Hội nghị chánh án ASEAN lần thứ 4: Hướng tới mục tiêu liên kết, phát triển ở Đông Nam Á

Thứ Sáu, 01/04/2016 11:17  | CAO

|

(CAO) Sáng nay 1-4, tại Hội trường Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ tư do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Đây là Hội nghị thường niên và do Tòa án tối cao các nước ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức. Hội nghị lần thứ nhất tổ chức năm 2013 tại Singapore; lần thứ hai năm 2014 tại Malaysia; lần thứ ba tại Philippines.

Hội nghị lần thứ tư tại Việt Nam dự kiến có sự tham dự của 10 đoàn đại biểu Tòa án tối cao các nước trong khối ASEAN, với khoảng 60 khách quốc tế và 50 khách Việt Nam. Các đại biểu là Chánh án, phó Chánh án, Thẩm phán, cán bộ cấp cao của Tòa án tối cao các nước trong khu vực.

Cho đến nay, Hội nghị Chánh án ASEAN đã phê chuẩn và đang thực hiện 3 hoạt động chủ yếu: (1) Xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN, (2) Xây dựng cơ chế tống đạt giấy tờ tư pháp trong tố tụng dân sự giữa các nước ASEAN và (3) Đào tạo tư pháp.

Từ kết quả phiên họp này, sau khi tham vấn Tòa án tối cao các nước ASEAN, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam quyết định đưa ra 6 chủ đề trao đổi tại Hội nghị Chánh án lần thứ tư tại thành phố Hồ Chí Minh, gồm: (1) Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, (2) Hội nhập ASEAN, (3) Xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN, (4) Đào tạo tư pháp; (5) Quản lý vụ án và Công nghệ tại tòa án, (6) Giải quyết tranh chấp gia đình xuyên biên giới.

Phát biểu tại phiên hội nghị sáng nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh:

“Hội nghị chánh án ASEAN lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa chính thức được thành lập vào năm 2015 vừa qua, với mong muốn xây dựng một cộng đồng ASEAN với ba trụ cột : An ninh, Kinh tế và Văn hóa xã hội với hơn 625 triệu người dân, với mục tiêu hòa bình, ổn định, liên kết, phát triển và hướng tới người dân làm trung tâm; tạo cơ hội cho hơn 625 triệu người dân ở Đông Nam Á về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Cộng đồng hoạt động trên các nguyên tắc chung, vì lợi ích của người dân, và người dân được thụ hưởng những thành quả từ việc hội nhập khu vực ASEAN cũng như xây dựng Cộng đồng ASEAN. Về kinh tế, đây là cơ hội cho người dân, doanh nghiệp các nước ASEAN tham gia vào một thị trường chung. Chính vì vậy, sự hợp tác của Tòa án các nước ASEAN cũng không nằm ngoài mục tiêu chung này.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình phát biểu  tại hội nghị - Ảnh: Lê Ngân 

Chúng ta đều thấy rằng, trong bối cảnh hội nhập khu vực, dòng đầu tư, thương mại, di cư trong khu vực đang diễn ra mạnh mẽ. Việc hội nhập và xích lại gần nhau giữa các hệ thống tư pháp và pháp luật trong khu vực dựa trên các chuẩn mực chung được thừa nhận rộng rãi, sẽ giúp giảm bớt chi phí thực thi pháp luật, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân ở các nước ASEAN; tăng cường tính minh bạch và khả năng dự đoán trước của hệ thống tư pháp; giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư; tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn và cạnh tranh bình đẳng giữa các nước.

Hội nghị là diễn đàn trao đổi cấp cao của người đứng đầu cơ quan tư pháp của các nước ASEAN với mục tiêu trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt quan hệ hợp tác đa phương giữa các nước.

Hội nghị cũng là nơi Chánh án các nước trao đổi về những chính sách chung, các ý tưởng hợp tác giữa các nước nhằm phát triển nền tư pháp khu vực. Có thể nói, đây được coi là biểu tượng của sự hợp tác và hội nhập khu vực của cơ quan tư pháp các nước ASEAN.

Qua ba Hội nghị Chánh án ASEAN trước đây, chúng ta đã có những bước đi ban đầu đúng đắn, để hướng tới những mục tiêu này, thông qua việc trao đổi những kinh nghiệm tốt của từng nước, tổ chức các hoạt động hợp tác cụ thể. Chúng ta đã cử ra các nhóm công tác để giúp các Chánh án trong việc đề ra kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực như: Xây dựng cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN, đào tạo tư pháp, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của tòa án.

Mặc dù nhận được sự quan tâm của Tòa án tối cao các nước trong khu vực, nhưng kết quả đạt được trong thực tế chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng của chúng ta do chưa có cơ chế hợp tác chặt chẽ, chính thức, thường xuyên giữa các nước để điều phối, giám sát và thực thi các chính sách, kế hoạch do Hội nghị Chánh án ASEAN đề ra.

Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị. - Ảnh: Lê Ngân 

Được sự thống nhất của các Ngài Chánh án, trong khung khổ Hội nghị lần này, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận về phương thức thực hiện các ý tưởng, sáng kiến đã đề ra trong các hội nghị, cụ thể: (i) thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, (ii) Hội nhập ASEAN, (iii) xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN, (iv) Đào tạo tư pháp; (v) Quản lý vụ án và công nghệ thông tin tại Tòa án và (vi) tranh chấp gia đình xuyên biên giới. Đồng thời, chúng ta còn thảo luận về các sáng kiến mới như: Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, Hội nhập ASEAN, tranh chấp trẻ em xuyên biên giới. Đây đều là những chủ đề được Tòa án các nước quan tâm.

Qua trao đổi, chúng ta đều thống nhất tại Hội nghị lần này đặt ưu tiên hàng đầu là chủ đề thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, để đưa cơ chế hợp tác trong ASEAN thực sự hiệu quả hơn, và xa hơn nữa là đưa hội nghị này ngang tầm với hội nghị của người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp của các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng trao đổi về chủ đề hội nhập ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp, cùng nhau tìm ra những chuẩn mực chung của khu vực, hài hòa hóa pháp luật và thực tiễn tư pháp của các nước cho phù hợp với các chuẩn mực chung đó.

Quang cảnh hội nghị thẩm phán ASEAN lần 4 - Ảnh: Lê Ngân 

Truyền thống hợp tác của các nước ASEAN là sự đồng thuận, và sự đồng thuận của Tòa án các nước trong các lĩnh vực hợp tác và đưa ra chính sách chung thể hiện sức mạnh, sự đoàn kết chặt chẽ giữa Tòa án các nước ASEAN.

Tôi mong rằng, các Ngài Chánh án, các vị đại biểu của Tòa án các nước tham dự Hội nghị này sẽ thảo luận cởi mở, với tinh thần xây dựng đối với các chủ đề của Hội nghị và tập trung vào những chủ đề chính, để chúng ta cùng có được tiếng nói chung về vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang