(CAO) Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng thông tin về việc 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng và Vũ “nhôm” gây thất thoát 20.000 tỷ đồng; tâm huyết của Đà Nẵng để chuộc lại sân Chi Lăng sau khi Phạm Công Danh “cắm” cho ngân hàng.
Ngày 19-9, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa có buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 tại huyện Hòa Vang.
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa.
Các cử tri hỏi về việc báo chí đưa tin 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 (và chủ nhiều doanh nghiệp khác) gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng; xử lý trách nhiệm cụ thể ra sao.
Ông Nghĩa nói, sự việc đã được Cơ quan CSĐT của Bộ Công an kết luận và chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao vào tháng 9-2019. Vấn đề còn được bàn luận, nói nhiều; xem xét nhiều nữa. Những người trong vụ việc đều bị khởi tố, bắt về các hành vi vi phạm và chờ tòa án xét xử.
Về việc thực hiện thi hành án của Phạm Công Danh và đồng phạm tại sân vận động Chi Lăng, ông Nghĩa cho biết, Đã Nẵng đã báo cáo với Chính phủ và TAND Tối cao là Đà Nẵng không thể thực hiện các quyết định trong bản án liên quan tới sân Chi Lăng.
Nguyên nhân do sân Chi Lăng chưa thông qua quy hoạch dự án, chưa có quyết định giao đất thì 14 sổ đỏ được cấp là không hợp pháp và Phạm Công Danh dùng sổ đỏ này để đi vay ngân hàng. Đà Nẵng đề nghị xử lý những người có trách nhiệm liên quan.
Việc giải quyết theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, nhân dân Đà Nẵng là chuộc hơn 1.250 tỷ đồng để chuộc, lấy lại sân vận động cũng gặp nhiều khó khăn do liên quan, đụng chạm đến thẩm quyền và lợi ích của các ngân hàng đã cho vay Phạm Công Danh vay thông qua thế chấp sổ đỏ. Tuy nhiên Đà Nẵng đang rất quyết tâm để thực hiện được.
Sân vận động Chi Lăng đang trong quá trình thi hành án.
Nhiều cử tri phản ánh về việc nhiều người mang quốc tịch Trung Quốc phạm tội, gây án rất nghiêm trọng tại Việt Nam nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng. Bí thư Thành ủy cho biết, các cơ quan chức năng luôn giám sát; xử lý nghiêm.
Về việc người Trung Quốc mua, được cấp đất, tài sản hoặc nhờ nhiều người Việt đứng tên ở các khu vực nhạy cảm, các khu đất vàng ven biển Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT cho biết, dọc sân bay Nước Mặn (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) có 246 lô đất, trong đó có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên. 21 trường hợp này trước kia được cấp sổ đỏ cho người Việt Nam sau đó được chuyển nhượng cho người Trung Quốc qua việc mua bán, góp vốn…