Vì sao trẻ “yêu Net điên cuồng”?

(CAO) Chúng ta đã chứng kiến hàng trăm phần mềm hỗ trợ học tập “chết non” vì chưa đủ sức làm cho giới trẻ có thể thật sự rung động, nhưng nếu một lần chơi game online bạn sẽ hiểu những người thiết kế chúng đã “tâm lý” thế nào.

Tâm lý lứa tuổi

Game online, các website và mạng xã hội đánh rất đúng tâm lý giới trẻ, chúng luôn luôn đổi mới và có những hoạt động thú vị nhằm thu hút các độc giả truy cập thường xuyên nhất có thể.

Lứa tuổi mới lớn thích được tôn trọng. Con trai chúng ta sẽ là một tay cao thủ đánh Đông dẹp Bắc trong game. Con gái chúng ta sẽ là một “hot girl” chỉ với tấm hình “mát mẻ” hút hàng nghìn cái nhìn và lượt bấm “like” trong mạng xã hội. Đó là những danh vọng ảo mà ngoài đời thực không thể nào tìm được.

Nhiều học sinh miệt mài chơi game onlne quên cả việc học hành. Ảnh Internet

Lứa tuổi mới lớn thích khám phá. Ở thế giới 1.000.001 “hang cùng ngõ hẻm” của internet mà mỗi “hẻm” lại có một “bí kíp” thích cái tai lạ con mắt, con chúng ta không chỉ khám phá mãi không hết mà còn tự quyền làm gì tùy thích. Những video clip lung linh, những bộ truyện tranh thú vị, những tin tức cập nhật nóng hổi về giới trẻ… Thế giới internet mở ra cho trẻ một chân trời bao la với những điều chưa bao giờ thấy.

Lứa tuổi mới lớn thích tự kiềm chế kém. Tuổi mới lớn tính tự chế ngự kém, nhiều trẻ sẽ không nhận ra (hoặc cố ý không nhận ra) rằng mình ngày càng bị hút vào cái mạng nhện khổng lồ (nhưng thú vị). Đến khi nhận ra thì nó đã dán chặt vào tâm trí bằng một loại keo cực bền và trở thành một nhu cầu thiết yếu không thể tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày của trẻ.

Mối quan hệ giữa bố mẹ và con lạnh lẽo

Các phụ huynh ngày càng ít thời gian hơn và mỗi khi phụ huynh quay lưng làm việc thì thế giới online lại dang tay mỉm cười chào đón đứa trẻ 24/24. Khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng lỏng lẻo bao nhiêu thì sự “đậm đà” giữa chúng và thế giới ấy càng “tình sâu nghĩa nặng” bấy nhiêu. Chính vì vậy mà con cái chúng ta ngày nay rất dễ thỏa mãn nhu cầu tinh thần bằng cái click chuột vào các trang mạng xã hội hay game online.

Phát hiện dấu hiệu phụ thuộc

Phụ huynh có thể kiểm tra những dấu hiệu phụ thuộc ban đầu của con cái vào internet qua một vài biểu hiện cơ bản như:

* Đứa trẻ lên mạng tổng cộng bao nhiêu giờ mỗi ngày?

a. Dưới 1 giờ b. Dưới 2 giờ c. Từ 2 đến 3 giờ d. 4 giờ trở lên

* Nếu bị làm phiền (nhờ trẻ làm việc nhà) lúc đang lên mạng/chơi game, đứa trẻ sẽ?

a. Bình thường b. Hơi khó chịu c. Cáu gắt

d. Thoái thác, không làm

* Khi yêu cầu tắt internet/ ngừng game, đứa trẻ sẽ thực hiện như thế nào?

a. Rất dễ dàng b. Phân vân đôi chút

c. Chống chế “vài phút” nữa nhưng ở lại rất lâu

d. Không dứt được cho đến khi bị buộc phải dứt

* Đứa trẻ có biểu hiện tương quan với các hoạt động sống khác ở mức độ nào?

a. Vẫn tự giác học bài làm bài bình thường

b. Thỉnh thoảng bố mẹ phải nhắc nhở trẻ tham gia các hoạt động sống khác

c. Chủ động nói nối bố mẹ để được lên mạng/chơi game

d. Không quan tâm đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân

Nếu câu trả lời chủ yếu là c hay d, cần cảnh giác với dấu hiện ban đầu của nguy cơ trẻ đang dần bị phụ thuộc internet.

Ban đầu đối với trẻ internet chỉ là một thế giới ảo nhiều màu sắc nhưng nếu thiếu kiểm soát, một ngày nọ việc không lên mạng khiến trẻ có cảm giác như điều gì đó thiết yếu đang mất đi và cứ mỗi lần bật internet là trẻ bắt đầu “cắm rễ” cho đến khi bị buộc phải rời khỏi máy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang