(CATP) Quan điểm này của Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QP-AN) nhận được sự thống nhất cao của các đại biểu khi cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Phiên họp diễn ra hôm 10/8 do Thường trực Ủy ban QP-AN tổ chức. Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao hồ sơ dự luật sau Kỳ họp thứ 5 và dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, ĐBQH còn băn khoăn về cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, do đó, việc bổ sung đánh giá tác động và giải thích rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật là rất cần thiết. Ông lưu ý 2 cơ quan soạn thảo và thẩm tra khi giải trình về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật phải dựa trên Công ước về quyền con người của Liên hợp quốc, Hiến định về quyền con người và quyền công dân cũng như việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kinh nghiệm quốc tế...
Liên quan đến nội dung này, trước đó, thay mặt Thường trực Ủy ban QP-AN báo cáo, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban QP-AN cho biết, Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với người gốc Việt Nam để cấp giấy chứng nhận căn cước là cần thiết. Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân lý giải, người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư..., nhưng lâu nay chưa có bất kỳ văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này.
"Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận; có quyền tham gia giao dịch hành chính, dân sự trong xã hội. Tuy nhiên, bản thân họ, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước đều không có giấy tờ để chứng minh về nhân thân và lai lịch nên cơ quan nhà nước chưa xác định được quốc tịch đối với những người này và họ cũng chưa đủ điều kiện để được nhập Quốc tịch Việt Nam hoặc cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của pháp luật hiện hành" - bà Xuân phân tích.
Thực tiễn này, bà Xuân phản ánh, đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý đối với người gốc Việt Nam, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự. Đây cũng là rào cản đối với họ trong thực hiện những quyền cơ bản của con người được pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế quy định, như quyền: khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội...
Đáng chú ý, phần nhiều trong số họ là những người yếu thế (là người di cư, cư trú không ổn định, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa...), đến nay, trải qua nhiều thế hệ đều không được pháp luật thừa nhận, bảo vệ đầy đủ.
Vì các lẽ trên, Thường trực Ủy ban QP-AN nhận thấy, dự thảo Luật Căn cước bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng người gốc Việt Nam là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Thảo luận sau đó, các đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo của Thường trực Ủy ban QP-AN. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, theo các đại biểu, mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân khi chưa xác định được quốc tịch, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự. Đây cũng là vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm quyền lợi của người gốc Việt Nam, những người yếu thế trong xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Để thuyết phục hơn nữa, các đại biểu đề nghị có thống kê, phân loại và đánh giá thực trạng những đối tượng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam mà chưa có quốc tịch, trên cơ sở đó, đánh giá tác động của nhu cầu và việc cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt Nam.