(CAO) Tại phiên khai mạc phiên họp thứ 49, ngày 13-6 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV.
Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 9 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-7 và dự kiến bế mạc vào ngày 30-7-2016. Một nội dung trọng tâm của phiên họp là xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước. Đây là nội dung quan trọng của kỳ họp đầu nhiệm kỳ, nên phần lớn thời gian của kỳ họp dành cho việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự.
Do trình tự, thủ tục tiến hành nội dung này có nhiều bước, có thể bị trống thời gian phiên họp, nên dự kiến bố trí xen kẽ với một số nội dung khác để bảo đảm thời gian cho việc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình về nội dung nhân sự; đồng thời, tiết kiệm thời gian kỳ họp.
Cũng tại kỳ họp này, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề. Dự kiến Tờ trình về dự thảo Nghị quyết sẽ được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp, tiếp thu, giải trình và báo cáo Quốc hội trước khi trình thông qua Nghị quyết.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV sẽ quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước
Về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Duơng (TPP), tại kỳ họp thứ 11, các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII đã được tiếp cận với Báo cáo về kết quả đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Duơng (TPP) và các vấn đề có liên quan; theo kế hoạch của Chính phủ thì sẽ trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa có văn bản chính thức về vấn đề này, nên chưa bố trí vào dự kiến chương trình.
Tổng thư ký Quốc hội đã có công văn đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản liên quan đến các vấn đề cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh một số nội dung cần báo cáo theo thông lệ (như công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công), Chính phủ chuẩn bị báo cáo (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay và xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối tại phiên họp thứ 50.