Không quản được thì cấm?
Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật tố cáo phải giải quyết được những tồn tại, vướng mắc của luật cũ và phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, an ninh chính trị cũng như thực tế công tác khiếu nại, tố cáo hiện nay. Tuy nhiên, những nội dung mới đưa vào lại chưa rõ ràng, chưa được đánh giá tác động, thiếu tính khả thi như về hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh, mạo danh, bảo vệ người tố cáo.
Về hình thức tố cáo, theo dự thảo luật, có 2 hình thức tố cáo là trực tiếp và đơn thư có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng; đồng thời, không giải quyết đơn thư nặc danh. Vấn đề này hiện có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí tranh luận gay gắt giữa các đại biểu.
Đồng tình với dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đồng Tháp cho rằng, thực tế hiện nay, tình hình khiếu nại tố cáo rất phức tạp, riêng giải quyết tố cáo có ghi rõ tên, địa chỉ cũng đã không xuể, nên luật chỉ nên tập trung giải quyết tốt số đơn có tính pháp lý cao như phải có tên tuổi, địa chỉ và trực tiếp, không giải quyết đơn nặc danh, khi nào có đủ điều kiện mới xem xét đến đơn thư gửi qua hình thức khác.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Khánh Hòa thì nhấn mạnh: “Luật tố cáo thể hiện nền dân chủ của chúng ta, nhưng phải dựa vào tình hình kinh tế xa hội thực tế của đất nước, nếu chọn giải quyết tất cả đơn thư thì liệu đủ người mà làm không?. Nhà nước ban hành pháp luật thì phải kiểm soát được tình hình, không kiểm soát được thì phải xem xét, nếu không sẽ dễ bị lợi dụng và khó kiểm soát”.
Đại biểu Trần Văn Mão, Nghệ An còn lo ngại việc có thể dùng điện di động, email, fax của người khác để tố cáo, dẫn đến giải quyết rất mất thời gian, làm mất uy tín, danh dự của người bị tố cáo; trong khi thực tế số lượng tố cáo nặc danh không có cơ sở rất cao, lại hay xảy ra vào dịp bầu cử, bổ nhiệm…gây ảnh hưởng lớn cho người bị tố cáo mà không thể xử lý được.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu giải trình trước Quốc hội về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) Tranh luận gay gắt với ý kiến trên, đại biểu Hà Văn Thể, Sóc Trăng còn cho đây là “sai lầm nghiêm trọng”. Dẫn ra thực trạng thời gian qua về việc người tố cáo bị trả thù vì các cơ quan giải quyết tố cáo không thể giữ được bí mật, đại biểu cho rằng tố cáo bằng thư điện tử là văn minh, phù hợp nhất, khả thi nhất trong điều kiện hiện nay và đây cũng là hình thức người tố cáo tự bảo vệ mình.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên, Bình Thuận còn cho rằng, nếu không chấp nhận các hình thức qua email, fax…thì không thể xem xét toàn diện các nội dung tố cáo, nhất là trong bùng nổ thông tin như hiện nay, người tố cáo sẽ dễ dàng đưa nội dung tố cáo lên mạng thì còn phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, Luật phòng chúng tham nhũng cũng quy định việc này, vì vậy cần đưa ra biện pháp đặc thù đối với từng hình thức tố cáo chứ không nên bỏ qua. Có đại biểu còn khẳng định, nếu không chấp nhận đơn thư điện tử là đi ngược lại xu thế và pháp luật của chính chúng ta. Chứng ta than phiền xây dựng Chính phủ điện tử nhưng không có người dân điện tử, vậy không chấp nhập tố cáo bằng thư điện tử thì có phải đi ngược lại chủ trương và không quản được thì cấm không?
Về vấn đề này, giải trình ngay tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng mở rộng thêm 2 hình thức: thư điện tử có ký tên và các phương tiện thông tin truyền thông khác nhưng có nội dung, bằng chứng rõ ràng, cụ thể thì có thể xem xét theo quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo. Với đơn thư nặc danh nếu có đủ bằng chứng thì dùng làm tư liệu để xem xét, giải quyết nhưng không theo quy trình giải quyết khiếu nại tố cáo.
Vẫn chưa rõ cơ quan nào sẽ bảo vệ người tố cáo
Vấn đề được hầu hết các đại biểu đề cập trong phần thảo luận của mình chính là việc bảo vệ người tố cáo. Các đại biểu chỉ ra một thực tế hiện nay là người tố cáo thường bị trả thù bằng nhiều cách. Đại biểu Bùi Văn Phương, Ninh Bình nhấn mạnh: “Việc trù dập người tố cáo là có thật, cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay chưa đi vào cuộc sống, bản thân người tố cáo không sợ, nhưng lo cho gia đình, người thân”.
Phiên họp quốc hội bàn về những vấn đề nóng bỏng
Nêu ra những cách trả thù người tố cáo đã đến tầm tinh vi, văn minh, chỉ người trong cuộc mới biết mình bị trả thù, đại biểu đề nghị cần phải tính toán đến việc bảo vệ người tố cáo một cách rất hợp lý để dân thực hiện quyền của mình, góp phần xây dựng nhà nước minh bạch, văn minh.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cũng đề nghị, để bảo vệ an toàn cho người tố cáo thì cần ghi rõ trong luật cơ quan đầu mối để bảo vệ người tố cáo; còn quy đinh cấm tiết lộ tên tuổi, địa chỉ người tố cáo là không khả thi vì khi tiếp nhận, giải quyết là đã lộ lọt rồi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An thì băn khoăn, vậy người cung cấp thông tin cho người tố cáo thì có được bảo vệ hay không vì trong luật không thấy đề cập, biện pháp bảo vệ cũng quy định rải rác rất khó thực hiện. Về ý kiến đại biểu đề nghị công an bảo vệ toàn bộ từ nhân thân đến tính mạng người tố cáo, đại biểu Cầu cho rằng, công an đã rất nhiều việc, giờ lại bảo vệ cả người tố cáo nữa thì không thể đủ lực lượng thực hiện, hiện có lực lượng bảo vệ dân phố, bảo vệ doanh nghiệp chẳng hạn, chúng ta có thể sử dụng biên chế nhà nước để thuê.