TP HCM chống “nạn” đổ trộm bùn thải vệ sinh:

Xe vận chuyển bùn thải vệ sinh phải gắn thiết bị giám sát hành trình

Thứ Sáu, 16/06/2017 16:38

|

(CAO) Ủy ban nhân dân (UBND) TP HCM vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của các xe thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu trên địa bàn.

Theo đó, các xe thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu được yêu cầu phải gắn thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn tình trạng đổ trộm bùn thải vệ sinh…

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc xử lý chất thải của các đơn vị hoạt động trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, đảm bảo không để xảy ra ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong các tháng mùa mưa.

Xe thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu tại TP HCM được yêu cầu phải gắn thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn tình trạng đổ trộm bùn thải vệ sinh… (Ảnh minh họa)

Sở Tài nguyên và Môi trường TP cũng được giao nhiệm vụ đề xuất địa điểm xây dựng trạm trung chuyển bùn hầm phù hợp, đảm bảo môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho các chủ xe thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu ở xa Nhà máy xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Mặt khác, UBND TP cũng yêu cầu UBND các quận,huyện tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu tại địa phương; đồng thời tổ chức các biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu trên địa bàn.

Trước đó, trong bài viết “Chất thải vệ sinh: Đổ đi đâu?” đăng ngày 26-04-2017, Báo Công an TP HCM đã phản ánh thực trạng: “Mỗi ngày tại TP HCM phát sinh khoảng 500 mét khối chất thải do hoạt động bơm hút chất thải nhà vệ sinh. Theo quy định, toàn bộ chất thải này phải mang đi xử lý theo quy trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Nhà máy Hòa Bình (đơn vị hợp pháp duy nhất xử lý chất thải hầm cầu ở TP HCM, đóng tại khu Đa Phước, huyện Bình Chánh) chỉ tiếp nhận xử lý 1/3 con số đã nêu. Do đó, 2/3 khối lượng còn lại đi đâu?”.

Từ thực trạng này, bài viết đã chỉ ra một số hành vi đổ trộm chất thải nhà vệ sinh trên địa bàn thành phố. Qua đó, lên tiếng cảnh báo về việc mỗi ngày có hàng trăm tấn chất thải chưa qua xử lý nếu bị đổ trộm xuống ao hồ, sông rạch,…sẽ gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang