Khi gặp ông già tuổi quá 80, đôi mắt lòa mà còn phải vác mấy tấm chiếu tranh rao khắp nẻo đường để tìm miếng ăn, tôi lại thấy ông là người đáng thương hơn. Rồi một bà mẹ lưng còng, chân run đi bán từng bao đậu phộng nuôi hai đứa con mắc bệnh thần kinh, tôi chợt nghĩ bà là người đứng ở mức tận cùng của sự bất hạnh.
Nhưng lại có một phụ nữ gầy như que củi đi lượm từng mảnh giấy vụn về đổi gạo nuôi ba đứa con mắc bệnh bại não và ông chồng bị liệt cột sống ăn nằm một chỗ, tôi bỗng rùng mình thấy khó có còn bi kịch nào đau lòng hơn thế nữa. Không có nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào, sự vui sướng thì có đỉnh điểm nhưng nỗi đau thương lại không có giới hạn tận cùng.
“Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó, trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau, mai đây chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau...”. Có thể ở thế giới bên kia ai cũng như nhau, nhưng khi trái tim bằng thịt còn đập, hình hài được dựng lên bằng những đốt xương còn cần nuôi dưỡng của hệ thống tuần hoàn, thì cuộc sống của người sang giàu và kẻ nghèo khó là một khoảng cách quá mênh mông.
Cái triết lý của bài hát chỉ nhằm an ủi cho những số phận không may, trên thực tại hàng triệu người cần được cứu giúp, cần được những bàn tay nhân ái của cộng đồng nâng đỡ.
* * *
Gần 30 năm trước, khi Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hành rộng rãi ra công chúng, thì đồng thời một nhiệm vụ quan trọng cũng được Ban biên tập giao cho toàn thể cán bộ, phóng viên là phải đẩy mạnh công tác xã hội - từ thiện.
“Dân mình còn nghèo lắm, cuộc sống nhiều vùng vẫn còn quá khó khăn, làm nhà báo cũng cần phải tham gia giúp đỡ cộng đồng, mỗi người góp một tay thì đất nước mới mau giàu mạnh...”, anh Huỳnh Bá Thành, người khởi xướng chương trình, đã mở lời tâm huyết như vậy.
Cán bộ Báo CATP qua các thời kỳ (từ trái sang): Ngọc Tươi, Trần Trọng Dũng, Nguyễn Anh Linh, Trần Tử Văn, Thiên Hà trong lần họp mặt truyền thống 2014 - Ảnh: Báo CATP
Lúc này quỹ từ thiện của tờ báo gần như chưa có, muốn thực hiện một chương trình lớn thì phải đi đến các cơ quan, xí nghiệp vận động, phải tổ chức những đêm ca nhạc, triển lãm tranh, dùng nhiều cách để kiếm cho được tiền. Tôi là người được giao trọng trách đi gây quỹ và khi bước chân ngày càng sâu tôi mới thấy con đường này cũng lắm chông gai, cũng nhọc nhằn, gian khó như những đêm ngồi gò lưng nặn từng chữ trên bản thảo.
Vé ca nhạc bán ở rạp không hết, anh Thành giao phóng viên xuống địa bàn năn nỉ người ta mua. Nhiều lần được mời, người có lòng... từ bi cũng ngao ngán, lúc đầu họ mua 100 vé, sau còn 50 vé, lần nữa tụt xuống 20 vé, để rồi sau đó khi nghe tôi đến, họ bảo mới bị... mổ hai con mắt.
Có lúc, anh Thành giao tôi bán 1.000 vé, đi hết một ngày trời, đến hàng chục cơ quan, xí nghiệp, tôi thu tiền về chỉ được 200 vé. Anh Thành nổi nóng, nói tôi làm nhà báo mà không dám hy sinh, bảo tôi phải tranh thủ ban đêm hoặc ngày chủ nhật để “canh” mấy ông giám đốc, thuyết phục họ mở lòng. Mặc dù đã “bầm gan, tím mật” nhưng nghĩ đến đại sự, tôi lại tiếp tục... hy sinh.
Có buổi tối, tôi “canh” được ông giám đốc một công ty cỡ lớn, ông ta vui vẻ rủ tôi đi... nhậu. Đến một nhà hàng sang trọng ở quận 1, ông gọi ra chai rượu mạnh, thủ thỉ với tôi: “Dẹp phứt ba cái chương trình văn nghệ, văn gừng gì đó đi, ai rảnh đâu mà coi. Chơi hết chai này, tối mai anh em mình về Chợ Lớn nhậu tiếp!”. Tôi không biết nói làm sao, cứ ngồi chịu trận. Sáng hôm sau, vào cơ quan, nhác thấy dáng vội vã của anh Thành, tôi vội chui xuống gầm cầu thang, ngồi nín thở. Có lẽ anh đang đi tìm cái thằng mà anh cứ bảo phải... hy sinh?!
Chuyện triển lãm tranh gây quỹ lại còn lắm khổ sở, nhiêu khê. Ở xứ mình, người biết thưởng lãm tranh chưa nhiều, mà giá cả đâu phải ai thích cũng sờ đến được. Ngay cả ở những nước văn minh, nhà nào treo được vài bức tranh thì đã được thiên hạ ngợi khen, nể trọng lắm.
Tôi có anh bạn hiền lành, vui tính, sau mấy năm nhảy vào lãnh vực đất đai, anh làm ăn khấm khá, xây nhà mới, mua xe hơi. Tôi mời anh đến phòng tranh ủng hộ, anh vui vẻ nhận lời. Khi đến nơi, liếc qua phòng tranh một lượt, anh dịu dàng rút tấm danh thiếp gắn vào bức to bằng quyển tập học trò, giá 150 đôla, cười hề hà: “Mình thích bức này nhất!”.
Biết nói sao, thấy thái độ nhiệt tình của anh, tôi cứ nghĩ sẽ bán được bức một, hai ngàn đôla, mới trích được số tiền kha khá cho vào quỹ, nào dè. Có lần, tôi mời được vị tổng giám đốc một công ty liên doanh, ông cũng hăng hái đến phòng triển lãm. Ngắm nghía hồi lâu, cuối cùng ông gắn tấm carte de visite vào bức vẽ trừu tượng to khoảng 5 tấc vuông, có giá 10 triệu đồng. Lấy tiền ông này cũng không phải dễ.
Hai tháng sau, nhân một đợt triển lãm khác, tôi lại mang thiệp đến công ty mời ông. Nở nụ cười thần bí, ông lấy ra một triệu đồng bảo là ủng hộ mấy đứa trẻ tàn tật vì không có thời gian đến xem tranh. Chợt bắt gặp bức tranh ông mua đợt trước treo ở tấm vách bên hông phòng tiếp khách, tôi buột miệng: “Bức tranh đẹp quá, sao ông không bày ở gian phòng này?”. Ông cười có vẻ ngượng: “Tôi treo rồi, bạn bè, khách khứa đến, nhìn bức tranh cứ đố hoài... Tôi cũng không biết giải thích thế nào cho trúng cảm xúc của người vẽ, mệt quá, dẹp quách cho rồi!”.
Nói thêm được điều gì. Bán tranh gây quỹ từ thiện thường mười lần thua, chỉ một lần thắng. Ngay cả những họa sĩ lừng lẫy như Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái lúc sinh thời còn phải... ăn cháo nhiều hơn ăn cơm!
Ngày nay, Báo Công an thành phố đã đem hàng trăm tỷ đi giúp đỡ đồng bào khắp mọi miền đất nước, không hiểu có bao nhiêu người còn nhớ cái thuở phải đi góp nhặt từng đồng để xây đắp công quỹ. Sự hy sinh thầm lặng của những tấm lòng nhiệt huyết có... bị gió cuốn đi?! Tôi chợt nhớ câu nói của Emerson: “Hạnh phúc là nước hoa mà bạn có thể đem cho kẻ khác nhưng lại không hưởng được vài giọt cho chính mình”. Vâng, hạnh phúc chính là sự hy sinh vì mục đích cao cả!