(CATP) Yêu cầu này được Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021" nêu ra trong buổi làm việc diễn ra sáng 10/8 với 3 Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải.
Trước đó, Đoàn đã làm việc với Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị 3 Bộ cần quan tâm đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề giám sát và Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới. Danh mục các dự án năng lượng trọng điểm chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, sai phạm (nếu có) cũng cần được bổ sung.
Quá trình thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát yêu cầu các Bộ đánh giá, làm rõ việc tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành theo thẩm quyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực năng lượng và việc tổ chức thực hiện sau khi được ban hành; quy hoạch, kế hoạch của từng ngành có liên quan đến lĩnh vực năng lượng; tăng cường nghiên cứu khoa học, công nghệ; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; việc đón đầu và tạo cơ chế cho các năng lượng mới...
Một số ý kiến cho rằng, các Bộ cần bổ sung, làm sâu sắc hơn nội dung đánh giá việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển năng lượng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là việc để xảy ra những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, trì trệ, thậm chí sai phạm trong lĩnh vực năng lượng, làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu
Quang cảnh phiên họp
Hồi âm sau đó, bên cạnh việc giải trình các yêu cầu trên, đại diện các Bộ đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đổi mới khoa học công nghệ, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải ròng, sử dụng năng lượng tái tạo hợp lý.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Đoàn giám sát và các Bộ đối với việc giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021". Để rà soát và tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc liên quan đến phát triển năng lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 3 Bộ làm rõ thêm vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai vào phát triển năng lượng, chia sẻ lợi ích tài nguyên nước, đánh giá việc sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả cũng như cần quan tâm vấn đề đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát đề nghị các Bộ có giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong phát triển năng lượng, nghiên cứu làm rõ thêm về phát triển, chuyển giao, làm chủ công nghệ, năng lực quản trị nhằm đáp ứng thách thức đổi mới và phát triển năng lượng bền vững.
Báo cáo bổ sung, làm rõ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến thành viên Đoàn giám sát, theo yêu cầu, cần được hoàn thiện, gửi Đoàn giám sát trước ngày 15/8 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Cung không đủ cầu, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn
Phát biểu tại buổi làm việc với Chính phủ vào buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, giai đoạn 2016 - 2021, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực. Các kết quả này là tiền đề, động lực quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ ra, ngành năng lượng nước ta vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Đơn cử, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, việc nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao...
Nêu các yêu cầu giám sát đặt ra với chuyên đề này, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị đại diện Chính phủ báo cáo những vấn đề căn cốt trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua. Theo đó, tập trung đánh giá, làm rõ kết quả nổi bật đã đạt được; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, khuyết điểm, sai phạm (nếu có), nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội đặt ra cùng yêu cầu về giải pháp, đề xuất, kiến nghị.