(CATP) Trước tình trạng vẫn còn một số thắc mắc, băn khoăn về việc sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, theo Công an TPHCM (CATP), công dân (CD) dùng CCCD gắn chíp giúp giao dịch dân sự nhanh chóng, thuận tiện, an toàn. Trong khi đó, thời hạn về "tuổi thọ” của sổ hộ khẩu (SHK) và sổ tạm trú (STT) bằng giấy sắp hết (đến ngày 31-12-2022), vì thế CD cần nắm rõ việc sử dụng CCCD gắn chíp cùng các tiện ích mang lại.
Thẻ CCCD gắn chíp chứng minh nơi thường trú
Theo Công an TPHCM, đến ngày 31-12-2022 hết thời hạn của SHK và STT giấy, thay vào đó là việc quản lý cư dân trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Do vậy, CD cần khẩn trương làm CCCD gắn chíp (với những trường hợp chưa làm). Để thay việc xuất trình SHK, STT bằng giấy khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), giao dịch dân sự, CD chỉ sử dụng thẻ CCCD gắn chip là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Khi CD sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu CD xuất trình thêm giấy tờ khác.
Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc QRCode (theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành) tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin CD từ mã QRCode trên thẻ CCCD. Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chíp trên thẻ CCCD phục vụ giải quyết TTHC, giao dịch dân sự... Thiết bị này do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nghiên cứu kết hợp sản xuất. Hiện nay, công an (CA) cấp huyện đã được trang cấp và đang sử dụng.
Theo đó, bốn bước tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC), ngoài ra người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong CSDLQG về DC để sử dụng khi thực hiện TTHC, giao dịch dân sự, qua các bước: Bước 1 - CD truy cập trang web dân cư quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn; bước 2 - Đăng nhập tài khoản (TK)/mật khẩu truy cập (sử dụng TK Cổng dịch vụ quốc gia); xác thực nhập mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại; bước 3 - Tại trang chủ, truy cập vào chức năng "Thông tin công dân" và nhập các thông tin theo yêu cầu; bước 4 - Thông tin cơ bản của CD sẽ hiển thị trên màn hình...
Cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM cấp CCCD gắn chíp cho người dân
Xác nhận cư trú trực tuyến
Công dân dùng CCCD gắn chíp sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các TTHC, giao dịch dân sự (theo Quyết định 34/QĐ-TTg ngày 08-11-2021 của Thủ tướng). Công dân sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư 56/TT-BCA ngày 15-5-2021 của Bộ CA).
Trong đó, khi cần xác nhận thông tin về cư trú để thay cho SHK, CD trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của CD để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công (DVC) trực tuyến khi cần thiết (Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC Bộ CA, Cổng DVC quản lý cư trú).
Theo đó, cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho CD dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của CD. Giấy này có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 điều 19 Luật Cư trú xác nhận về việc khai báo cư trú.
5 điều cần lưu ý liên quan đến CCCD gắn chíp
Thẻ CCCD gắn chíp có rất nhiều tiện ích, là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về nhân thân, các loại giấy tờ liên quan đến cá nhân... Do vậy, thẻ CCCD gắn chíp có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin CD trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Theo CATP, người dùng chỉ cần sử dụng thẻ CCCD gắn chíp là có thể tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau. So với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay, thẻ CCCD gắn chíp có các ưu điểm như tích hợp được nhiều thông tin của CD hơn, liên thông với các thông tin khác về thuế, bằng lái xe, bảo hiểm y tế... Vì vậy, người dân chỉ cần mang theo thẻ CCCD gắn chíp, thay vì nhiều loại giấy tờ khác khi làm các TTHC như trước đây, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Công an TPHCM cấp CCCD gắn chíp cho công dân
Công dân khẩn trương đi làm CCCD gắn chíp
Từ những tiện ích này, khi người dân sử dụng thẻ CCCD trong các giao dịch như sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền...) hoặc những việc người dân có thể mất cảnh giác trong lúc chia sẻ hình ảnh thẻ CCCD gắn chíp điện tử trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...) là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng đánh cắp thông tin cá nhân của người dân để thực hiện các hành vi phạm tội như: trao đổi, mua bán thông tin cá nhân thu được cho đối tượng khác để sử dụng vào mục đích phạm tội (làm giấy tờ giả để mở TK lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua vay vốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng chuyển nhận tiền do vi phạm pháp luật mà có...).
Công an TPHCM khuyến cáo người dân cần chú ý 5 nội dung: Tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, cầm cố thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho các công ty cho vay hoạt động "tín dụng đen"; tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ hình ảnh thẻ CCCD gắn chíp điện tử lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... Trường hợp bị mất thẻ CCCD gắn chíp, người dân phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc đến các điểm cấp thẻ CCCD nơi đăng ký thường trú, tạm trú để được hướng dẫn thủ tục cấp lại thẻ CCCD mới. Đây là cơ sở để xác thực chủ sở hữu thẻ CCCD trong thời gian bị mất không liên quan đến các giao dịch dân sự phát sinh hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân thẻ CCCD gắn chíp điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan CA nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ, phát hiện số thẻ CCCD của cá nhân được mở TK ngân hàng... thì báo ngay cho bên ngân hàng khóa TK vi phạm.
Trường hợp cá nhân phát hiện việc cho thuê thẻ CCCD gắn chíp điện tử cần cung cấp ngay sai phạm cho cơ quan CA nơi gần nhất; cung cấp tài liệu có liên quan đến việc cho thuê, mướn thẻ CCCD để xử lý theo quy định. Nếu biết đối tượng sử dụng thẻ CCCD của người khác để mở TK và sử dụng vào các hoạt động trái pháp luật mà không tố giác có thể bị xử lý theo pháp luật tùy vào việc đối tượng vi phạm mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để có cơ sở xử lý.