Kỷ niệm 39 năm thành lập Báo Công an TPHCM: Gợi chút hương xưa (kỳ 2)

Thứ Ba, 16/06/2015 09:35  | Trần Tử Văn

|

(CATP) Trong cuộc đời ai cũng có những hình ảnh để nhớ, với tôi, chân dung anh Huỳnh Bá Thành luôn đọng trong ký ức, khó mà lãng quên. Anh là biểu tượng của một người lãnh đạo thông minh, có óc sáng tạo, lòng yêu nghề, đặc biệt là cách sống nhân hậu. Hiếm có người nào hội tụ nhiều tố chất như vậy.

Một vị lãnh đạo đã từng nói với tôi: “Huỳnh Bá Thành là một người sống có ích cho nhiều người”.

Còn nhớ khoảng năm 1980 - 1981, Báo Công an thành phố lúc ấy còn lưu hành nội bộ, phóng viên và cả biên tập chỉ có chục người, cuộc sống còn trong cảnh “tiền chắt, gạo đong”, làm báo cứ lơ phơ, thụ động. Một buổi trưa như nhiều buổi trưa, tôi đến nhà ăn tập thể trong khuôn viên Công an thành phố. Bữa ăn thường diễn ra nhanh chóng bởi trên mâm cơm chẳng có món gì ngon ngọt để mà thưởng thức, nghiền ngẫm.

Trên bàn còn lại mình tôi, một anh chàng trung niên bước vào, kéo ghế ngồi đối diện. Tôi chú ý đến anh ta vì phong thái có vẻ nghệ sĩ. Liếc tôi một chút, anh ta hất hàm: “Ở đơn vị nào, em?”. Tôi đáp. Anh ta tiếp: “Nhà báo sao thấy xơ xác vậy, bút danh là gì?”. Tôi đáp nhát gừng. Anh ta nhìn thẳng tôi, đôi mắt tròn to, rồi nở nụ cười thân thiện: “Mày khá lắm! Nhưng làm báo như vậy biết chừng nào mà lên!”. Tôi hơi sượng trước lời nhận xét ấy, thầm nghĩ: “Cha nội này là ai mà ăn nói ngang tàng?”.

Tổng biên tập Huỳnh Bá Thành (bìa phải) thăm hỏi người dân nghèo trong một vụ hỏa hoạn - Ảnh: Báo CATP

Dường như là người dễ tính, anh ta lùa mấy chén cơm thật nhanh. Trước khi đứng dậy, như biết được nỗi thắc mắc của tôi, anh ta hỏi: “Biết anh là ai không?”. Nhìn điệu bộ phong lưu ấy, tôi lắc đầu. Anh ta cười nửa miệng: “Tao là Ba Trung. Về nói với mấy sếp của mầy, làm báo kiểu đó thì đói dài dài”. Thật sự lúc đó tiền nhuận bút cả năm cũng không sắm nổi một chiếc xe đạp.

Về cơ quan tôi đem chuyện gặp anh chàng sĩ quan an ninh ấy nói lại với mấy anh cán bộ có tuổi của tờ báo. Nghe qua, một anh bực mình, thốt lên: “Ba Trung là khứa nào mà dám chê bai như vậy?”. Ở đời, trong cái nghề cầm bút, khi viết được dăm ba chữ, có người đã nghĩ mình sắp thành văn hào rồi, nên không thích những lời nhận xét, bình phẩm. Ở cơ quan tôi cũng có vài anh mắc chứng bệnh ấy.

Sau đó ít lâu, nhân vật tôi gặp ở nhà ăn tập thể bỗng cầm quyết định về làm Phó tổng biên tập. Vẫn với nụ cười, ánh mắt và dáng điệu phong lưu ấy, anh ta còn có cái tên hết sức lừng lẫy: họa sĩ Ớt! Ba Trung là biệt danh hoạt động bí mật trong thời kháng chiến nên tôi không biết, còn Ớt là một tên tuổi chọc khuấy Mỹ - Thiệu điên đảo trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975, mà lúc còn mài ghế nhà trường tôi đã thích thú, ngưỡng mộ. Những bài viết đầu tiên in trên Báo Công an thành phố, anh ký một cái tên nghe hiền lành nhưng lại có sức thu hút mạnh mẽ: Huỳnh Bá Thành!

Tôi yêu nghề nhưng lúc ấy còn đang mò mẫm, chưa tìm được một hướng đi cho chắc chắn. Cách làm việc và những bài viết của anh đã in đậm trong đầu tôi, mở ra những điều mà tôi đang bế tắc. Tôi quan niệm, xung quanh mình cũng có nhiều điều để học, nhiều con người đáng để noi gương, cần phải tìm đâu cho xa xôi, cao đạo. Có việc tốt, cách làm hay của người khác, mình theo suốt cả đời cũng không đuổi kịp.

Năm 1986, Báo Công an thành phố chuyển sang một bước ngoặt mới, phát hành rộng rãi trong công chúng. Đến lúc này thì tài năng làm báo của anh Thành đã thật sự thể hiện. Một tờ báo chuyên ngành nhưng nhanh chóng được độc giả tiếp nhận và sức lan tỏa rộng lớn đến mức diệu kỳ. Kể từ ngày đó, những cây bút non trẻ như chúng tôi mới hiểu biết nghề báo là gì, nó không đơn giản như những năm làm lè phè trong thời bao cấp, nó không phải là một thứ cứ nhai đi, nhai lại mớ vốn chữ nghĩa có ít ỏi trong đầu.

Một ngày giữa năm 1992, anh Thành gọi tôi đến nhà riêng, cười cười rồi hỏi: “Mầy nhớ gặp anh lúc nào không?”. Làm sao quên được cái thuở ban đầu... khao khát ấy! Anh chợt nói thật chậm: “Ban biên tập đã làm văn bản đề bạt mầy làm Phó tổng biên tập. Vinh dự nhưng là trách nhiệm đó. Tương lai tờ báo này như thế nào tùy thuộc vào thế hệ của tụi bây. Lứa như tụi tao sắp qua giai đoạn lịch sử. Phải cố gắng hơn nữa, vì tốc độ chuyển động của xã hội ngày càng nhanh, cuộc cạnh tranh thông tin sẽ quyết liệt hơn, nếu yếu nghề thì chắc chắn sự nghiệp sẽ đổ vỡ...”. Anh còn nói với tôi nhiều điều xoay quanh những kỹ năng nghề nghiệp, lương tâm, ý thức của người cầm bút với xã hội. Tôi vẫn nhớ những lời hết sức chân tình: “Tao với mầy sinh ra từ những gia đình gian khó, nghèo chết bỏ, nhưng phải sống cho ra thằng đàn ông, sống cho đáng một kiếp người!”.

Đến lúc này tôi mới hiểu, nhiều năm qua Ban biên tập có ý tung tôi vào những khu vực nóng bỏng, những trận đánh lớn để xem tôi chiến đấu ra sao. Và thật sự chính những cuộc cọ xát gian khổ về nghề nghiệp, quay quắt trước những khó khăn của công tác xã hội đã giúp tôi trui rèn thêm ý chí.

Một ngày đầu tháng 4 năm 2015, trong lúc thu dọn vật dụng căn phòng làm việc để chuẩn bị trở về... mái nhà xưa, tôi chợt nhìn thấy mấy dòng chữ thân quen trên góc bản thảo một bài ký sự mà tôi đã lưu giữ suốt 25 năm qua: “Với nghề nghiệp, chỉ có hy sinh mới được hạnh phúc!”. Những lời răn sâu sắc của người anh lớn Huỳnh Bá Thành - Anh mất đã 22 năm nhưng những dòng chữ như tái hiện ánh mắt chân tình, nụ cười nhân hậu của một người... sống xứng đáng với một kiếp người!

Qua 38 năm sống với những con chữ, tôi thấy người cầm bút muốn có được hạnh phúc thì nên làm theo lời khuyên của Douglas Jerrold: “Hoa hạnh phúc mọc ngay bên cạnh chúng ta chớ đâu phải đi hái ở vườn người”!!!

Bình luận (0)

Lên đầu trang