Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ chuyên chính của cách mạng. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), “Đội Tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên tòa của Xô viết - Công nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh, trật tự ở những nơi có chính quyền Xô viết.
Tháng 3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất thông qua Nghị quyết quan trọng về “Đội Tự vệ”, xác định rõ: “Không một sản nghiệp nào, làng nào có cơ sở của Đảng, của Đoàn, của các Hội quần chúng cách mạng mà không có tổ chức Đội Tự vệ, đó là khẩu hiệu của chúng ta hiện nay”. Khi cuộc vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Đảng chỉ thị: “Mỗi ấp phải tổ chức ra Đội Tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và đối phó với các lực lượng phản động”.
Đầu năm 1940, Đảng chủ trương thành lập “Ban Công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ An toàn khu, bảo vệ cán bộ cấp cao của Đảng, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt. “Ban Công tác đội” đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu.
Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó, các tổ chức “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” lần lượt ra đời cùng với “Đội Tự vệ đỏ”, “Ban Công tác đội” và “Đội danh dự trừ gian” làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của Nhật, trừ khử bọn việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân.
Đội tự vệ huyện Hoà Quân và Đông Sớ trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 (Ảnh tư liệu)
Ngày 19/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân ra đời: Ở Bắc Bộ, chính quyền cách mạng thành lập Sở Liêm phóng Bắc Bộ; ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (bao gồm cả lực lượng Trinh sát và Cảnh sát). Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Các tổ chức Cảnh sát ngay sau khi được thành lập đã phối hợp với lực lượng Liêm phóng trấn áp bọn phản cách mạng, lưu manh côn đồ, giữ gìn trật tự trị an ở các thành phố, thị xã, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ căn cứ về Hà Nội. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác bảo vệ tuyệt đối an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945 tại Thủ đô Hà Nội. Để tăng cường xây dựng, củng cố các công cụ chuyên chính của chính quyền cách mạng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự trị an, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp nhất các Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ.
Mặc dù mới thành lập, song lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát nói riêng đã nhanh chóng ổn định đi vào hoạt động với vai trò là lực lượng chuyên chính của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực phản động và bọn tay sai của phát xít Nhật, thực dân Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch âm mưu gây bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng, bọn lưu manh côn đồ cướp của, giết người, làm mất trật tự trị an; đã điều tra khám phá hàng trăm vụ cướp của, giết người, bắt cóc tống tiền; triệt phá các tổ chức do bọn phản động lập ra để chống phá cách mạng. Nổi bật nhất là chiến công của Nha Công an Trung ương (gồm lực lượng Trinh sát và Cảnh sát): Ngày 12/7/1946, lực lượng Công an đã tấn công vào trụ sở của Quốc dân Đảng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) và số 80 phố Quán Thánh, Hà Nội, phá tan tổ chức phản động nguy hiểm đội lốt “Quốc gia dân tộc”, âm mưu cấu kết với thực dân Pháp đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng; điều tra khám phá vụ thảm sát cả nhà chủ hiệu kim hoàn Vĩnh Tường ngày 03/8/1946 ở Hải Phòng do binh lính Pháp gây ra; ngoài ra lực lượng Cảnh sát cùng các lực lượng bảo vệ an toàn cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong cả nước tháng 01/1946.
Ngày 18, 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị tại làng Vạn Phúc (Hà Nội), quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Căn cứ vào tương quan lực lượng địch - ta, Hội nghị khẳng định: “Cuộc kháng chiến của Nhân dân ta trường kỳ nhưng nhất định thắng lợi”. Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, mệnh lệnh chiến đấu đã được phát ra qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Người nói: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát xung phong và Công an trật tự nói riêng là di chuyển hồ sơ, tài liệu, di chuyển trại giam; bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan, kho tàng của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân; theo dõi và đẩy đuổi các đối tượng nghi vấn ra khỏi khu vực chiến sự; bảo vệ bí mật quân sự và tham gia chiến đấu tiêu hao sinh lực địch; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động quân sự của địch, hoạt động của bọn phản cách mạng, chuẩn bị đưa người trở về vùng địch tạm chiếm để hoạt động. Ngày 19/01/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phá hội tề”.
Thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ phong trào phá tề trừ gian đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng địch. Cũng trong năm 1948, thực hiện chủ trương “Bao vây kinh tế địch” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Công an trật tự các tỉnh đã tăng cường công tác bao vây, cô lập kinh tế địch đạt kết quả tốt. Điển hình như Công an các tỉnh Phú Thọ, Phúc Yên, Hưng Yên, Hải Dương… lập nhiều hàng rào bao vây kinh tế địch, các trạm kiểm soát buôn lậu, phục vụ ổn định kinh tế tại các vùng tự do.
Cùng với các hoạt động bao vây kinh tế địch, lực lượng Trị an hành chính đã đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm kinh tế, phát hiện bắt hàng trăm vụ buôn lậu, đầu cơ tích trữ, khám phá nhiều vụ án lớn như: Công an Lạng Sơn bắt 5 vụ buôn vàng; Công an Hải Dương bắt 24 vụ trốn thuế, thu giữ 5.000 mặt hàng; Công an Nghệ An, Hà Tĩnh khám phá vụ lấy cắp 17 vạn đồng (tiền Chính phủ kháng chiến), 5 vụ tiền giả; Công an Hà Giang khám phá 15 vụ tham ô, trong đó có vụ tham ô 1.000 tấn muối… Chiến công của lực lượng Trị an hành chính trong bao vây kinh tế địch, phòng chống tội phạm, bảo vệ kinh tế lúc này có ý nghĩa hết sức quan trọng, hạn chế hao hụt ngân khố quốc gia để tập trung cho kháng chiến, góp phần cô lập địch để tiêu diệt địch.
Đội Trinh sát Sở Công an Bắc Bộ trực tiếp điều tra khám phá tổ chức phản động Quốc dân Đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, ngày 12/7/1946 (Ảnh tư liệu).
Đầu năm 1950, tình thế ở chiến trường đang có lợi cho ta, ta càng đánh càng mạnh, vùng tự do được mở rộng, yêu cầu công tác bảo vệ căn cứ, vùng tự do và nội bộ càng cao, nhiệm vụ nắm tình hình địch, phục vụ tổng phản công đòi hỏi cấp thiết. Chính vì vậy, ngày 05/5/1950, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Chỉ thị số 10-CT/TW về “Đảng lãnh đạo Công an” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác công an. Thực hiện chỉ thị này, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm lãnh đạo công tác công an; chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, cử một số cán bộ Đảng có năng lực tăng cường cho ngành Công an. Tiếp đó, ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW quy định nhiệm vụ và tổ chức Nha Công an Việt Nam - đây là Chỉ thị quan trọng để xây dựng ngành Công an phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nền tảng xây dựng lực lượng Công an nhân dân sau này. Được tăng thêm sức mạnh tinh thần, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường, giữ vững khí tiết của người Công an cách mạng, không khai báo khi bị địch bắt, tra tấn vô cùng dã man, tiêu biểu như Anh hùng liệt sỹ Trần Thành Ngọ (Hải Phòng), Nguyễn Văn Dưỡng (Lạng Sơn), Bửu Đóa (Khánh Hòa), Bùi Thị Cúc (đội viên Công an xung phong Hưng Yên)… Những gương sáng đó đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng qua những chặng đường lịch sử.
Ở hậu phương, lực lượng Công an trật tự đã giải quyết tốt nhiều vấn đề về trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện Thông tư 118/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chống lưu manh, trộm cắp, Công an Nghệ An đã khám phá 4 vụ giết người cướp của, 3 vụ in, tiêu thụ tiền giả, 40 vụ cướp, hàng chục vụ biển thủ công quỹ, khám phá vụ trộm 17 vạn đồng tiền công quỹ ở Sở Tài chính Trung Bộ. Công an các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang khám phá nhiều vụ trộm cắp, cướp của, hàng chục vụ tham ô, nhiều vụ buôn bán thuốc phiện, vũ khí… Trong công tác giữ gìn trật tự, chống lưu manh, trộm cắp, lực lượng Công an đã tổ chức Nhân dân tham gia đấu tranh, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật. Nhiều đồn, trạm Công an đã tổ chức các buổi “Nhân dân phê bình Công an” để lắng nghe ý kiến của Nhân dân, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa Công an nói chung, nhất là lực lượng Công an trật tự nói riêng với Nhân dân để làm tốt công tác giữ gìn an ninh, trật tự.
Tháng 11/1953, Trung ương Đảng chính thức thông qua cương lĩnh cải cách ruộng đất và được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 01/12/1953. Thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, ngành Công an đã cử cán bộ tham gia phát động quần chúng cải cách ruộng đất, lực lượng Trị an hành chính có nhiệm vụ: “Kết hợp phát động quần chúng thu thập và kiểm soát vũ khí, chỉnh đốn và xây dựng Công an xã, tiến hành lập danh sách hộ khẩu trong xã, theo dõi sự biến chuyển về nhân khẩu (số người đến hoặc đi khỏi xã)”. Trong quá trình thực hiện, lực lượng Trị an hành chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó.
Thất bại trên các chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, Thượng Lào, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ xây dựng cứ điểm. Lực lượng Trị an hành chính cùng các lực lượng khác của ngành Công an được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với quy mô và tầm quan trọng của chiến dịch, ngành Công an đã thành lập “Ban công tác tiền phương” nằm trong “Hội đồng cung cấp mặt trận” để trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch; lực lượng Trị an hành chính đã tham gia bảo vệ chiến dịch, phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng chục vụ phạm pháp hình sự, bắt những tên lưu manh, trộm cắp hàng hóa, tài sản của Nhà nước, bắt bọn buôn lậu lợi dụng con đường dân công để làm ăn phi pháp; đồng thời cùng với các lực lượng khác của ngành Công an đã làm tốt công tác bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ các cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến.
Ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên phủ toàn thắng buộc Chính phủ Pháp phải ký kết với Chính phủ Việt Nam “Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương” ngày 21/7/1954. Trải qua 9 năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, lực lượng Trị an hành chính (tiền thân là Cảnh sát xung phong), Công an Trật tự đã bảo vệ vững chắc trật tự trị an ở vùng căn cứ, vùng tự do, chiến đấu diệt địch, phá tề, phục vụ bảo vệ an toàn các chiến dịch, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Mời độc giả đón đọc Kỳ II : Lực lượng Cảnh sát nhân dân bảo vệ công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước