Cải cách thủ tục hành chính để giao lưu xã hội thông thoáng

Thứ Hai, 26/06/2023 12:46

|

(CATP) Thủ tục hành chính (TTHC) được hiểu là những yêu cầu mà nhà chức trách (NCT) đặt ra và xem là điều kiện người dân cần thỏa mãn để được cung ứng dịch vụ công (DVC). Về phần mình, các DVC được Nhà nước tổ chức, thực hiện nhằm giúp người dân có thể xúc tiến giao dịch trong cuộc sống dân sự một cách suôn sẻ, an toàn, cơ bản, bao gồm căn cước (CC), hộ tịch, đăng ký tài sản (TS), đăng ký kinh doanh và thuế.

LTS: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, chương trình về cải cách hành chính (CCHC) với những kết quả nổi bật, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Riêng tại TPHCM, với chủ đề năm 2023 "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh CCHC và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội", công tác CCHC đã được thành phố quan tâm triển khai một cách xuyên suốt, quyết liệt, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Với vai trò, chức năng luôn đồng hành cùng chương trình này thời gian qua, bắt đầu từ thứ hai, ngày 26/6/2023, Chuyên đề Công an TPHCM mở Chuyên mục "Cải cách hành chính" để ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động CCHC trong thời gian tới, hướng đến xây dựng, phát triển nền hành chính hiện đại, dân chủ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin trong nhân dân. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả trên mọi miền đất nước để chuyên mục ngày càng phát huy hiệu quả. Mọi thư từ, tin bài cộng tác gửi về Chuyên đề Công an TPHCM (số 110 Nguyễn Du, P.Bến Thành, Q1,TPHCM) xin ghi rõ: Bài cộng tác với chuyên mục "Cải cách hành chính", hoặc email: baocongantphcm@congan.com.vn.

Có một thời, DVC không được xem là dịch vụ, mà chủ yếu là phương tiện được NCT sử dụng để quản lý người dân. Bởi vậy, người dân đến cơ quan Nhà nước không phải trong tư thế người được phục vụ, mà là người có nghĩa vụ hợp tác thực hiện những việc theo yêu cầu của NCT... Do DVC được xem là phương tiện quản lý, người dân có nghĩa vụ đến để thực hiện thủ tục theo yêu cầu của NCT trong thời hạn quy định; về phần mình, NCT lại không bị ràng buộc bởi thời hạn nào để kết thúc thủ tục. Bởi vậy, mới có cụm từ "cơ chế xin - cho" để chỉ cách vận hành mối quan hệ công vụ (CV) giữa cơ quan hành chính và người dân.

Theo tiến trình mở cửa hội nhập của đất nước, hệ thống DVC dần được cải cách để trở về đúng với bản chất, được nhìn nhận ở các nước tiên tiến, là hệ thống phục vụ, được xây dựng (XD) và vận hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, việc làm ăn, sinh hoạt của người dân. Các thủ tục được rà soát theo tiêu chí vừa tinh gọn vừa hiệu quả, xử lý công việc thực hiện trong thời hạn được quy định rõ. Đặc biệt, thái độ giao tiếp với dân của người thực thi CV đã thay đổi rõ rệt: không còn phổ biến những khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm, quan liêu; cũng không còn phổ biến kiểu ăn nói hách dịch, cộc cằn; thay vào đó là những nụ cười thân thiện, lời chào hỏi lịch sự, những chỉ dẫn cụ thể và cam kết về thời hạn xử lý công việc tương đối rõ ràng. Nói chung, hiệu quả của những nỗ lực đổi mới hệ thống DVC theo hướng tích cực và đóng góp của hệ thống này vào sự phát triển kinh tế - xã hội là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nổi cộm cần được xử lý để hệ thống DVC vận hành đúng như kỳ vọng của xã hội, là tiện ích mà người dân khai thác, thụ hưởng nhằm XD cuộc sống an toàn, văn minh.

Vấn đề thứ nhất là làm thế nào để hệ thống DVC vận hành như một thể thống nhất. Các cơ quan cung ứng DVC phải được kết nối trên nền tảng cơ sở dữ liệu chung. Với sự phát triển của công nghệ số được ứng dụng vào hoạt động hành chính, việc này hoàn toàn khả thi.

Người dân đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ giải quyết hồ sơ tại UBND phường Bến Thành, quận 1, TPHCM Ảnh: VIÊT DŨNG.

Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được triển khai dưới sự chủ trì của Bộ Công an. Dự kiến từ 1 giai đoạn nào đó trong khuôn khổ đề án, CC công dân (sau này là CC) sẽ được coi là giấy tờ không chỉ có tác dụng nhận dạng mà còn đảm nhận vai trò chìa khóa mở cửa kho thông tin về cá nhân, bao gồm hộ tịch, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Có thể hình dung đến lúc nào đó, khi toàn bộ hệ thống DVC được kết nối hoàn hảo, thì số CC, cũng là mã số định danh, sẽ là chìa khóa mở cửa kho chứa đựng toàn bộ thông tin được lưu giữ trong hệ thống, kể cả lý lịch tư pháp, tình trạng thực hiện nghĩa vụ thuế, quá trình học tập, tình trạng TS... Mặt khác, khi tiếp xúc với cơ quan nào đó trong hệ thống, người dân có điều kiện thu nhận tất cả thông tin lưu giữ tại các cơ quan tham gia hệ thống.

Vấn đề thứ hai liên quan đến tính công khai của thông tin lưu giữ tại hệ thống DVC. Cho đến nay, việc tiếp cận các thông tin này không hề dễ dàng. Điều này được cho là có nguồn gốc từ nhận thức cũ về bản chất của hệ thống DVC: Phục vụ việc quản lý của Nhà nước là chính. Cần thay đổi triệt để nhận thức này để hệ thống DVC phát huy được vai trò của mình, là công cụ minh bạch hóa thông tin. Ở các nước, việc lưu giữ thông tin tại các cơ quan DVC được thực hiện không phải để bảo mật tuyệt đối, mà nhằm cung ứng cho xã hội để phục vụ các nhu cầu đa dạng, chính đáng của các chủ thể. Nói cách khác, thông tin được cơ quan DVC lưu giữ là để công khai chứ không phải giấu kín. Tất nhiên, mức độ công khai không phải như nhau đối với mọi loại thông tin.

Vấn đề thứ ba liên quan đến tính tinh gọn của TTHC. Bất chấp nỗ lực rà soát, loại bỏ các yêu cầu, đòi hỏi không cần thiết, gây phiền hà cho dân, TTHC hiện nay, trong nhiều trường hợp, vẫn bị cho là còn nặng nề, phức tạp, rắc rối. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được cho là "căn bệnh" nhũng nhiễu tồn tại dai dẳng: thủ tục được bày ra để gây khó khăn cho dân, khiến người dân phải chấp nhận "chung chi" để được việc. Muốn trị "căn bệnh" này, ngoài việc đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, xử lý sai phạm không khoan nhượng, nên cân nhắc biện pháp kích thích sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm bằng lợi ích kinh tế. Cụ thể, nên đẩy mạnh cải cách chế độ lương bổng trong khu vực công. Ngoài lương cứng, công chức, viên chức được hưởng thu nhập tăng thêm từ hiệu quả công việc. Ví dụ, cứ mỗi hồ sơ được giải quyết dứt điểm đúng luật và đúng thời hạn, người thực thi CV được trả thù lao bổ sung. Một khi hiểu rằng càng làm việc hiệu quả thì lương càng cao, người thực thi CV sẽ tích cực xử lý công việc nhanh, gọn, chính xác, nạn vòi vĩnh cũng sẽ bị đẩy lùi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang