Từ 2018 đến 2020: Xảy ra 4.795 vụ xâm hại trẻ em

Thứ Ba, 29/12/2020 17:03

|

(CAO) Đó là thông tin được Bộ Công an đưa ra trong Hội nghị trực tuyến tổng kết Dự án 4 về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người” giai đoạn 2018-2020 giữa lãnh đạo Bộ Công an với công an các tỉnh, thành phố.

Tham dự phía điểm cầu Công an TP.HCM có Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn – Phó giám đốc CATP, chỉ huy một số phòng/ban nghiệp vụ thuộc CATP và đại diện một số sở, ban, ngành của TPHCM.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Công an TPHCM

Theo số liệu của Bộ Công an thông tin tại hội nghị, sau 3 năm thực hiện “Dự án 4”, toàn quốc đã phát hiện 4.795 vụ xâm hại trẻ em, có 5.384 đối tượng với 4.914 nạn nhân là trẻ em bị xâm hại. So với cùng kỳ giai đoạn 2015-2017 giảm 155 vụ và 53 đối tượng gây án, giảm 198 nạn nhân trẻ em. Riêng năm 2020, cả nước đã xảy ra 1.845 vụ, 2.209 đối tượng gây án với 2008 trẻ em là nạn nhân….

Theo đó, đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau, nhưng phần lớn trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế. Cá biệt có những đối tượng là người làm việc trong các cơ quan nhà nước có trình độ và địa vị.

Thủ đoạn các đối tượng thực hiện thường dụ dỗ nạn qua các trang mạng xã hội hoặc do người lớn bất cẩn để con em mình bị kẻ xấu làm hại. Nạn nhân thường là dưới 16 tuổi, chủ yếu là trẻ em gái (chiếm gần 90%).

Trong lĩnh vực người chưa thành niên vi phạm pháp luật, ghi nhận đã xảy ra 10.786 vụ với 16.583 đối tượng trong đó nữ chiếm 5%, còn nam giới chiếm đến 95%. So với cùng kỳ 2015 đến 2017 giảm 1200 vụ. Riêng năm 2020 đã xảy ra 4.262 vụ với 6.588 đối tượng….

Trong khi đó thống kê tội phạm buôn bán người, toàn quốc phát hiện 477 vụ, với 636 đối tượng. Các đối tượng có hành vi phạm tội bằng các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt như: giả dạng cơ quan chức năng (công an, biên phòng) để dụ dỗ, khống chế lừa bán phụ nữ, người dưới 16 tuổi ra nước ngoài. Một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng nước ngoài về thăm quê lợi dụng quen biết buôn bán qua biên giới hoặc kinh doanh các dịch vụ vùng biên để tham gia hoạt động phạm tội.

Thời gian gần đây, các đối tượng lợi dụng vào mạng xã hội để chọn phụ nữ “mang thai hộ” hoặc tìm kiếm làm quen với người có nhu cầu mang thai để thỏa thuận giá cả, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Tình trạng tổ chức, môi giới đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài rồi sau đó đưa sang các nước thứ ba (châu Âu, Trung Đông) để cư trú bất hợp pháp, ép lao động cưỡng bức tiềm ẩn nhiều nguy cơ bóc lột, mua bán bộ phận cơ thể người.

Trong các vụ việc nêu trên, nạn nhân thường tập trung ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, nhẹ dạ cả tin, hoặc lợi dụng tâm lý hưởng thụ, thiếu hiểu biết xã hội của người dưới 18 tuổi để lừa bán.

Về vấn đề bạo lực gia đình liên quan đến trẻ em trong gia đình chủ yếu xảy ra trong các gia đình có mâu thuẫn tình cảm, kinh tế, tranh chấp đất đai hoặc do sử dụng ma túy, các chất kích thích. Đặc biệt một số vụ việc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xâm hại tính mạng, sức khỏe của người dưới 16 tuổi. Nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình đa phần là nữ giới, trẻ em và xảy ra nhiều hình thức khác nhau. Một số địa phương xảy ra nhiều như: Hà Giang, Yên Bái, Bình Thuận, Cà Mau, TP Đà Nẵng….

Từ những thống kê trên, hội nghị đã đánh giá kết quả công tác thực hiện Dự án 4, giai đoạn 2018-2020 cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Trong đó, kéo giảm được 3,13% (chỉ tiêu là 5-7%) số vụ xâm hại trẻ em (đạt 62,6%), giảm 10,02% (chỉ tiêu là 15 đến 20%). Số vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật (đạt 66,8%) so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2017.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã nghe công an một số tỉnh, thành phố báo cáo tham luận về thực trạng tại địa phương mình, đề ra phương hướng giải pháp cho việc phòng chống hành vi xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như bạo lực gia đình và tội phạm buôn người giai đoạn 2021 đến 2025.

Bình luận (0)

Lên đầu trang