Chất lượng thanh niên nhập ngũ tăng cao
Từ ngày 06 đến 10-02-2023, theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, thanh niên trên cả nước sẽ lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) 2023. Đây là kế hoạch thường niên thực hiện trong thời bình để đảm bảo an ninh quốc phòng, đào tạo huấn luyện các tân binh, bổ sung cho nguồn lực của quân đội sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống; cũng là nghĩa vụ với Tổ quốc mà mọi công dân đến tuổi đều có trách nhiệm thi hành.
Thường mỗi năm, mùa xuân là mùa tòng quân, mỗi tỉnh thành có hàng ngàn thanh nhiên lên đường nhập ngũ. Cho đến nay các địa phương đều làm tốt công tác chuẩn bị nhập ngũ cho tân binh, đủ số lượng và chất lượng. Tại TPHCM, hơn 4.700 thanh niên đủ tiêu chuẩn đã sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác đã thực hiện nhiệm vụ giao quân. Tại Thanh Hóa, có hơn 200 đảng viên, 1.000 thanh niên đồng bào dân tộc ít người lên đường nhập ngũ. Chất lượng thanh niên nhập ngũ khá tốt, trong đó số lượng đã tốt nghiệp THPT hơn 70%, tốt nghiệp đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp đạt gần 6%... Đặc biệt có hơn 700 thanh niên viết đơn tình nguyện thi hành NVQS. Theo Hội đồng NVQS tỉnh Thanh Hóa, số thanh niên đồng bào dân tộc được chọn lọc rất kỹ để rèn luyện, đào tạo trong môi trường quân đội, đây sẽ là nguồn cán bộ cơ sở cho các địa phương miền núi sau khi hoàn thành tốt NVQS.
Bộ Công an khuyến khích nữ công dân tham gia nghĩa vụ Công an
Năm nay nhiều địa phương tổ chức những lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng để thanh niên ưu tú có điều kiện phấn đấu vào Đảng.
Tại Nam Định, nguồn thanh niên chuẩn bị thực hiện NVQS được chọn lựa rất kỹ. Sáng 06-02, Nam Định đã tiến hành bàn giao 2.550 công dân cho 25 đầu mối đơn vị quân đội, trong đó 166 thanh niên có trình độ ĐH-CĐ, chiếm 6,2%; 50,1% trình độ THPT, 43,7% trình độ THCS; tuổi đời từ 18 đến 21 chiếm 84,3%. Đặc biệt, trong số 2.250 thanh niên Nam Định lên đường nhập ngũ, có 602 thanh niên là đồng bào Công giáo; 298 thanh niên (chiếm 11,1%) là con cán bộ, đảng viên... gần 600 thanh niên được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, đảm bảo chất lượng chính trị.
Tại Lạng Sơn, có hơn 1.200 thanh niên nhập ngũ, 701 thanh niên trúng tuyển được bồi dưỡng nhận thức về Đảng trước khi nhập ngũ; gần 80% thanh niên có trình độ văn hóa lớp 12 và 100% thanh niên tham gia Công an Nhân dân tốt nghiệp lớp 12.
Tại Ninh Bình, có 167 thanh niên là đảng viên; 259 thanh niên đồng bào Công giáo, gần 300 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Tại Nghệ An, 1.315 công dân đã được học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng; 735 công dân thuộc dân tộc ít người; 187 công dân có tôn giáo.
Hà Tĩnh có 90,6% thanh niên tốt nghiệp THPT, CĐ, ĐH lên đường tòng quân.
Tham gia nghĩa vụ Công an có cơ hội chuyển sang chế độ chuyên nghiệp
Về công tác tuyển quân của Bộ Công an năm 2023, theo Đại tá Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an trả lời báo chí hôm 06-02-2023, ngay từ những ngày đầu năm mới 2023, trên cơ sở chỉ tiêu tuyển chọn công dân thực hiện NVQS tham gia Công an nhân dân năm 2023, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch, bố trí lãnh đạo Bộ trực tiếp dự lễ giao nhận quân tại các địa phương và dự lễ khai giảng khóa huấn luyện chiến sĩ mới. Công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động công dân bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, nhất là công dân nữ.
Cũng theo Đại tá Đức, nguồn tuyển của Công an các đơn vị, địa phương đạt khoảng 102,4% so với chỉ tiêu được giao; nhiều công dân có trình độ ĐH-CĐ đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, chiến sĩ mới sẽ được phân công về các đơn vị, địa phương để thực hiện các nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định.
Đặc biệt, theo Đại tá Đức, đối với chiến sĩ nghĩa vụ trước khi nhập ngũ đã tốt nghiệp và được cấp bằng tốt nghiệp ĐH chính quy đạt loại khá trở lên (thuộc danh mục ngành, chuyên ngành tốt nghiệp tương tự như danh mục ngành, chuyên ngành dự tuyển ĐH văn bằng 2 vào Công an nhân dân), hoặc đã tốt nghiệp và được cấp bằng đào tạo trình độ sau ĐH, quá trình phục vụ tại ngũ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi hết hạn phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân sẽ được chuyển thẳng sang chế độ chuyên nghiệp và cử đi đào tạo văn bằng 2 nghiệp vụ Công an tại các trường Công an nhân dân.
Thanh niên lên đường nhập ngũ
Những đổi mới này là động lực rất lớn để thu hút thanh niên có trình độ, năng lực tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, đồng thời phù hợp với Nghị quyết số 12, ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Môi trường Quân đội, Công an rèn giũa cho tuổi trẻ thêm trưởng thành
Lịch sử đương đại của Tổ quốc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thậm chí đó là những cuộc chiến tranh ác liệt giành độc lập, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Máu của các thế hệ chiến sĩ, thế hệ bộ đội Cụ Hồ đã đổ ra để có một nước Việt Nam phát triển như ngày hôm nay, tô điểm cho lá cờ Tổ quốc thắm tươi, giữ gìn sự bình yên cho đồng bào mình. Tổ quốc ngàn đời ghi công những người đã hy sinh cho đất nước.
Thế hệ thanh niên ngày nay được sống trong thời bình có điều kiện học tập, làm việc trong một môi trường lý tưởng. Tuy nhiên, trong một thế giới đa cực mà xung đột lợi ích quốc gia, địa chính trị rất dễ xảy ra, thì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu. Việc xây dựng quân đội, Công an chính quy hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới luôn đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt. Quân đội nhân dân Việt Nam và CAND đang xây dựng lực lượng theo hướng đó.
Điều rất đáng mừng là chúng ta có nhiều trường đào tạo sĩ quan các binh chủng ngày càng lấy điểm rất cao, kể cả các trường đào tạo sĩ quan ngành công an, như Học viện An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân; Học viện Quân y, Hậu cần, Biên phòng, Hải quân; Trường Sĩ quan Lục quân 1,2, Trường Sĩ quan Pháo binh, Công binh, Thông tin, Không quân... đều lấy điểm đầu vào rất cao, thậm chí ngang với top các trường ĐH hàng đầu hiện nay, cho thấy sức hút của các loại trường quân sự, Công an. Đó là điều đáng mừng, bởi lẽ trong tình hình kỹ thuật quân sự ngày càng hiện đại, yêu cầu cao về nguồn nhân lực, đào tạo những sĩ quan chuyên nghiệp từng ngành, để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội, Công an trong tình hình mới.
Với việc thực hiện NVQS có mục đích khác là huấn luyện, đào tạo những chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng làm nhiệm vụ là đội quân dự bị trong trường hợp có xảy ra chiến tranh, xung đột, góp phần xây dựng an ninh quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện NVQS không chỉ là trách nhiệm của công dân trong lứa tuổi mà môi trường Quân đội, Công an còn là môi trường rèn giũa giúp các bạn trẻ trưởng thành.
Trên thực tế những tháng năm được rèn luyện trong môi trường quân đội, Công an đã giúp các chiến sĩ trưởng thành, vững bước hơn cho một hành trình mới của cuộc sống khi xuất ngũ trở về địa phương; đồng thời, tình đồng chí, đồng đội trở thành điều thiêng liêng của những người lính... là những dấu ấn đẹp đẽ của những quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Cần làm mới Luật Nghĩa vụ Quân sự
Luật NVQS năm 2015 còn có những bất cập cần sửa đổi để đảm bảo sự công bằng và nâng cao hiệu quả của chế độ NVQS.
Mới đây, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến, đề nghị "Nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015, quy định theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện NVQS; sau đó mới được đi học ĐH hoặc học nghề để đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở gọi thanh niên nhập ngũ".
Trong văn bản trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng, việc gọi công dân nhập ngũ hiện nay còn bất cập, trong đó có việc bảo đảm công bằng xã hội đối với mọi nam thanh niên trong độ tuổi.
Theo quy định, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú. "Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối nên chúng ta chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ mà chỉ gọi 3 - 3,2% số thanh niên trong độ tuổi", Bộ Quốc phòng phản hồi.
Bộ cũng thông tin sẽ nghiên cứu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, đề xuất hoàn chỉnh quy định bảo đảm thống nhất, đồng bộ và công bằng.
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay thời gian thực hiện NVQS ở nước ta 24 tháng là dài, nên rút ngắn thời gian và tăng cường độ huấn luyện và tùy tính chất các binh chủng, thời gian tại ngũ khác nhau, như bộ binh, đâu cần đến 24 tháng mới đào tạo được một chiến sĩ hợp thành; với hải quân, tăng thiết giáp, tác chiến điện tử chẳng hạn, thời gian 24 tháng là chưa đủ... Ngoài ra sự công bằng là yêu cầu được đặt ra, khi luật hiên tại vẫn bỏ sót nhiều sinh viên đi du học, xuất khẩu lao động, dù luật hiện hành có điều chỉnh các trường hợp này.
Luật cần sửa đổi như ý kiến của Bộ Quốc phòng để tạo điều kiện cho mọi công dân trong lứa tuổi làm nghĩa vụ quốc gia, vừa là vinh dự, tự hào khi được làm anh bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc khi cần, vừa được rèn luyện thực sự trong môi trường quân đội để thanh niên trưởng thành.
(Còn tiếp...)