Kỷ niệm 207 năm ngày sinh Các Mác (05/5/1818 - 05/5/2025):

Các Mác với phong trào giải phóng dân tộc

Thứ Hai, 05/05/2025 14:16

|

(CATP) Các Mác là nhà khai sáng thiên tài của chủ nghĩa xã hội khoa học. Người không những được tỏa sáng bằng tư duy lý luận chính trị và triết học uyên bác, mà còn bằng tài năng trác việt của một nhà lãnh đạo đã vạch lối soi đường cho giai cấp công nhân, tổ chức và lãnh đạo họ thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là người "đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản".

Trong trước tác lý luận viết về "Vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa Mác", V.Lê-nin viết: "Từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác đã được truyền bá rộng rãi trên khắp thế giới và nó đã có một ảnh hưởng cách mạng hóa, mà không một trào lưu tư tưởng nào sánh kịp, tới đời sống tinh thần và sự phát triển lịch sử của nhân loại. Thế kỷ 19 sẽ đi vào lịch sử tư tưởng xã hội và lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng như là thế kỷ phát sinh chủ nghĩa Mác".

Các Mác (1818 - 1883)

Bác Hồ viết: "Các Mác là ông thầy cộng sản của chúng ta... Chủ nghĩa Mác rất cao, rất rộng. Những người làm cách mạng phải học tập chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác dạy chúng ta phải trung thành với Đảng, phải hết lòng hết sức phục vụ giai cấp công nhân. Mác đã dạy chúng ta "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!". Lê-nin, người học trò thiên tài của Mác bổ sung thêm: "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!". Hai khẩu hiệu đó là những ngọn cờ vĩ đại dẫn giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đến thắng lợi hoàn toàn".

Một trong những sự cống hiến nổi bật của Các Mác, cả về lý luận và thực tiễn, là từ khi Quốc tế thứ nhất được thành lập vào thập niên 60 của thế kỷ 19, Mác đã nêu lên những quan điểm đúng đắn để làm kim chỉ nam hành động cho giai cấp công nhân đối với các phong trào giải phóng dân tộc. Chúng ta đều biết, câu danh ngôn nổi tiếng của Mác: "Một dân tộc đi áp bức các dân tộc khác thì dân tộc ấy không thể được tự do", đã trở thành cơ sở của chính sách của những người cộng sản trong vấn đề dân tộc.

Chính vì vậy 200 năm qua, trải qua các giai đoạn biến thiên lịch sử của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, những người cơ hội hữu khuynh và theo chủ nghĩa xét lại luôn luôn tìm mọi cách để vu khống và công kích Mác. Chúng rêu rao rằng Mác ít nghiên cứu về lịch sử và xã hội phương Đông. Chủ nghĩa Mác không thích ứng với con người và truyền thống văn hóa ở phương Đông.

Cách đây 104 năm, là người dân thuộc địa sống trên bán đảo Đông Dương thuộc Pháp và là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp, Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc) đã bác bỏ những luận điệu sai trái đó. Người nói rõ rằng: "Chế độ cộng sản có áp dụng được ở Châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không? Đây là vấn đề mà chúng ta đang quan tâm. Muốn hiểu vấn đề đó, chúng ta phải xem xét tình hình hiện nay ở lục địa Châu Á... Xét những lý do lịch sử, cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào Châu Á dễ dàng hơn là ở Châu Âu. Người Châu Á tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu, vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại". Bác Hồ viết tiếp: "Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân Châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn".

Lịch sử của phong trào công nhân quốc tế xác minh rằng, ngay trong thập niên 40 của thế kỷ 19, từ lúc tuổi thanh xuân, khi nghiên cứu những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, Các Mác đã luận chứng đúng đắn con đường giải quyết vấn đề dân tộc phù hợp với lợi ích của giai cấp công nhân, phù hợp với các quy luật khách quan của lịch sử.

Các Mác chỉ ra rằng, giai cấp vô sản sẽ thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là thủ tiêu ách áp bức của dân tộc này đối với dân tộc khác, nhưng muốn chiến thắng thì giai cấp vô sản cần được sự ủng hộ của các dân tộc bị áp bức. Dựa vào những huấn thị vĩ đại đó của cả Các Mác - Ăng-ghen - Lê-nin và bằng sự trải nghiệm của người dân sống trong cảnh nước mất nhà tan, Bác Hồ đã miêu tả: "Chủ nghĩa đế quốc là con đỉa có hai cái vòi: một cái vòi hút máu từ trong các nước chính quốc và một cái vòi vươn ra hút máu các nước thuộc địa và phụ thuộc".

Vào 50 năm đầu thế kỷ 19, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa phương Đông còn chưa có ảnh hưởng đáng kể đến vận mệnh của thế giới. Trong khi đó, các cuộc nổi dậy của phong trào dân tộc ở Châu Âu như Ai-Len hay Ba Lan... đã diễn ra sát nách các trung tâm sống còn của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, khi xác định sách lược của giai cấp vô sản trong vấn đề dân tộc thời đó, Mác chủ yếu nói đến tình hình ở Châu Âu.

Bước sang nửa sau thế kỷ 19, trên thế giới, chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu và Bắc Mỹ phát triển với tốc độ nhanh chóng. Chủ nghĩa thực dân con đẻ của chủ nghĩa tư bản, ngày càng uy hiếp mạnh các nước kinh tế chậm phát triển. Hai lục địa lớn là Châu Phi và Châu Á trở thành đối tượng xâm lược chủ yếu của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Các nước Ấn Độ, Miến Điện, Ma-lai-xi-a... lần lượt rơi vào nanh vuốt của tư bản Anh. In-đô-nê-xi-a nằm trong thế lực của tư bản Hà Lan. Phi-lip-pin từ tay tư bản Tây Ban Nha chuyển sang tay tư bản Mỹ. Sau cuộc chiến tranh thuốc phiện (1839 - 1842), triều đình Mãn Thanh Trung Quốc buộc phải cắt Hương Cảng cho tư bản Anh và mở nhiều hải cảng lớn cho tư bản Tây Âu tự do ra vào buôn bán. Dưới sức ép bằng vũ lực của tư bản Mỹ và tư bản Châu Âu, Nhật Bản cũng phải mở cửa cho những nước tư bản này tự do thông thương. Ở Việt Nam, sau khi tư bản Pháp bị thực dân Anh hất ra khỏi thị trường Ấn Độ (1763), chúng lập tức xúc tiến âm mưu xâm lược 3 nước trên bán đảo Đông Dương. Vào giữa thế kỷ 19, nước ta đã rơi vào tay thực dân Pháp, trong khi chế độ phong kiến Việt Nam bị xuống dốc, mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với giai cấp phong kiến đã lên tới đỉnh điểm.

Ông Trần Hữu Phước đứng dưới chân tượng Các Mác, tại thành phố Mát-xcơ-va, năm 1966

Vì vậy chúng ta đã thấy, vào những năm 50 (thế kỷ 19), Mác đã mở rộng phạm vi nghiên cứu phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Trên sách báo, Người đã trình bày những luận chứng về mối quan hệ gắn bó giữa cách mạng Châu Âu với phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông. Mác chú ý đến mối liên hệ giữa phong trào phản phong ở Trung Quốc với sự xâm nhập của Anh vào nước này. Người chỉ rõ hậu quả của sự xâm nhập ấy, đã làm thiệt hại nghiêm trọng nền kinh tế bản địa, khiến cho đời sống nhân dân càng thêm bần cùng hóa và gây ra sự bùng nổ xã hội.

Trong một loạt bài viết của Các Mác về Ấn Độ: "Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ" (1853); "Những kết quả tương lai của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ" (1853); "Cuộc khởi nghĩa Ấn Độ" (1857)..., Mác đã phân tích rõ hậu quả sự xâm lược của Anh gây ra tấn thảm kịch đối với dân tộc Ấn Độ là đã phá hủy hệ thống công xã nông thôn truyền thống.

Mác viết rằng nhân dân lao động ở Ấn Độ cũng như trên đất nước Anh phải thấy rõ hệ quả của những sự đảo lộn xã hội do sự bành trướng của tư bản Anh. Theo Mác, Ấn Độ bị người Anh thôn tính sẽ quyết định được số phận của mình trước khi cuộc cách mạng vô sản ở Anh thắng lợi.

Quan điểm cho rằng cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa vì sự giải phóng về chính trị có thể thành công trước khi cách mạng vô sản ở chính quốc thắng lợi, được tiếp tục nghiên cứu trong các tác phẩm của Mác trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của phong trào giải phóng dân tộc ở Ai-Len vào cuối những năm 60 (thế kỷ 19). Mác tiên đoán rằng có tình hình là cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân thuộc địa giành độc lập sẽ trở thành tiền đề hết sức quan trọng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi ở các nước bị áp bức. Sở dĩ Mác có thể nghiên cứu sâu sắc vấn đề dân tộc, vì Người là một chiến sĩ tiên phong luôn giữ vững và giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế. Bằng nhãn quan khoa học của chủ nghĩa duy vật lịch sử, Mác đã phát hiện đằng sau các cuộc xung đột chính trị mang tính chất dân tộc, giữa một bên là các nước tư bản ở chính quốc và một bên là các nước thuộc địa sống trong xích xiềng nô lệ; giữa một bên là giai cấp vô sản với giai cấp tư sản; giữa một bên là giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội khác với giai cấp phong kiến chiếm hữu ruộng đất.

Những phát kiến quan trọng trong tư duy lý luận của Mác về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, đã giúp cho các chiến sĩ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước trong những thập niên đầu thế kỷ 20 nhận thức rõ: Xã hội Việt Nam muốn phát triển đi lên phải đồng thời giải quyết cả hai mâu thuẫn. Đánh đổ chủ nghĩa đế quốc phải đi đôi với việc xóa bỏ chế độ phong kiến. Đấu tranh giành độc lập dân tộc không thể tách rời với đấu tranh giành dân chủ tự do. Độc lập và tự do ở nước ta khắng khít với nhau là một. Nhiệm vụ chống đế quốc vừa là nhiệm vụ dân tộc, vừa là nhiệm vụ dân chủ; nhiệm vụ chống phong kiến vừa là nhiệm vụ dân chủ, vừa là nhiệm vụ dân tộc.

Những thành quả nghiên cứu của Các Mác - Ph.Ăng-ghen về phong trào giải phóng dân tộc cùng với Luận cương nổi tiếng Những vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, được Bác Hồ vận dụng và phát triển sáng tạo trong điều kiện lịch sử và xã hội ở Việt Nam, đã giúp cho Đảng ta đề ra đường lối chính trị, chiến lược và sách lược đúng đắn để giành toàn thắng trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trải qua 30 năm kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

-----------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- C.Mác, Ph.Ăng-ghen: Tuyển tập, tập 2, Nxb.Sự Thật, 1981

- V.Lê-nin: Tuyển tập, Nxb.Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, dịch theo nguyên bản in trong Lê-nin toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 5.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb.Chính trị Quốc gia, HN, 2000

- Các Mác: Tiểu sử, tập 2, Nxb.Khoa học xã hội, HN, 1975

- Ph.Ăng-ghen: Tiểu sử, tập 1, Nxb.Khoa học xã hội, HN, 1977

- Phong trào công nhân quốc tế - những vấn đề lịch sử và lý luận, tập 1, Nxb.Tiến Bộ Mát-xcơ-va, Nxb.Sự Thật, HN, 1976.

Bình luận (0)

Lên đầu trang