Đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5

Thứ Năm, 09/02/2023 10:23

|

(CAO) Ngoài dự Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Tư pháp dự kiến trình bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 thêm 5 dự luật khác.

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại báo cáo cáo này, Bộ Tư pháp cho biết, đến cuối tháng 1-2023, các bộ đã lập 15 đề nghị xây dựng luật để đưa vào Chương trình năm 2024 hoặc bổ sung vào Chương trình năm 2023, trong đó có 1 đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân đã được Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 theo Tờ trình số 45/TTr-CP ngày 27-11-2022.

Một phiên làm việc toàn thể tại Hội trường của Quốc hội

Với 14 đề nghị xây dựng luật còn lại, Chính phủ đã cho ý kiến đối với 10 đề nghị, còn 4 đề nghị dự kiến sẽ được Chính phủ cho ý kiến trong tháng 2-2023.

Báo cáo cụ thể về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2023, Bộ Tư pháp nêu, theo các nghị quyết của Chính phủ và đề nghị của các bộ, dự kiến sẽ bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 9 dự án. Bộ Tư pháp dự kiến trình Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 6 dự án, gồm: 2 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6, là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Bổ sung vào Chương trình 4 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Như vậy, số lượng dự án thuộc Chương trình năm 2023 sẽ là 21 dự án (bao gồm cả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân), tăng 7 dự án so với Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022.

Với đề nghị Chương trình năm 2024, Bộ Tư pháp dự kiến đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án (trong đó có 2 dự án đã có trong Chương trình). Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Trình Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản.

Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án, gồm Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).

Nêu nguyên tắc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, cần ưu tiên các dự án luật triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết gần đây của Ban chấp hành Trung ương, các Kết luận của Bộ Chính trị và Ban Bí thư…, các dự án phục vụ việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội…

Đề nghị xây dựng luật cụ thể hoá quyền chuyển đổi giới tính

Cổng thông tin điện tử Quốc hội vừa công bố tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật Bản dạng giới của đại biểu Quốc hội khoá XV Nguyễn Anh Trí, Tiến sỹ Y khoa, công tác lâu năm trong ngành y.

Đề xuất của đại biểu xuất phát từ những bất cập trong hệ thống pháp luật trong lĩnh vực giới đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật Bản dạng giới trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp điển hóa vào dự thảo Luật các quy định liên quan đến quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh là quy định về quyền và nghĩa vụ của người đề nghị công nhận bản dạng giới; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người đề nghị xác nhận lại bản dạng giới; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện xác định tâm lý, can thiệp y học để thay đổi hình thể đúng với giới tính đã được công nhận.

Luật điều chỉnh đối với cá nhân có yêu cầu xác nhận bản dạng giới, chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đổi giới tính.

Dự kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (tháng 3-2023).

Bình luận (0)

Lên đầu trang