Thảo luận về Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi):

Đầu tư hiệu quả mới kéo giảm được nợ công

Thứ Sáu, 16/06/2017 17:20  | Trà My

|

(CAO) Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, sáng 16-6, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).

Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật quy định, nợ công gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Đa số đại biểu thống nhất với quy định này, theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thống nhất với quy định của Luật, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá cụ thể hơn về thực trạng tình hình thực trạng ngân sách nhà nước, trả nợ thay cho các doanh nghiệp nhà nước, tình hình và thực chất nợ ngân hàng chính sách.

Cho rằng đối tượng, chương trình, dự án được cấp bảo lãnh quy định trong Dự thảo luật còn quá rộng, các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, quy định các điều kiện cụ thể theo hướng thu hẹp đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ nhằm tránh rủi ro cho ngân sách nhà nước.

Cần giải trình rõ lý do nợ do ngân hàng nhà nước phát hành không thuộc nợ công cũng như một số khoản nợ khác như nợ xây dựng cơ bản của cấp tỉnh huyện, xã trong trường hợp không đủ khả năng chi trả, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng…

Không thống nhất với việc Luật không quy định nội dung giám sát các khoản vay nợ không tính vào nợ công, vì khi có rủi ro thì nhà nước hoặc ngân sách nhà nước vẫn phải gánh chịu các khoản nợ này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu ý kiến: Đối với doanh nghiệp nhà nước khi không trả được nợ thì có thể phá sản nhưng tín nhiệm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí đi vay, rủi ro cao thì lãi vay phải trả cao, người lao động mất việc làm, các khoản nợ không trả được sẽ trở thành nợ xấu của ngân hàng. Và nợ nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia nên cần phải có quy định trong luật để giám sát và nhà nước phải có giải pháp mang tính chính sách quản trị rủi ro này.

Đối với nội dung nợ xây dựng cơ bản, nợ mang tính điều hành phải quy định rõ trong luật này là phải xử lý dứt điểm trong năm ngân sách vì khi để sang năm sau sẽ tăng sức ép và làm hạn hẹp ngân sách năm sau từ đó ảnh hưởng đến bội chi, nợ công nên phải giám sát và quản trị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) tại phiên thảo luận

Về quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cần phải được thể hiện rõ ràng hơn nữa, bởi khi một người thực hiện nhiệm vụ, nếu để xảy ra hậu quả không tốt thì phải gánh chịu hậu quả đó.

“Nếu không quy định trách nhiệm về hậu quả thì đương nhiên cơ quan nào cũng nhận cái lợi của mình”-đại biểu chỉ ra và đề nghị phải quy định các cơ quan đi vay về cho vay lại hoặc bảo lãnh vay phải chịu trách nhiệm trả nợ thay nếu người vay không trả được nợ.

Chỉ ra một thực tế là nợ công nước ta đang tăng rất nhanh, mỗi năm tăng khoảng 300.000 tỷ đồng trong khi nhu cầu đầu tư công, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng của các tỉnh, các địa phương còn rất lớn và dư địa còn rất hạn hẹp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ, việc kiểm soát, quản lý nợ công để đảm bảo an toàn nợ công là cấp thiết.

Đại biểu Ngân lưu ý, nợ công tăng lên không chỉ do Luật Quản lý nợ công hiện hành không phù hợp mà do nhiều nguyên nhân, từ nhu cầu chi tiêu công của chúng ta ngày càng cao, bội chi ngân sách luôn vượt mức dự toán. Do vậy, mục tiêu và quan điểm xây dựng luật, nợ công phải được công khai và cập nhật liên tục. Nợ công và đầu tư công có gắn kết chặt chẽ với nhau, đầu tư hiệu quả thì chúng ta mới kéo giảm được nợ công.

Bình luận (0)

Lên đầu trang