Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân:

"Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ" (kỳ 3)

Thứ Ba, 15/03/2022 23:50

|

(CAO) Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm của sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022), cũng là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành và những thành tích, chiến công, đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta được hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lúc này là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, lực lượng Cảnh sát nhân dân ở miền Bắc tiếp tục tăng cường hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ cho Công an các Sở, Ty ở miền Nam, tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng mới giải phóng.

Ngày 02/12/1980, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 31/NQ-TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Nghị quyết chỉ rõ: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, sử dụng đồng bộ mọi biện pháp nhằm tích cực xây dựng, chủ động phòng ngừa, chủ động tiến công và tiến công liên tục, tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công, nhằm tiêu diệt và làm tan rã bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng An ninh nhân dân truy quét tàn quân ngụy, trấn áp các tổ chức phản động như “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” (7/1982), tổ chức “Lực lượng dân quân phục quốc” ở TP Hồ Chí Minh, tổ chức “Sư đoàn Thanh Long - Long Thoại” ở Hậu Giang, tổ chức phản động trong Viện hóa đạo Ấn Quang và hàng trăm tổ chức phản động khác.

Đội săn bắt cướp, Công an quận 5, TP. Hồ Chí Minh lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh tư liệu.

Từ năm 1980 - 1985, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã bắt 192.504 tên (30% là lưu manh chuyên nghiệp), triệt phá 13.000 băng ổ nhóm, trong đó có 81 băng cướp của giết người, 60 băng cướp của tống tiền, điển hình như băng cướp do tên Nguyễn Văn Sơn, tức “Sơn Dứa” cầm đầu, chuyên cướp trên tàu hỏa (02/1980); băng cướp gồm 20 tên do Nguyễn Khắc Lễ cầm đầu (8/1982); băng cướp do tên Võ An Khê cầm đầu ở An Giang (3/1983); băng cướp do tên Trần Văn Tuyến cầm đầu ở Hải Phòng (3/1983); băng cướp do tên Nguyễn Trung Thành cầm đầu ở Nghĩa Bình (12/1984); băng cướp do tên Nguyễn Văn Nghĩa cầm đầu ở Hà Nội (02/1985)...

Thực hiện Nghị quyết 128/HĐBT ngày 02/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về các biện pháp cấp bách bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đấu tranh có hiệu quả với bọn tội phạm kinh tế, tập trung vào các ngành trọng điểm là giao thông vận tải, vật tư, lương thực, chú trọng bảo vệ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, vật tư quý hiếm, lập lại trật tự kinh tế và ổn định trật tự, an toàn xã hội; tổ chức nhiều đợt tấn công truy quét bọn buôn lậu hoạt động trên tuyến biên giới Tây Nam. Kết quả: Lực lượng Cảnh sát đã điều tra khám phá, xử lý 76.389 vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, thu nhiều hàng hóa, tài sản có giá trị lớn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), lực lượng Cảnh sát nhân dân và lực lượng An ninh nhân dân đã nắm chắc tình hình, đấu tranh có hiệu quả với Fulro. Tiểu đoàn I, Cục Cảnh sát Bảo vệ được thành lập, trực tiếp chiến đấu chống Fulro, phối hợp chặt chẽ với lực lượng An ninh làm tốt công tác dân vận, trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, đã đánh 2.025 trận, tiêu diệt 2.435 tên, bắt gần 3.000 tên, kêu gọi 9.546 tên ra trình diện. Sau hơn 10 năm chiến đấu ở vùng rừng núi Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân đã góp phần quan trọng vào chiến công chung, tiêu diệt và làm tan rã Fulro, tạo chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự ở địa bàn Tây Nguyên. Ghi nhận thành tích trên, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn I và liệt sỹ Lưu Thế Hà, cán bộ Tiểu đoàn I.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về quản lý nhân khẩu và cấp giấy chứng minh nhân dân thống nhất trong cả nước, với quyết tâm cao, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã hoàn thành công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân cho đồng bào miền Nam, phục vụ kịp thời nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển xã hội. Thông qua công tác quản lý hành chính đã phát hiện 31.740 đối tượng hình sự, 253.730 đối tượng chính trị, trên 117.229 đối tượng nguỵ quân, nguỵ quyền trốn trình diện, cải tạo; thu hồi hàng vạn khẩu súng quân dụng, đạn dược, thuốc nổ, phương tiện chiến tranh...

 
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang