn 20%.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐNDTP Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức truyên truyền thường xuyên, sâu rộng, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trực quan, phù hợp thực tế với từng đối tượng; phát động phong trào như: xây dựng Khu phố không rác, tuyến đường không rác, Tuần lễ thu gom chất thải nguy hại... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư. Xây dựng kế hoạch, lộ trình phân cấp cho cấp huyện, xã chủ động và chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường tại địa bàn quản lý.
Trước mắt, việc quét rác, thu gom rác ở những tuyến đường, cầu cống phải được thực hiện ngay để đảm bảo sạch sẽ chứ không phải chờ thí điểm, đơn vị nào không làm thì phải xử lý trách nhiệm. Đẩy mạnh công tác tổ chức vận động, tuyên truyền người dân phân loại rác tại nguồn, kết hợp với công nghệ xử lý phải tiên tiến, hiện đại, khuyến khích thay thế công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh bằng công nghệ đốt tiêu hủy đối với các loại chất thải rắn không còn khả năng tái chế.