Đại tá Nguyễn Ích Trung (SN 1931), nguyên Trưởng phòng Thông tin bưu chính - Bộ Công an:
Ký ức một thời chi viện
Đại tá Nguyễn Ích Trung - Ảnh: Báo CATP
Cuối năm 1967, chiến trường miền Nam bước vào thời kỳ vô cùng khốc liệt, Mỹ - ngụy phát động hàng loạt chiến dịch với quy mô lớn, đòi hỏi rất lớn sự chi viện người và của từ hậu phương miền Bắc. Phòng trinh sát bảo vệ nội bộ CATP Hà Nội có 7 đồng chí xung phong đi B.
Gần đến ngày lên đường, có một đồng chí vì lý do sức khỏe không thể đi, lúc đó Nguyễn Ích Trung (36 tuổi) mặc dù đang là thương binh liền xung phong vào chiến trường.
Hơn hai tháng trời, đoàn hành quân vào tới Quảng Nam và được lệnh chốt lại để phục vụ cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Khu ủy khu 5 thành lập đội công tác xuống vùng ranh với nhiệm vụ chống địch dồn dân, lập ấp chiến lược. Đồng thời vận động quần chúng tham gia cách mạng, vận động nhân dân ủng hộ quần áo, lương thực cho bộ đội đánh giặc.
Nguyễn Ích Trung cùng đội ém tại vùng núi Quế Sơn (Quảng Nam) gần hai năm trong điều kiện thiếu ăn trầm trọng, gần một năm không có gạo, chỉ ăn rau rừng và khoai sắn, nhưng vẫn sống được là nhờ được dân đùm bọc, giúp đỡ để xây dựng cơ sở. Có một triết lý ông Trung đúc kết là: “Nếu không có dân thì không làm gì được”.
Sau khi xây dựng cơ sở vững chắc ở Quảng Nam, ông Trung được điều lên đường 14 (nay là đường Hồ Chí Minh), huyện 40 của Ban An ninh Kon Tum. Tại đây, đội xây dựng phía trước của ông Trung nhận lệnh cấp trên phát động quần chúng phá ấp chiến lược; xây dựng cơ sở trong đồng bào, cùng bà con phát rẫy làm nương, bám trụ địa bàn.
Đi đến đâu những người lính Công an chi viện đều được đồng bào che chở, yêu thương. Đại tá Trung kể rằng, thực tế đồng bào các dân tộc Tây nguyên có bản lĩnh vững vàng, họ ý thức vận mệnh dân tộc rất cao, tinh thần chiến đấu ngoan cường.
Trong một trận B52 oanh tạc, vì quá bất ngờ, ông Trung đã được một người dân đẩy xuống hầm trú ẩn. Trái bom B52 quét qua, từng lớp đất đổ ập xuống sống lưng khiến ông Trung bị thương nặng.
Khi được người dân moi đất kéo lên, ông Trung thất thần nhìn chiếc ba lô nằm trên miệng hầm đã rách tả tơi bởi hàng trăm mảnh bom găm trúng. Lúc ấy mà không được dân đẩy xuống hầm kịp thời thì ông đã chẳng có ngày về với quê hương. Một năm sau thì vết thương tái phát, ông Trung được điều ra Bắc dưỡng thương.
Vết thương lành sẹo, ông Trung quay về làm người lính công an trong thời bình. Năm 1996, Phòng thông tin bưu chính trực thuộc Bộ Công an được thành lập, đại tá Nguyễn Ích Trung là Trưởng phòng đầu tiên. Gần 20 năm sau ngày nghỉ hưu, đại tá Trung vẫn trăn trở với những công việc xã hội.
Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam, ông cùng đồng đội trong Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ về các tỉnh để truyền lửa cho tuổi trẻ công an các đơn vị, đồng thời thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách trong lực lượng công an.
Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND), nguyên Chánh thanh tra Bộ Công an:
Tự hào người lính công an
Thiếu tướng Phan Văn Lai - Ảnh: Báo CATP
Trong ngày vui đại thắng này đã có sự đóng góp to lớn của lực lượng An ninh miền Nam. Vào chiến trường, đội ngũ cán bộ Công an chi viện nhanh chóng hòa nhập với cán bộ An ninh tại chỗ, lăn lộn, bám sát phong trào cơ sở.
Nhiều tấm gương chiến đấu, anh dũng hy sinh của cán bộ Công an chi viện còn sống mãi trong tâm trí đồng bào, đồng đội miền Nam trong các hoạt động điệp báo, diệt trừ ác ôn, đánh phá bình định, phá kén giành dân, bảo vệ nội bộ Đảng, cơ quan, căn cứ địa đường hành lang, phong trào đồng khởi của quần chúng và các chiến dịch tấn công nổi dậy.
Có thời kỳ phong trào cách mạng gặp khó khăn, tổn thất nặng nề, song các cán bộ An ninh tại chỗ và cán bộ công an chi viện vẫn kiên trì bám đất, trụ dân với cuộc sống lấy đất làm giường, lấy hầm làm nhà, mưa gió đội che thân, giá rét lấy xương sưởi ấm, đói lòng lấy nước thay cơm.
Cuộc sống thiếu đói, kham khổ dai dẳng với củ sắn, củ khoai, với các loại rau rừng. Cùng với cảnh đói cơm nhạt muối là đủ thứ bệnh: Sốt rét ác tính, phù thũng cấp tính, nhiễm trùng đường ruột, bại liệt...
Ai nấy trông xanh xao, gầy ốm, bước đi không vững nhưng trên hết là sự lạc quan, tin tưởng vào sự tất thắng của cách mạng, quyết giành lại sự sống để tiếp tục chiến đấu đến ngày toàn thắng.
“Lửa thử vàng gian nan thử sức”, trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù vô cùng tàn bạo và xảo quyệt, 908 cán bộ Công an chi viện đã anh dũng hy sinh, 46 cán bộ Công an chi viện bị địch bắt tù đày trong các nhà lao địa ngục trần gian của Mỹ - ngụy ở Côn Đảo, Phú Quốc, Chín Hầm...
Được tôi luyện trong cuộc đấu tranh đầy cam go, ác liệt, nhiều cán bộ công an chi viện chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, 16 cán bộ được tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Kết quả công tác chi viện An ninh miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước góp phần làm chuyển biến tương quan lực lượng, đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh trấn áp phản cách mạng, bảo vệ thực lực cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng an ninh tại chỗ, phục vụ đắc lực yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ miền Nam, là một trong những nhân tố góp phần quan trọng vào thắng lợi của lực lượng An ninh miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Đại tá Hà Đăng Tùng, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Công an:
Hạnh phúc ngày trở về
Đại tá Hà Đăng Tùng - Ảnh: Báo CATP
Năm 1969, khi vừa tốt nghiệp Đại học Tài chính, chàng trai Tùng (SN 1942 tại Hà Nội) xung phong đi B. Sau những ngày hành quân gian khổ, gồng mình chống chọi với sốt sét, Hà Đăng Tùng được phân công vào Ban tài vụ của Trung ương Cục miền Nam. Nhiệm vụ của Ban Tài vụ là quản lý, phân bổ, cấp phát tài chính cho các mặt trận.
Sống trong lòng cuộc chiến, chứng kiến tinh thần chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ nơi tiền tuyến, trái tim Hà Đăng Tùng đã có những ký ức không thể nào quên.
Ông còn nhớ một lần được giao tháp tùng vị lãnh đạo đi lấy tiền ở kho bạc Ban An ninh. Hai chú cháu đi bộ nửa ngày tới địa điểm nhưng lại hết giờ. Vị lãnh đạo nhịn đói, lặng lẽ ra ngoài ngồi chờ.
Lấy được tiền, ông vỗ vai Tùng động viên và hứa khi nào giải phóng sẽ mời ăn phở. Hà Đăng Tùng vô cùng ngạc nhiên, không biết ông ấy là ai mà thân thiện cởi mở với mình thế.
Sau này về đơn vị, ông mới biết vị lãnh đạo đi cùng mình là đồng chí Mai Chí Thọ, Trưởng Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định (T40), sau giải phóng làm Bộ trưởng Công an.
Những ngày miền Nam sục sôi giải phóng, trong chiến khu Trung ương Cục, Hà Đăng Tùng cùng đồng đội ôm khư khư chiếc radio chăm chú theo dõi diễn biến từng trận thắng của quân ta.
Khi nghe tin Xuân Lộc giải phóng, tất cả òa lên sung sướng, bởi Xuân Lộc chính là cánh cửa thép mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Thời khắc Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng, anh em không ai bảo ai ôm nhau khóc oà. Hạnh phúc ngỡ như mơ. Tháng 8-1975, ông trở về Hà Nội.
Tuổi thanh xuân hiến dâng ở chiến trường, ba lần chết hụt trước bom rơi đạn vãi, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, khi quay về ông mới bắt đầu nghĩ đến việc lập gia đình.
Đường con cái muộn màng nhưng ông luôn thấy mình hạnh phúc vì được trở về lành lặn sau cuộc chiến khốc liệt. Ông công tác tại Phòng Tài vụ (Bộ Công an), năm 1978, được bổ nhiệm phó phòng rồi trưởng phòng.
Những năm 1985 - 1986, ông phải lặn lội vào miền Nam mua gạo, mua nhu yếu phẩm chở bằng xe vận tải ra miền Bắc cho anh em chiến sĩ. Năm 1998, ông giữ cương vị Vụ phó Vụ tài vụ. Năm 2001, được bổ nhiệm Vụ trưởng (sau này đổi tên là Cục tài chính - Bộ Công an).
Hơn 30 năm cống hiến lặng thầm cho ngành Công an, năm 2004, đại tá Hà Đăng Tùng nghỉ hưu. Năm nào cũng vậy, ông cùng đồng đội đều trở lại chiến trường xưa, gặp lại những đồng đội thân thương một thời đạn bom, đói khổ, đau ốm, thương tật.