Tước bỏ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội phạm tham nhũng

Thứ Ba, 26/05/2015 10:49  | Hải Triều

|

(CAO) Chiều 26-5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi). Với mục tiêu sửa đổi, bổ sung là nhằm xây dựng Bộ luật hình sự (BLHS) phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013; phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm..., phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này được xác định là cơ bản và toàn diện.

Không thể bỏ tù pháp nhân

Góp ý về nội dung mở rộng nguồn BLHS, bổ sung chủ thể là pháp nhân, đại biểu Lê Đông Phong (TP.HCM) cho rằng cần hoàn thiện các quy định xử phạt hành chính, kinh tế đối với pháp nhân để có đủ cơ sở xử lý pháp nhân. Lý do là không thể bỏ tù pháp nhân mà chỉ có thể thể tước quyền sử dụng giấy phép… pháp nhân đó, mà tất cả những điều này lại đều đã được quy định trong các quyết định hành chính, kinh tế rồi. Mặt khác, việc bổ sung chủ thể pháp nhân sẽ khiến quá trình xử lý tố tụng hình sự bị kéo dài, không đảm bảo tính ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Đại biểu Lê Đông Phong.

Cũng theo đại biểu Lê Đông Phong, nguyên tắc hiện nay là cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Nếu một tập thể quyết định vấn đề nào đó mà hành vi lại cấu thành tội phạm thì tập thể đó phải chịu trách nhiệm hình sự và phân hóa theo trách nhiệm cá nhân thì vẫn xử lý hình sự được. “Nói rằng tập thể đó phạm tội mà chỉ xử lý trách nhiệm pháp nhân thì không ổn, không thuyết phục” – đại biểu Phong nêu quan điểm.

Chung cái nhìn với đại biểu Phong, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) khẳng định không thể truy tố một pháp nhân được vì đại diện cho pháp nhân đó đã có quy định rồi. “Tôi chưa thấy nước nào truy tố được pháp nhân” – ông Chung phàn nàn, đồng thời nói rõ, trong luật hành chính, doanh nghiệp đã có hình phạt tước giấy phép, giải thể... Khi luật khác đã điều chỉnh rồi thì không nên đưa vào Bộ luật hình sự.

Đại biểu Đỗ Văn Đương.

Ngược lại quan điểm trên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho biết, theo quy định hiện hành, pháp nhân phạm tội một mình hoặc có tổ chức thì cũng đều chịu trách nhiệm hình sự. Ở nhiều nước, theo ông Đương, đã quy định pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự, bởi lẽ dù ko phải con người nhưng pháp nhân cũng có ý chí, có tài sản pháp lý riêng. “Đã có lỗi lỗi hành chính, lỗi dân sự thì vì sao lại khước từ lỗi hình sự?” – đại biểu Đương đặt vấn đề. Theo đại biểu này, việc pháp nhân phạm tội nhưng bắt một cá nhân chịu tội là bất công. Vì thế, “đã đến lúc cần phân biệt lỗi cá nhân và pháp nhân”. Quan trọng là xác định pháp nhân phạm tội gì và hình phạt đối với pháp nhân là gì? Đại biểu Đương lưu ý, nếu là hình phạt tiền thì cần phải cao hơn hình phạt trong hành chính.

Đồng tình với quan điểm không thể bỏ tù pháp nhân nhưng đại biểu Đinh Xuân Thảo vẫn tán thành ý kiến của đại biểu Đương với lý do đưa pháp nhân vào chịu trách nhiệm hình sự sẽ đảm bảo tính nghiêm minh cũng như đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. “Nghiên cứu bổ sung pháp nhân là cần thiết, nhưng dự thảo cần làm rõ loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là tội gì, nguyên tắc xử lý hình sự với pháp nhân cần chú ý ko loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân dù đã xử lý hình sự với pháp nhân. Để cá nhân lợi dụng lẩn tránh trách nhiệm là không được” – ông Thảo nhắc nhở.

Các chế tài áp dụng với pháp nhân, theo đại biểu Thảo, cũng cần được quy định rõ. Còn Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình thì nhận định, việc quy định trách nhiệm pháp nhân không phải ở chỗ đầy đủ như thể nhân mà giới hạn trong một số trường hợp thôi, không thể tử hình hay bắt pháp nhân đi tù. Ông Bình cho rằng, đặt ra như thế thì mới thực hiện được cam kết quốc tế mà chúng ta tam gia, như tội rửa tiền, người ta phạt ngân hàng chứ không phải phạt nhân viên ngân hàng. Thậm chí người ta chấm điểm cả hệ thống ngân hàng, hạn chế giao dịch quốc tế.

Không bỏ phạt tử hình bằng mọi giá

Quan điểm này được Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu ra trong quá trình thảo luận. Dẫn chứng nước Mỹ, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nói, họ là nước văn minh như vậy nhưng vẫn áp dụng án tử hình.

Cũng bàn về nội dung này, đại biểu Lê Đông Phong bày tỏ sự thống nhất theo hướng giảm tội danh có khung hình phạt tử hình, tính toán đến các điều kiện áp dụng, giảm chủ thể. Tuy nhiên, đối với một số tội về chống loại người, theo đại biểu Phong, thì không nhất thiết phải giảm, và thực tế trên thế giới nhiều nước vẫn để khung hình phạt này với nhóm tội danh trên.

Tương tự, với tội danh cướp tài sản, tội phá hoại các công trình quan trọng quốc gia, đại biểu Phong đề nghị không nên bỏ án tử hình, nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất cần có hình phạt nghiêm khắc để ngăn chặn, răn đe. Chia sẻ với đại biểu Phong, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cân nhắc về việc xóa hình phạt tử hình với một số tội danh. Theo ông Lịch, xu hướng chung là giảm nhưng hiện nay chưa phải lúc. “Muốn cây ngay là phải uốn. Cần răn đe tối đa”- đại biểu Lịch nói.

Đại biểu Trần Du Lịch.

Với quan điểm những hành vi nào gây nguy hiểm cho xã hội thì cần trừng phạt hành vi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương lưu ý cần quy định những tội phạm và hình phạt tương ứng trong luật.

Chung cái nhìn với đại biểu Phong, đại biểu Đương nhấn mạnh không nên bỏ tội phá hủy công trình quan trọng quốc gia. “Tôi lấy vi dụ như đường dây 500KV, chỉ cần đánh sập cái cột điện thôi thì không chỉ nguy hiểm về an ninh trật tự, mà còn ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Tử hình ở đây là răn đe, phòng ngừa” – đại biểu Đương nêu rõ và cho rằng đó mới là điểm quan trọng trong bản chất của hình phạt tử hình. Còn trong thực tiễn còn tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra nữa. “Chính sách hình sự nhu mì như mặt nước hiền dịu sẽ làm nhiều người chết vì nước. Phải cứng rắn như lửa đỏ để cho kẻ phạm tội sờn lòng và những người khác không lăm le bên bờ tội lỗi, gây hại cho xã hội” – ông Đương ví von.

Cùng với góp ý trên, đại biểu Đỗ Văn Đương tỏ ra đồng tình với việc tước bỏ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội phạm tham nhũng, nghĩa là chừng nào bắt được tội phạm thì vẫn xử lý, có như vậy mới chống được tham ô, hối lộ hiện nay. “Cần truy cứu trách nhiệm hình sự tới tận cùng với tội danh này. Râu ông dài đến rốn nhưng tóm được ông vẫn bị đưa ra tòa” - đại biểu Đương thể hiện thái độ kiên quyết.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang